Những nét văn hoá dân gian có sức hút kỳ lạ trong hơi thở hiện đại

Cào cào lá dừa, lá tre nhún nhảy trên đường phố Sài Gòn mặc dòng người ngược xuôi.
Cào cào lá dừa, lá tre nhún nhảy trên đường phố Sài Gòn mặc dòng người ngược xuôi.
TP - Đâu đó trên những con phố tấp nập, sầm uất tràn ngập sắc xuân vẫn hiện hữu những nét cổ xưa hoài niệm. Đó là cụ đồ già ngồi cho chữ, bác thợ biến chiếc lá dừa thành chú cào cào biết nhảy tanh tách, hay những nghệ nhân nặn tò he làm sáng rực góc phố…

Áo mới… tò he

Chẳng biết tò he có tự bao giờ nhưng vẫn luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với trẻ em lẫn người lớn. Ở Sài Gòn này, muốn mua tò he thì đến các khu du lịch Đầm Sen, Suối Tiên… thể nào cũng gặp. Chị Lê Thị Ngà (40 tuổi, người làng Xuân La, Hà Tây) thừa kế nghề làm tò he từ thời ông nội. Lấy chồng, lên Sài Gòn mưu sinh. Chị dựa vào mẹt tò he bán rong, kiếm tiền nuôi con. Vài năm nay, chị được người quen giới thiệu, đặt chiếc bàn nhỏ ở Đầm Sen bán niềm vui cho du khách.

Tò he có sức hấp dẫn kỳ lạ, không chỉ đối với trẻ nhỏ mà còn đối với rất nhiều người ở đủ mọi lứa tuổi. Chỉ cần ít bột màu với một que tre nhỏ, dài chừng 40 cm, dưới bàn tay tài hoa của người thợ sẽ khiến những hình ảnh trong trí tưởng tượng của mọi người phút chốc trở thành hiện thực. Chị Ngà thật thà: “Trẻ em bây giờ hiểu biết hơn thời của tôi nhiều. Các em thích những nhân vật nước ngoài như Nữ hoàng băng giá Elsa, Sofia, Minion… Trong khi mình chỉ biết làm 12 con giáp, các nhân vật trong phim Tây Du Ký, hoa hồng… Để đáp ứng yêu cầu của khách, tối tối mình lên mạng học hỏi thêm, cập nhật cả những nhân vật mới rồi tập làm. Đôi khi một chút phá cách, một chút sáng tạo nhưng khách thích thú là mình cũng… ăn điểm”.

Xuất thân từ gia đình có nghề nặn tò he từ thời ông cố, anh Trần Đức Hiền (ngụ Q.Bình Tân) tự hào vì mình không chỉ giữ được nghề đến nay, mà còn lập được cả công ty trực tuyến, chuyên phục vụ các buổi tiệc, sinh nhật cho người có nhu cầu. “Không chỉ tạo hình các nhân vật theo yêu cầu, tôi còn nhận hướng dẫn làm tò he ngay trong buổi tiệc. Thời bây giờ, chỉ cần có điện thoại nối mạng internet là mình không sợ ế khách; sản phẩm làm được đăng trên facebook cũng bán được hàng” – anh nói. Bên cạnh đó, anh còn nhận đào tạo học viên, tạo việc làm cho các bạn yêu thích nghề truyền thống này.

Theo các nghệ nhân tò he, công nghệ làm nguyên liệu là quan trọng nhất. Bột gạo nếp phải là nếp Bắc, được bỏ vào nồi và luộc cho đến khi chín tới. Sau khi hoàn thành xong giai đoạn này thì người ta sẽ nắm bột thành từng vắt và nhuộm 4 màu cơ bản là vàng, đỏ, đen và xanh. Màu phải được chế biến từ thực vật như: hoa lè, củ nghệ, cây nhọ nồi, lá chàm, lá riềng… nhằm tránh độc hại cho trẻ em khi chúng ăn phải.

Tết, tò he xuống phố nhiều hơn. Không chỉ góp mặt các khu vui chơi giải trí nữa mà ở khu phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1), khu phố Tây Bùi Viện (Q.1), các khách sạn, hội chợ triển lãm… Cầm con tò he trên tay, người ta không chỉ thán phục vẻ ngoài của nó, mà còn hít hà lấy cái mùi thơm mang đậm nét đồng quê tỏa ra từ bột nặn. Lưu kỷ niệm bằng những tấm ảnh “selfie”, nhiều bạn trẻ xúng xính trong tà áo dài, thay cành đào bằng những chú tò he đầy sắc màu, cùng nụ cười tỏa nắng làm không gian phố thị càng ngập tràn sắc xuân.

