> Chữa câm điếc bằng...véo tai, bẻ lưỡi
> Găng tay chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu thành lời nói
Nói… bằng tay
Sau ca mổ bướu cổ, giọng của bà H. khàn dần, rồi mất hẳn. “Dù cố gắng mãi, chị H. cũng chỉ phát ra được một tiếng nhưng rất khó khăn, nghe không rõ. Muốn nói chuyện với ai, chị chỉ ra hiệu bằng tay”, người nhà bà H. kể.
Là cán bộ làm công tác tuyên truyền vốn phải nói nhiều, nhưng 5 năm nay, muốn nói điều gì, bà H. chỉ còn cách ra dấu bằng tay hoặc ghi điều mình muốn nói ra giấy, nhờ đồng nghiệp đọc giúp.
Chạy chữa nhiều nơi, các bác sĩ đều lắc đầu. “Họ bảo chị tôi bị liệt dây thanh nên không chữa được”- em chị H. kể. Lúc ấy, bà H. gần như tuyệt vọng.
Mới đây, hay tin các bác sĩ khoa Tai mũi họng - BV Nhân dân Gia Định (TPHCM) tìm ra kỹ thuật bơm mỡ bụng tự thân để chữa liệt dây thanh, bà H. mừng khôn tả.
Sau một giờ phẫu thuật, bà đã nói được. “Bây giờ không chỉ hát, mình còn ru được cháu chứ không còn cười rồi gật gật đầu như xưa nữa”- bà H. vui sướng kể.
Trong 20 bệnh nhân liệt dây thanh bên trái được bác sĩ Trần Việt Hồng điều trị, 19 người nói được. Ngoài ra, 5/6 bệnh nhân teo dây thanh cũng được điều trị thành công. Bác sĩ Hồng cho biết, một vài bệnh nhân chưa đạt kết quả điều trị như mong muốn do kỹ thuật bơm mỡ chưa đủ. |
Khát khao đứng trên bục giảng của bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh (44 tuổi, ở Long An) tắt lịm gần 18 năm nay, sau khi được phát hiện bị liệt dây thanh.
Từng là giáo viên dạy văn, nói nhiều, nhưng 18 năm nay, kể từ ngày không nói nên lời, bà Khánh được nhà trường phân công làm ở phòng thư viện. Cứ ngỡ sẽ mãi mãi chỉ cười và gật đầu với học trò, nhưng cách đây vài tuần, bà đã tìm lại được giọng nói của mình.
Tỉnh dậy sau ca phẫu thuật hút mỡ từ bụng để bơm vào dây thanh bị liệt do TS.BS Trần Việt Hồng - Trưởng khoa Tai mũi họng- BV Nhân dân Gia Định thực hiện, bà Khánh lấy điện thoại ra gọi về nhà cho người em.
“Em ơi! Chị Khánh đây. Em khỏe không?”. Đầu dây bên kia: “Ai đó? Khánh nào? Nhầm người rồi. Giỡn hoài. Chị tôi đâu có nói được”. “Những người thân của mình không ai tin mình có thể nói được sau 18 năm sống trong câm lặng. Nhưng đó là một phép mầu”, bà tâm sự.
Bệnh nhân Lê Văn Nh. (63 tuổi, ở Vũng Tàu) chỉ câm lặng 20 tháng nay, nhưng với ông, đó thực sự là “khoảng thời gian sống trong địa ngục”.
Muốn thổ lộ tình cảm với con, với cháu, điều duy nhất ông Nh. làm được là ghi ra giấy. Khoảng 20 tháng trước, sau ca mổ u tuyến giáp, ông bị liệt dây thanh bên trái rồi sau đó mất tiếng hoàn toàn.
Việc “mất quyền giao tiếp” khiến ông bực bội, lo lắng, vái tứ phương để mong tìm lại tiếng nói nhưng gần như tuyệt vọng, bởi nhiều nơi cho biết giọng nói của ông đã bị…tàn phế!? Niềm vui vỡ òa khi mới đây ông được phẫu thuật bơm mỡ tự thân.
Tỉnh dậy sau hơn một giờ mê man, ông Nh. mở miệng: “Các con ơi, bố nói được rồi nè”. Sau khi ông xuất viện, thỉnh thoảng, các bác sĩ ở khoa Tai mũi họng vẫn gọi điện cho ông như một cách để kiểm tra lại cách phát âm. Đầu dây bên kia, giọng ông oang oang: “Bây giờ chú nói như chưa bao giờ được nói vậy đó. Nói nhiều đến nỗi vợ đang càu nhàu đây nè”.
Người đi tìm giọng nói
Gần như 10 năm nay, bác sĩ Trần Việt Hồng dành phần lớn thời gian cho việc nghiên cứu phương pháp tiêm mỡ bụng tự thân để chữa liệt dây thanh, trả lại giọng nói vốn có của người bị tắt tiếng vì những lý do bệnh tật.
