Theo Đông y, quả sấu lúc xanh có vị chua hơi chát, khi quả chín có vị chua, ngọt, tính mát, giúp tiêu đờm, được dùng để điều trị nhiều bệnh như nhiệt miệng khô khát, ngứa cổ, đau họng, nôn do thai nghén, say rượu, nổi mẩn, sưng, lở ngứa...
Không những thế, quả sấu khi chín chứa rất nhiều giá trị dinh dưỡng, bao gồm: 80% nước, 1% acid hữu cơ, 1,3% protid, 8,2% glucid, 2,7% cellulose, 0,8% tro, 100mg% calcium, 44mg% phosphor, với sắt và 3mg% vitamin C, do đó mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Theo các bác sỹ, quả sấu tươi thường có vị chua, nhất là khi còn xanh nên những người mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng nên tránh dùng quả sấu tươi hoặc các đồ uống, món ăn có nhiều sấu. Bạn cũng không nên ăn sấu khi đang đói vì sẽ làm bạn cồn cào trong bụng và hại dạ dày.
Ngoài ra, trẻ dưới 12 tháng tuổi cũng nên hạn chế sử dụng quả sấu vì hệ tiêu hóa của trẻ rất nhạy cảm, dễ bị tác động bởi tính axit trong sấu.
Mùa hè chúng ta thường ngâm sấu làm nước giải khát. Tuy nhiên sấu được ngâm với rất nhiều đường nên nếu uống nhiều và trong nhiều ngày cũng không tốt cho sức khỏe vì có thể gây tăng đường huyết dẫn tói nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, béo phì, tim mạch...
Theo các bác sỹ, quả sấu tươi thường có vị chua, nhất là khi còn xanh nên những người mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng nên tránh dùng quả sấu tươi hoặc các đồ uống, món ăn có nhiều sấu. Bạn cũng không nên ăn sấu khi đang đói vì sẽ làm bạn cồn cào trong bụng và hại dạ dày. Ảnh minh họa: Internet
Ngoài ra, nước sấu là loại thức uống chứa nhiều đường. Nếu chúng ta sử dụng liên tục loại đồ uống này có thể không tốt cho sức khỏe. Bởi vì uống quá nhiều nước sấu được ngâm đường sẽ khiến cho lượng đường trong máu tăng. Điều này ảnh hưởng đến việc hoạt động của tụy, vì cơ quan này phải làm việc nhiều hơn để giải phóng insulin, điều chỉnh lượng đường huyết sao cho phù hợp.
Nếu như việc này diễn ra liên tục sẽ dẫn đến làm giảm chức năng tụy, tăng nguy cơ mắc các bệnh huyết áp, tim mạch và béo phì. Do vậy, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, bạn không nên uống quá 2 - 3 cốc/ngày. Những người thừa cân, bị huyết áp cao cũng nên hạn chế sử dụng đồ uống này.
Những cách dùng sấu ít biết
Ngoài cách ăn sấu thông dụng như trên, bác sĩ Hoàng Khánh Toàn cho biết sấu còn có tác dụng chữa rất nhiều bệnh lý. Cụ thể như sau:
Phụ nữ nôn do thai nghén: Lấy quả sấu nấu canh với cá diếc hay thịt vịt ăn sẽ chóng giảm triệu chứng.
Chứng nhiệt miệng khô khát, ngứa cổ, đau họng: Lấy từ 4-6 g cùi quả sấu khô đem sắc với 2 bát nước còn nửa bát, uống sau bữa ăn sáng. Hoặc 8 g cùi quả sấu hãm với nước sôi uống trong ngày. Dùng trong một tuần liền. Hoặc có thể lấy quả sấu chín đem dầm với muối hay đường ăn trong ngày.
Phụ nữ nôn do thai nghén có thể dùng quả sấu nấu canh với cá diếc hoặc thịt vịt sẽ nhanh chóng giảm triệu chứng. Ảnh minh họa: Internet
Giải rượu: Lấy 10 g cùi sấu đem hãm với nước sôi để uống, cách 30 phút lại uống một lần.
Trị mụn lở: Lá dùng nấu nước rửa chữa mụn loét hoại tử.
Chữa ho: Cùi quả sấu tươi 15 g, ngâm với ít muối, ngày ngậm 3-5 lần, tốt nhất nên ngậm vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ. Hoặc cùi sấu 25 g sắc với 250 ml nước còn 100 ml, chia làm 2 lần uống, khi uống cho thêm đường. Uống trong 3 ngày. Với trẻ em, có thể lấy hoa sấu hấp cùng mật ong cho trẻ uống ngày vài lần sẽ hiệu nghiệm.
Trị bỏng: Vỏ thân cây sấu sử dụng làm thuốc trị bỏng và tử cung xuất huyết…. Ở Vân Nam, Trung Quốc người ta còn sử dụng quả sấu giã ra trị ngứa lở, ăn uống không tiêu, còn vỏ rễ cây được làm thuốc trị sưng vú ở phụ nữ.
Kích thích tiêu hóa: Lấy quả sấu hấp với đường làm nước giải khát uống trong ngày. Hoặc sử dụng quả sấu tươi nấu canh chua ăn.