Những ngôi trường bí mật ở Afghanistan

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bất chấp lệnh cấm học tập của Taliban, nhiều cô gái và các giáo viên vẫn chấp nhận rủi ro để tiếp tục con đường học tập tại các trường học bí mật.

Khi các thanh tra đến cổng trường, họ trốn khỏi lớp học, chạy đến một căn phòng ẩm mốc và ngồi chờ đợi hàng giờ với hy vọng không bị phát hiện. Taliban đã cấm giáo dục trung học đối với trẻ em gái, quy định giáo dục dựa trên giới tính duy nhất trên thế giới.

Một năm sau khi quân đội Mỹ rút lui và nhóm chiến binh tiếp quản đất nước, việc học với các thiếu nữ giờ đây là hành động bất hợp pháp. Các thiếu nữ không chỉ phải lo lắng về việc học mà còn đối mặt với hiểm nguy nếu họ bị phát hiện đang trong lớp học.

“Tôi đã nhận thấy nhiều thay đổi ở học sinh của chúng tôi”, bà Arezoo, hiệu trưởng của một trường Kabul (người đã quyết định mở cửa cho các nữ sinh trung học bất chấp lệnh cấm) cho biết. “Về mặt tâm lý, chúng luôn bị căng thẳng, tôi có thể nhìn thấy trong ánh mắt và hành vi của chúng”.

Những ngôi trường bí mật ở Afghanistan  ảnh 1

Một nữ sinh rời trường

Các quan chức Taliban tuyên bố lệnh cấm chỉ là tạm thời với lý do cần thay đổi an ninh, đồng phục, giáo viên, cơ sở và chương trình giảng dạy. Nhưng nhiều người Afghanistan vẫn nhớ rằng lần trước nhóm kiểm soát Afghanistan, trường học dành cho nữ sinh đã bị đóng cửa “tạm thời” trong suốt 6 năm cầm quyền của họ. Vì vậy, khi các cô gái rơi vào trầm cảm, bị cướp đi ước mơ trở thành bác sĩ, phi công, kỹ sư hay diễn viên.

“Tôi nói với mẹ tôi rằng, tôi có ý tưởng mở lại các lớp cho nữ sinh trung học và hỏi bà ấy nghĩ gì. Bà ấy hỏi tôi: Liệu họ có giết con nếu họ phát hiện ra không? Tôi đáp là không, họ có thể sẽ chỉ đánh đập tôi thôi. Vì vậy, bà nói: “Làm đi, con sẽ quên một cái tát trong một hoặc hai giờ thôi”, ông Jawad, quản lý một trường tư cho biết.

Những ngôi trường bí mật ở Afghanistan  ảnh 2

Các cô gái tham gia lớp học tại một ngôi trường bí mật

Các “trường học bí mật” đã mọc lên khắp cả nước. Một số là các lớp học trực tuyến, một số là trường tư thục, nhưng phần lớn còn lại là những nỗ lực ứng biến với mục đích giữ vững tinh thần các cô gái với hy vọng các trường học sẽ mở cửa trở lại, hơn là để thay thế cho giáo dục chính thức.

Những kế hoạch ứng biến

“Ban đầu, mọi người đều rất thất vọng thậm chí họ sẽ đặt câu hỏi về mục đích của học tập là gì”, cô Mahdia, người đã thành lập một trường dạy lớp 7 chia sẻ.

Là một kỹ sư mới tốt nghiệp tại một trong những trường đại học tốt nhất của Afghanistan, cô gái 23 tuổi này từng làm việc cho các dự án cơ sở hạ tầng cho đến mùa hè năm ngoái và hiện cô nhớ công việc của mình da diết. “Vài vị trí vẫn dành cho phụ nữ, nhưng trong ngành kỹ thuật, Taliban cực lực phản đối phụ nữ làm việc này. Tất cả các bạn nữ cùng lớp của tôi đều thất nghiệp”.

