Những người lính lênh đênh trên Biển Đông

Những người lính lênh đênh trên Biển Đông
Trên hải trình cùng tàu quân y HQ 561 đưa hàng Tết ra Trường Sa nhân dịp đón Xuân Quý Tỵ 2013, tại đảo Tốc Tan, chúng tôi đã gặp những người lính đang trực chiến trên tàu HQ 639.

Những người lính lênh đênh trên Biển Đông

> Những người giành giật sự sống ở Trường Sa
> Khám phá tàu quân y đầu tiên của Hải quân Việt Nam

Trên hải trình cùng tàu quân y HQ 561 đưa hàng Tết ra Trường Sa nhân dịp đón Xuân Quý Tỵ 2013, tại đảo Tốc Tan, chúng tôi đã gặp những người lính đang trực chiến trên tàu HQ 639.

Chuyển quà tết từ đất liền lên đảo. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Chuyển quà tết từ đất liền lên đảo. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN).

Âm thầm, lặng lẽ sát cánh cùng cán bộ, chiến sỹ đảo Tốc Tan thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, những người lính tàu HQ 639 luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, nêu cao cảnh giác, tất cả vì nhiệm vụ được giao. Nhận nhiệm vụ mới trong đợt này, một lần nữa, những người lính tàu HQ 639 lại đón Tết trên sóng nước Trường Sa trập trùng, xanh biếc.

Đón chúng tôi trên boong tàu, đại úy Trịnh Khắc Hà - thuyền trưởng tàu cho biết: “Sau khi thực hiện cấp hàng cho đảo Trường Sa lớn, chúng tôi đã neo đậu ở Tốc Tan hơn 50 ngày rồi. Ngoài nhiệm vụ thường trực ở khu vực Tốc Tan, trong mùa gió bão này, tàu HQ 639 còn thực hiện công tác vận tải hàng hóa, trực tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn cho những ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khi cấp trên có yêu cầu. Với yêu cầu nhiệm vụ của năm nay, phải đến ngoài Tết, anh em trên tàu mới được trở vào bờ chuẩn bị cho các chuyến công tác mới...”

Với riêng cá nhân người thuyền trưởng sinh năm 1978 này, năm năm nay, anh thường xuyên gắn bó với tàu và cũng nhiều lần đón tết trên biển, lênh đênh cùng HQ 639 giữa sóng nước Trường Sa vì nhiệm vụ của người lính hải quân.


Nói các anh là những người lính giữ biển đặc biệt bởi so với những người lính đảo nổi, đảo chìm khác ở Trường Sa, cán bộ, chiến sỹ trực chiến trên tàu hết sức vất vả. Trong suốt một thời gian dài (thường từ 3 tháng trở lên) mọi sinh hoạt, tập luyện đều diễn ra trên tàu trong điều kiện chật chội, thường xuyên đối mặt với giông bão, sóng to, gió lớn. Các đảo tuy cũng nhiều khó khăn, vất vả song vẫn được đảm bảo về nước ngọt, rau xanh. Còn trên tàu, do thực hiện nhiệm vụ dài ngày, mỗi người lính chỉ được tiêu chuẩn 10 lít nước ngọt/ngày, thực phẩm chủ yếu là đồ hộp và các loại củ, quả. Những lúc sóng to, gió lớn, việc nấu ăn vô cùng vất vả, vừa phải che gió, vừa phải di chuyển tránh nước hắt...

Khó khăn là thế nhưng những cán bộ chiến sỹ trên tàu HQ 639 luôn nở nụ cười lạc quan, đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Máy trưởng Phan Văn Khâm - một trong ba người có thâm niên công tác lâu nhất trên tàu. Anh kể: nhập ngũ năm 1992, sau khi chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp, năm 2004 anh bắt đầu lên tàu, liên tục sát cánh cùng anh em trong những chuyến công tác trên biển dài ngày. Năm nay là năm thứ tư anh đón Xuân, vui Tết cùng anh em tên tàu HQ 639. Xa nhà đúng dịp Tết đến, Xuân về tuy cũng có đôi lúc nhớ nhà nhưng anh xác định đối với người lính, nhất là lính Đoàn Trường Sa anh hùng thì điều đó cũng là bình thường.

