Những người khuyết tật ở Tiền Phong Marathon 2024: Tới để truyền ngọn lửa

TPO - Không chỉ các ngôi sao, Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024 (Tiền Phong Marathon 2024) còn có những VĐV rất đặc biệt. Đó là các thành viên thuộc CLB Người khuyết tật tỉnh Đồng Tháp. Họ không tới vì thành tích, mà chỉ muốn truyền cảm hứng cho những người đồng cảnh ngộ, hãy vượt lên số phận và tạo dựng cuộc sống tốt đẹp, có ích. 
Những người khuyết tật ở Tiền Phong Marathon 2024: Tới để truyền ngọn lửa ảnh 1

“Ôi đến bây giờ người em vẫn cứ nôn nao, vui sướng khó tả”, anh Phan Văn Sanh hồ hởi nói với phóng viên báo Tiền Phong, vài ngày sau khi trở về Đồng Tháp từ Tiền Phong Marathon 2024 tại Phú Yên, “Giờ trong đầu em vẫn văng vẳng tiếng hô cố lên của các cô, các má Phú Yên. Nhất là lúc em nói mình bị khiếm thị, các cô, các má xuýt xoa, lắc tay lắc chân ân cần hỏi, “sao khiếm thị mà chạy được hả con?”.

Sanh từng là một trong những tài năng sáng giá của bóng đá Đồng Tháp. Năm 2004, tuy nhỏ tuổi hơn những anh đã được đôn lên đội một cùng với lứa Phan Thanh Bình, Đoàn Việt Cường và thủ môn Bùi Tấn Trường. Nhưng cuộc đời bóng đá nhiều thăng trầm, những năm sau Sanh đá cho Bến Tre và qua Kiên Giang. Lúc Kiên Giang giải tán, buồn quá lại về Bến Tre. Rồi biến cố ập đến.

“Năm 2015 em chạy xe gắn máy về nhà giỗ ba thì bị tai nạn”, Sanh kể, “Đầu em đập xuống đường. Vào bệnh viện người ta bảo đưa về đi, cứu không nổi đâu, may mấy thầy ở Trung tâm bóng đá Đồng Tháp nói còn nước còn tát, đưa em lên bệnh viện Chợ Rẫy. Nhờ vậy em sống, có điều trong tình trạng hôn mê, cứ nằm đó mất một năm mới hồi tỉnh và nhớ lại tất cả”.

Những người khuyết tật ở Tiền Phong Marathon 2024: Tới để truyền ngọn lửa ảnh 2

Anh Phan Văn Sanh bám vào lưng đồng đội Phan Tấn Minh Tâm tại Tiền Phong Marathon 2024.

Những người khuyết tật ở Tiền Phong Marathon 2024: Tới để truyền ngọn lửa ảnh 3

Anh Phan Văn Sanh (đeo kính) cùng các học trò thuộc CLB Bóng đá Phan Văn Sanh.

Quãng thời gian tiếp theo mới thực sự khó khăn. “Tỉnh dậy xong em hết thấy đường luôn, người ta mù thấy đen, em mù thấy trắng toát hà. Vợ em bỏ đi mà mẹ già 80 tuổi rồi, chỉ mình em nằm một chỗ trong viện, sống nhờ tình thương của các bác sỹ”, Sanh nói, “Khi ấy em suy sụp, chán chường, muốn từ bỏ cuộc sống. Em nói, mẹ ơi, con không thiết sống nữa, chắc con từ biệt mẹ thôi”.

Thế là đêm nào mẹ cũng vào ngủ cùng Sanh, sợ Sanh làm chuyện dại dột. Nhìn mẹ như thế, Sanh hồi tâm lại, bảo với mẹ, thôi mẹ ơi, con suy nghĩ lại rồi, ngoài kia có nhiều người khổ hơn con họ còn đứng lên được, sao con lại không thể.

Về nhà Sanh bắt đầu bước xuống giường tập đi, từng bước một. Mỗi ngày anh lại đặt mục tiêu nay bước đến cửa, mai bước đến nhà vệ sinh. Sau thời gian dài nỗ lực Sanh cũng đi được đến sân bóng. Không thể nhìn nhưng Sanh vẫn nghe được những thanh âm chộn rộn từ đám trẻ đang chơi. Tình yêu với bóng đá, với cuộc sống lại được thắp lên. Anh thành lập CLB bóng đá cộng đồng và dạy bọn trẻ đá bóng miễn phí kể từ đó.