Vì vậy, trong khi học tiếng Anh và tìm kiếm học bổng để học thêm bằng kỹ sư ở một nước khác, cô quyết định dạy các cô gái địa phương. Cô Mahdia đã thương lượng với một nhà thờ Hồi giáo để tổ chức các lớp học ở đó. May mắn thay, một tổ chức phi chính phủ, Shahmama, đang hỗ trợ họ thông qua đóng góp sách giáo khoa và văn phòng phẩm, cũng như gây quỹ để các giáo viên nhận được phụ cấp. “Tôi làm việc này với tư cách là một tình nguyện viên, để hỗ trợ các cô gái và tạo hy vọng cho tương lai của họ và các cô gái cũng cho tôi hy vọng”, cô Mahdia nói.

Cô Mahdia dạy một tiếng mỗi ngày, nhưng giao bài tập về nhà để giúp các cô gái bận rộn trong thời gian dài ở nhà, thay vì bắt đầu suy nghĩ về những thứ đã mất. Cô bắt đầu và kết thúc mỗi tiết học bằng một cuộc nói chuyện truyền cảm hứng.

“Mỗi ngày khi chúng tôi kết thúc, tôi đều nói chuyện với các em một lúc và cố gắng động viên chúng với những thông điệp như “không có kiến thức nào bị lãng phí”. Tôi nói với chúng rằng tôi ở đây để dạy và hỗ trợ, vì vậy chúng phải tiếp tục hy vọng và nắm lấy cơ hội của mình”.

Áp lực từ gia đình

Ông Jawad quyết định bắt đầu lại các lớp học sau khi các bậc phụ huynh cầu xin ông giúp đỡ. “Nhiều gia đình đến hỏi tôi về con gái của họ. Họ nói: “Các chàng trai của chúng tôi đi học trở lại nhưng còn các cô gái của chúng tôi thì sao?”

“Giáo dục là tất cả”, một người cha có cô con gái 10 tuổi mới ghi danh vào lớp 7 ở đó. Ông phát hiện ra ngôi trường bí mật bằng cách kiên quyết hỏi về các lớp học mỗi khi nhìn thấy các nữ sinh bước ra và mang theo sách. “Tất nhiên tôi có lo lắng cho con bé nhưng tôi muốn các con gái mình đạt được ước mơ của chúng. Tôi không muốn chúng trở thành những “bà cô” chỉ ngồi nhà cả ngày và xin tiền chồng”.

Taliban đã ngầm thừa nhận áp lực của phụ huynh đối với giáo dục, từ đó cho phép các trường học mở cửa ở một số tỉnh, bao gồm cả miền bắc Balkh và miền nam Zabul. Vào tháng 3 khi các nữ sinh được kêu gọi trở lại trường, nhưng rồi sau đó bị yêu cầu trở về nhà ngay khi các em đến lớp học.

Gần đây hơn, một cuộc tập hợp các giáo sĩ toàn quốc dự kiến ​​sẽ ủng hộ giáo dục của trẻ em gái, nhưng lại kết thúc với một cái gật đầu mơ hồ cho quyền của phụ nữ. Theo nguồn tin có mối liên hệ với giới lãnh đạo Taliban, những người phản đối giáo dục cho trẻ em gái hiện có ưu thế vì vậy các cô gái Afghanistan sẽ phải tiếp tục giữ bí mật việc học tập và người dân Afghanistan sẽ phải tiếp tục vi phạm pháp luật để giúp họ làm điều đó.

“Tôi chưa già, nhưng tôi đã có những nếp nhăn trên trán. Vẻ ngoài của các nữ sinh khiến tôi đôi khi rất buồn. Tôi thường tự hỏi rằng: “Tại sao tôi phải giấu các em khỏi chính phủ của chúng ta?”, ông Jawad, người gây quỹ để thuê một nhà trị liệu tâm lý cho các học sinh, cho biết.

(*) Tên các nhân vật đã được thay đổi để bảo vệ các nữ sinh và trường học của họ.

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.