Ông nói: “Ngày càng có nhiều người liệt dây thanh. Họ mắc chứng này chủ yếu do nguyên nhân sau phẫu thuật tuyến giáp, phẫu thuật vùng cổ, trung thất, sọ não và cả những chấn thương sọ não hoặc vùng cổ do tai nạn. Nhiều người lại bị liệt dây thanh do các bệnh lý nội khoa như tai biến mạch máu não, bệnh lao, ung thư vùng cổ họng và số khác không rõ nguyên nhân”.
Dây thanh bị liệt trước và sau khi được bơm mỡ tự thân. |
Trăn trở với nỗi đau của người bệnh, mỗi lần có dịp ra nước ngoài công tác, ông đều dành thời gian học hỏi cách “trả lại giọng nói”.
“Nhiều bệnh nhân không nói được, mỗi lần đến khám đều viết ra giấy cho tôi những nỗi niềm khát khao được nói của họ. Có bệnh nhân viết đôi khi họ muốn giải tỏa một nỗi ấm ức, nhưng chẳng thể nào cất tiếng được. Gặm nhấm nỗi buồn trong lòng khiến nhiều người buồn phiền, đổ bệnh”, TS.BS Trần Việt Hồng chia sẻ.
Sau khi reo hò vang dội trên sân bóng, Lê Quang V. ở Tây Ninh bỗng dưng mất tiếng. Người đàn ông trụ cột gia đình đã 6 năm sống trong câm lặng, từ bỏ công việc của một thầy giáo. “Nghe tin bác sĩ Hồng tiến hành phẫu thuật chữa liệt dây thanh trả lại giọng nói cho người mất tiếng, tôi đăng ký ngay. Trải qua một tiếng phẫu thuật, tôi đã nói được. Thật là may mắn”, ông V. kể. |
Vì vậy, đối với bác sĩ Hồng, nghiên cứu phương pháp chữa liệt dây thanh là điều ông tâm đắc nhất. “Lâu nay ở Việt Nam, những người liệt dây thanh thường chỉ được điều trị bằng cách luyện âm giúp dây thanh bên lành “chồm” qua bên liệt để hỗ trợ khép thanh môn khi phát âm. Cách làm này đòi hỏi người bệnh phải kiên trì với một thời gian dài, tuy nhiêu hiệu quả không như mong muốn, bởi khả năng phục hồi rất thấp. Trong khi can thiệp bằng phương pháp ngoại khoa như phẫu thuật ở cổ để cấy vật liệu đẩy dây thanh bên liệt vào trong cũng không mấy khả quan do dễ bị thải ghép”, bác sĩ Hồng cho biết.
Các phương pháp khác như bơm mỡ tự thân vào dây thanh hay phẫu thuật nối dây thần kinh giúp dây thanh bị liệt có thể trở lại trạng thái bình thường cũng chỉ được một số nước trên thế giới áp dụng, bởi cần đến nhiều kỹ thuật phức tạp.
Bác sĩ Hồng không bỏ cuộc, ông miệt mài tìm công thức pha chế mỡ động vật và tiêm thử cho động vật. “Tiêm mỡ tự thân là cách làm khó, đầy công phu. Làm sao để mỡ có độ lỏng phù hợp, làm sao mỡ chui lọt qua đầu kim để gắn vào dây thanh… đều cần độ chính xác rất cao và khó”, bác sĩ Hồng kể.
Thử đi thử lại hàng chục lần, cuối cùng, năm 2006, lần đầu tiên ông thực hiện ca phẫu thuật bơm mỡ tự thân cho một bệnh nhân.
Tuy nhiên, mãi đến năm 2011, sự hoàn hảo về kỹ thuật cấy mỡ tự thân vào dây thanh bị liệt mới được ông công bố. Ông nói “đó là thời điểm chín muồi”. Đến nay, hơn 100 bệnh nhân được bác sĩ Hồng “trả lại giọng nói”.
Theo bác sĩ Hồng, khi điều trị bằng phương pháp này, các bác sĩ sẽ lấy khoảng 1ml mỡ ở vùng bụng của bệnh nhân và xử lý để tiêm vào dây thanh, giúp thanh môn khép kín khi phát âm. Sau một giờ phẫu thuật, bệnh nhân sẽ ổn định và xuất viện ngay trong ngày.
“So với việc tiêm collagen, keo sinh học có giá thành cao dễ bị đào thải, gây dị ứng, bơm không đúng cách thì coi như thất bại và không làm lại được thì tiêm mỡ tự thân vào dây thanh bằng phương pháp nội soi là thủ thuật hiệu quả, đáp ứng sinh học tốt, chi phí thấp và hầu như không có tai biến trong và sau mổ”, bác sĩ Hồng nói.