Những người khuyết tật ở Tiền Phong Marathon 2024: Tới để truyền ngọn lửa ảnh 4

Đội bóng của Phan Văn Sanh đã vô địch Giải bóng đá các lớp năng khiếu trọng điểm ở Đồng Tháp năm 2023.

Phan Tấn Minh Tâm là một câu chuyện tương tự. Khi đang theo học ngành kỹ thuật ô tô, chàng trai sinh năm 2001 bất ngờ bị tai nạn và mất đi cánh tay phải. Như Tâm nói, “lúc ấy hụt hẫng dữ lắm, bởi tương lai như đóng sầm trước mắt”, để rồi giống như Sanh, anh cũng nghĩ đến cái chết.

Rồi Tâm tình cờ xem trên YouTube thấy các nhóm thiện nguyện, với nhiều người khuyết tật vẫn lạc quan yêu đời, không chỉ vượt lên trên số phận mà còn giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ. Từ đó anh quyết định tham gia cùng và tìm lại niềm vui sống.

Chính tại Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật tỉnh Đồng Tháp, Tâm quen Sanh. Cả hai cùng quyết tâm khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên trong học tập, lao động để tự lực trong cuộc sống, dưới sự hướng dẫn của Chủ nhiệm CLB, cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm. Chị Tâm là Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam trường THPT Thiên Hộ Dương. 14 năm trước, trên đường tới nhà học sinh thuyết phục phụ huynh cho các con đến trường, chị gặp tai nạn và bị mất chân trái.

Những người khuyết tật ở Tiền Phong Marathon 2024: Tới để truyền ngọn lửa ảnh 5

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm, Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam trường THPT Thiên Hộ Dương.

Khi những giọt nước mắt đau khổ đã khô, cô giáo Tâm lập ra các nhóm thiện nguyện nhằm hỗ trợ những hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình. Tâm và Sanh cùng những người khuyết tật khác vui vẻ đồng hành cùng cô, để rồi được tuyên dương là tấm gương tiêu biểu trong Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” của Thành đoàn Cao Lãnh.

Bây giờ Tâm đang theo học công nghệ thông tin với mục tiêu kiếm một việc làm ổn định, vừa tạo dựng cuộc sống tốt cho bản thân vừa có thể hỗ trợ người khác. Còn Sanh, cho đến nay đã đào tạo hàng trăm em nhỏ thuộc vùng biên giới huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp. Hồi năm ngoái tại Giải bóng đá các lớp năng khiếu trọng điểm ở Đồng Tháp với 53 đội tham dự, đội của Sanh xuất sắc giành ngôi vô địch. Ngoài ra, nhiều học trò của Sanh hiện đang thi đấu cho Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (PVF).

Bên cạnh rất nhiều hoạt động giàu ý nghĩa cho cộng đồng, Cho đến nay CLB Thanh niên khuyết tật tỉnh Đồng Tháp còn cố gắng truyền cảm hứng thông qua các hoạt động thể thao.

Những người khuyết tật ở Tiền Phong Marathon 2024: Tới để truyền ngọn lửa ảnh 6Những người khuyết tật ở Tiền Phong Marathon 2024: Tới để truyền ngọn lửa ảnh 7Những người khuyết tật ở Tiền Phong Marathon 2024: Tới để truyền ngọn lửa ảnh 8Những người khuyết tật ở Tiền Phong Marathon 2024: Tới để truyền ngọn lửa ảnh 9

CLB Thanh niên khuyết tật tỉnh Đồng Tháp tổ chức rất nhiều các hoạt động thiện nguyện có ý nghĩa để hỗ trợ cộng đồng cũng như các hoàn cảnh khó khăn.

“Bọn em đến với Tiền Phong Marathon 2024 với mục đích tiếp sức, truyền động lực cho những ai rơi vào cảnh ngộ không may mắn, cổ vũ họ không nên bi quan, hãy tự tin, vui vẻ, hướng về những điều tươi đẹp phía trước”, Tâm chia sẻ.

