Những người cao tuổi sành điệu ở Seoul

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiếp ảnh gia Kim Dong-hyun ghi lại phong cách thời trang của những người cao tuổi để đem đến một cái nhìn mới về người già.

Nằm ở quận cổ Dongdaemun của thủ đô Seoul (Hàn Quốc), chợ trời Dongmyo nhộn nhịp xung quanh một ngôi đền được xây dựng để tôn vinh một chỉ huy quân đội Trung Quốc cổ đại. Ao sơ mi, giày dép, những chiếc bàn chất đầy đồ trang sức và những chiếc hộp đầy phụ kiện. Trên những con phố lộn xộn gần lối ra số 3 của ga Dongmyo, Seoul, hàng trăm người bán hàng bày bán mọi thứ từ máy ảnh đến túi xách và đĩa nhạc cũ. Nhiều nhất là những món đồ cổ và quần áo cũ. Ngoài ra, nó còn đóng vai trò là trung tâm văn hóa cho những người cao tuổi của thành phố - nơi để họ giao lưu và thể hiện phong cách độc đáo.

Những người cao tuổi sành điệu ở Seoul ảnh 1
Những người cao tuổi sành điệu ở Seoul ảnh 2

Ông Lee Seok-ki (bên trái) và một thành viên thuộc “đoàn quân đội” của Dongmyo, với mỗi thành viên có một phong cách khác nhau

“Một ngày nọ, tôi nhìn thấy một quý ông cao tuổi đang tìm quần áo giống tôi. Phong cách của ông ấy đã làm tôi kinh ngạc”, nhiếp ảnh gia Kim Dong-hyun (29 tuổi) - người đã dành hàng ngày để ghi lại thời trang đường phố sôi động của thành phố Seoul- nhớ lại.

Những năm gần đây, Dongmyo đã trải qua nhiều thay đổi, trở thành điểm đến yêu thích của những người trẻ tuổi muốn tìm quần áo cũ với mức chi phí vừa phải. Tuy nhiên, về cốt lõi, Dongmyo luôn là sân chơi cho những người cao tuổi.

“Tôi đã gặp một số người đã đến đó hàng tuần trong 30 năm”, anh Kim cho biết, sau nhiều lần anh trò chuyện cùng với những đối tượng anh chụp ảnh. Dân số Hàn Quốc đang già hóa nhanh chóng. Đến năm 2050, số người cao tuổi có thể chiếm gần 44% dân số cả nước. Cho dù nhiều người cao tuổi vẫn khỏe mạnh và không nghĩ mình là già nhưng sự cô đơn của họ là vấn đề đáng nói.

“Ở Hàn Quốc, không có nhiều nơi mà người cao tuổi có thể đến nhưng tại Dongmyo, họ có thể đi mua sắm, đi chơi, gặp gỡ bạn bè và uống rượu gạo. Đó là địa bàn của họ và họ không cần quan tâm đến những gì người khác nghĩ. Từ kiểu tóc đến kính và giày, họ đều biết cách làm đẹp và chăm sóc bản thân. Họ theo đuổi những phong cách độc đáo để thể hiện cá tính của họ. Nhiều người cho rằng những người sành điệu chỉ có thể là những người trẻ, nhưng thời trang thực chất không có tuổi”, anh Kim nói.

Trong số những người cao tuổi ở Dongdaemun có ông Lee Seok-ki, thành viên của một nhóm được gọi là “đoàn quân đội”. Nhóm bao gồm ba người đàn ông với những phong cách khác nhau: ông Lee thích phong cách quân đội truyền thống tối giản, trong khi những người bạn của ông ấy thích cải tiến phong cách quân đội theo hướng hiện đại hơn, trang trí quần áo bằng những mảng thêu đầy màu sắc và huy hiệu.

Những người cao tuổi sành điệu ở Seoul ảnh 3

Nhà thiết kế quần áo phụ nữ, bà Chae Myung-hee

Theo anh Kim, thời trang người cao tuổi có sự tinh tế hơn. “Nó giống như rượu vang vậy. Ở độ tuổi 20, bạn nếm thử tất cả mọi thứ, nhưng đến tuổi 70, vị giác của bạn sắc sảo hơn và bạn biết mình thích gì”.

Từ khi còn nhỏ, bà Chae Myung-hee (74 tuổi), đã phát hiện mình có niềm đam mê dành cho thời trang khiến bà trở thành nhà thiết kế quần áo phụ nữ trong suốt 40 năm. Ngay cả trong giai đoạn đại dịch, bà ấy vẫn nỗ lực để trông tuyệt vời mọi lúc mọi nơi, cho dù bà có đeo khẩu trang hay không. “Nó luôn là một phần của tôi”, bà Chae nói.

Trong cuốn sách sắp ra mắt của mình, Mut - Street Fashion of Seoul (Mut – Thời trang đường phố Seoul), anh Kim cung cấp một cái nhìn thoáng qua về thế giới thời trang người cao tuổi. Anh hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp một cái nhìn mới về một nhóm người thường bị bỏ qua hoặc đánh giá thấp. Anh Kim tin rằng những người lớn tuổi nên được công nhận bởi sự tuyệt vời và tinh tế của họ - hay còn gọi là “mut” trong tiếng Hàn.

“Nó không chỉ là “sành điệu”, anh nói. “Đôi khi nó có thể có nghĩa là một cái gì đó tuyệt vời, đôi khi nó có thể có nghĩa là tốt đẹp, đôi khi nó lộng lẫy hoặc phi thường. Tôi không thể dịch chính xác từ đó và không thấy cần thiết phải làm vậy”.

Anh nói, những hình ảnh thời trang này mang lại hy vọng và một cách nhìn mới về quá trình lão hóa. “Tôi nghĩ rằng một số người cảm nhận được hy vọng khi họ nhìn những bức hình của tôi. Họ nhận thấy rằng họ cũng có thể tiếp tục ăn mặc thời trang kể cả khi già đi. Khi một tít báo sử dụng từ “ông già”, chúng ta sẽ tự động nghĩ tới một điều gì đó tiêu cực… Tôi muốn chứng tỏ rằng những người cao tuổi cũng có cá tính riêng, rằng họ cũng có thể có cái “mut” của mình”.

MỚI - NÓNG