Anh biết ở quê anh (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), chính quyền và bà con làng xóm vẫn thường xuyên quan tâm, chăm sóc, động viên gia đình anh chu đáo để bản thân anh yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cùng ở miền quê Yên Thành, Nghệ An như máy trưởng Phan Văn Khâm, người lính Đào Văn Hảo là quân nhân trẻ nhất tàu HQ 639 (sinh năm 1990). Mới về tàu được 4 tháng, tuy còn trẻ, nhưng Hảo khá rắn rỏi, thoăn thoắt từ boong tàu tới buồng lái. Khi nói về mình, anh chỉ nói rằng xác định lính hải quân là gắn bó với biển đảo nên việc ăn Tết trên biển cũng như ở nhà mình vậy, nhất là khi trên tàu bây giờ cũng được trang bị đầy đủ hệ thống thông tin, giải trí, từ tivi xem truyền hình vệ tinh tới dàn máy karaoke hiện đại như trong bờ nên những người trẻ như Hảo rất ít khi cảm thấy buồn...

Trên tàu HQ 639, chúng tôi còn được gặp trung úy Chu Ngọc Huấn - người con của quê hương thép gang Thái Nguyên. Từng tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, có điều kiện để có một công việc thuận lợi ở đất liền thế nhưng Huấn lại chọn con đường làm lính hải quân. Viết đơn tình nguyện vào quân ngũ, năm 2000, Huấn chính thức xuống tàu, thời gian ở trên biển, trên tàu là chính. Kể cả Tết này thì Huấn đã có 11 lần ăn Tết xa nhà, 5 năm rồi chưa có điều kiện về quê thăm người thân. Thế nhưng, chưa bao giờ Huấn cảm thấy hối tiếc về quyết định của mình bởi theo Huấn, được làm theo những gì mình thích là điều hạnh phúc nhất.

Quây quần cùng anh em chiến sỹ trong buổi liên hoan tất niên sớm, đại úy Trần Công Hữu - Chính trị viên tàu HQ 639 chia sẻ đây là năm thứ hai, anh đón Tết ở khu vực bãi Tốc Tan. Trước khi lên tàu làm nhiệm vụ, ai cũng xác định tư tưởng cho mình rõ ràng, coi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo là hàng đầu, nhiệm vụ quan trọng nhất. Khu vực Tốc Tan thường xuyên có tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền nên trong những ngày Tết, các anh càng phải nêu cao cảnh giác, trực chiến 24/24 giờ, phối hợp cùng anh em chiến sỹ đảo Tốc Tan sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống. Dù biết điều kiện sinh hoạt trên tàu có nhiều khó khăn nhưng anh em luôn tìm cách khắc phục.

Chính vì vậy, trên tàu HQ 639 có cả những hộp xốp trồng rau xanh tốt, có cả rau cải, bầu đất, mùng tơi, góp phần cải thiện bữa ăn hàng ngày cho anh em. Là đơn vị trực chiến nên việc tuân thủ kỷ luật, các chế độ sinh hoạt được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đáp ứng mọi yêu cầu nhiêm vụ đề ra...

Chia tay các anh, trong mỗi chúng tôi đều mang theo những cảm xúc khó tả nhưng đều chung một niềm cảm phục những người lính canh giữ, bảo vệ biển đảo quê hương. Tạm quên những lợi ích cá nhân vì nhiệm vụ chung của người lính, chính các anh đã và đang tô đẹp thêm truyền thống anh hùng của Hải quân Việt Nam.

Theo Hoàng Thảo Nguyên
TTXVN

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.