Đến với giải đấu tại Phú Yên, các thành viên của CLB cũng bày tỏ sự biết ơn với anh Đức, người đã từng dự rất nhiều giải Tiền Phong Marathon trước đây. “Anh dò hỏi và biết những công việc bọn em đang làm, vì vậy đã giới thiệu về giải đấu, nói giải này lớn, là giải quốc gia nên uy tín lắm, lại có nhiều VĐV chuyên nghiệp chạy cùng”, Sanh kể, “Ảnh nói sẽ tài trợ tiền mua bib, chi phí đi lại cho cả nhóm đi Phú Yên, còn hứa cứ có giải Tiền Phong đều đài thọ cho đi”.

Thật tiếc vì ngày giải đấu diễn ra cô giáo Tâm bận dạy học nên không thể tham dự. Sanh cùng Tâm, anh Hà Phước Hòa (mất hai chân phải ngồi xe lăn), Đỗ Anh Tuấn cùng Nguyễn Hoàng Phúc, học trò của Sanh ở trung tâm bóng đá.

“Để em kể anh nghe, ngày chạy dzui lắm”, Sanh hào hứng nói, “Phúc có nhiệm vụ đi trước, em đặt tay vào lưng bạn ấy rồi chạy theo. Lúc ở vạch xuất phát đông người quá, em đạp nhằm gót giày của Phúc làm bung luôn. Có mỗi đôi giày lại hỏng, Phúc nói hay bỏ cuộc. Em bảo không được bỏ cuộc giữa chừng, khi nào hoàn thành cuộc đua mới được nghỉ.

Những người khuyết tật ở Tiền Phong Marathon 2024: Tới để truyền ngọn lửa ảnh 10

Thầy Phan Văn Sanh đi theo trò Nguyễn Hoàng Phúc, bắt đầu hành trình chinh phục thử thách 5km ở Tiền Phong Marathon 2024.

Những người khuyết tật ở Tiền Phong Marathon 2024: Tới để truyền ngọn lửa ảnh 11

Ba người, Phan Văn Sanh, Phan Tấn Minh Tâm và Nguyễn Hoàng Phúc trên cung đường Phú Yên.

Những người khuyết tật ở Tiền Phong Marathon 2024: Tới để truyền ngọn lửa ảnh 12

Anh Đỗ Anh Tuấn, một trong các thành viên CLB thanh niên khuyết tật tỉnh Đồng Tháp.

Những người khuyết tật ở Tiền Phong Marathon 2024: Tới để truyền ngọn lửa ảnh 13

Anh Hà Phước Hòa cán đích trên xe lăn.

Chạy được một đoạn đến chỗ trạm y tế, Phúc ghé vào xin keo để dán lại giày mà không có. Hai thầy trò cùng Tâm lại chạy tiếp. Rồi Phúc nhặt được sợi dây cột vô, nhưng chỉ được một quãng lại đứt. Sau Phúc kiếm được sợi dây kẽm. Lúc Phúc buộc giày, Tâm thế chỗ, dẫn đường cho em chạy. Cả ba về cùng nhau, xong Phúc cũng ném luôn đôi giày, đi chân đất ra nhận huy chương”.

Với những người thuộc CLB khuyết tật Đồng Tháp, tấm huy chương Tiền Phong Marathon 2024 có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Đó là phần thưởng cho nỗ lực vươn lên nghịch cảnh của họ, đồng thời mang đến nguồn cảm hứng lớn, không chỉ trong cộng đồng người khuyết tật mà còn cả giới chạy bộ. Quên đi những thiệt thòi, nỗi đau của bản thân, tất cả còn mang đến các giá trị tốt đẹp cho cuộc đời.

“Mấy nữa kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4), bọn em có trao quà tình thương cho các em nhỏ khuyết tật ở huyện Châu Thành, rồi giao lưu thể thao. Cô Tâm chơi cầu lông, còn tụi em đá bóng. Em làm HLV, Tâm, Tuấn đá còn anh Hòa thủ môn. Mà tụi em đá với người bình thường nha. Tụi em muốn truyền lửa cho đám nhỏ thiếu may mắn, rằng các chú, các anh nghị lực vậy đó, nên mấy đứa phải ráng nghen”, Sanh nói đầy phấn khích.

Tin liên quan