Cào cào lá dừa

Trên các con đường trung tâm Sài thành Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Nhà Thờ Đức Bà (Q.1), hình ảnh ông cụ già vận quần tây, sơ-mi trắng bày biện trước mặt những chú cào cào, châu chấu nhún nhảy trên cọng dừa non… như níu chân du khách. Bỏ ra 30.000 đồng hoặc “2 đô-la” là sở hữu món đồ chơi dân giã này.

Ông lão với đôi tay gầy, khẳng khiu chuốt từng cọng lá dừa, rồi thắt thắt, bẻ bẻ thật mềm mại. Chẳng mấy chốc mà từng con vật nhỏ xinh “hiện hình” trước những đôi mắt hiếu kỳ của quan khách. Những buổi chiều, trẻ em được cha mẹ đón về thường chở ngang qua chỗ ông lão ngồi, mua cho “bé cào cào” lá dừa làm quà. Ông lão hấp háy mắt, vui theo tiếng cười con trẻ…

“Quê tui ở miền Tây, tui biết gấp lá dừa từ nhỏ. Lên Sài Gòn sống, lâu lâu thấy có cọng dừa non thường tết cho vui. Không ngờ nhiều người thấy thích, hỏi mua. Vậy là tui được làm nghề mình yêu thích, quan trọng là giúp cho trẻ con thành phố biết được thêm món đồ chơi “nhà quê” nhưng hết sức thú vị. Năm hết Tết đến, tôi vẫn ngồi đây bán cào cào. Có khác chăng là mình bận bộ đồ mới hơn chút, khách mua của mình nhiều hơn. Có người còn lì xì nữa, vui lắm cô à!” – ông lão móm mém cười.

Cũng khéo tay khi xếp trò chơi bằng lá dừa, nhưng anh Nguyễn Minh Tuấn (38 tuổi, ngụ Q. Bình Thạnh, TP.HCM) không bám vỉa hè mà tự “nâng cấp” thành dịch vụ. Anh chia sẻ: “Chỉ thông qua những mối quan hệ quen biết, tôi được các nhà hàng, quán ăn thuê đến góp vui cho buổi tiệc bằng những sản phẩm từ lá dừa của mình. Thay vì bữa tiệc có chú hề tạo hình bong bóng, thì giờ họ muốn những sản phẩm dân giã, mộc mạc hơn. Mỗi sô như thế có giá vài trăm ngàn đồng, nhưng nếu ngày nào cũng có 2-3 sô, mình có thu nhập bạc triệu. Thu nhập tuy có thấp hơn khi bán rong nhưng được cái ổn định, không bị ai xua đuổi”.

Anh Tuấn cho hay, đây vốn là một trò chơi dân gian, các sản phẩm được làm với chất liệu tự nhiên, thân thiện và gần gũi với thiên nhiên, làng quê Việt Nam nên khách rất thích. Để tạo ra các con vật như cào cào, con chim, con cá, hay những bông hoa xinh xắn... anh Tuấn dùng đọt non của cây dừa nước. “Những chiếc lá dừa nước dùng để gấp đồ chơi phải có độ già vừa đủ mới đảm bảo được độ dẻo và màu vàng tươi. Nếu chọn lá non quá sẽ rất khó tạo hình vì quá mềm, ngược lại nếu lá già quá sẽ rất cứng và dễ gãy. Ấp lá dừa không khó, ai cũng có thể bắt chước làm theo nhưng để tạo nên một sản phẩm đẹp thì đòi hỏi người làm công việc này phải khéo tay và sáng tạo” – anh bộc bạch.

Gieo ước mơ

Tất bật hướng dẫn hết bạn nhỏ này đến bạn nhỏ khác, gian hàng hướng dẫn làm diều miễn phí công viên văn hóa Đầm Sen. Bé Phương Vy (học sinh lớp 1) phấn khởi: “Lần đầu tiên con biết cách làm một con diều. Chỉ vài cây tăm, chút keo hồ, giấy và chỉ, thêm một chút khéo tay là có thể làm được một món đồ chơi thú vị rồi”. Hàng chục em nhỏ cứ thế vây quanh các nghệ nhân diều để được tận mắt chứng kiến, hướng dẫn cách làm. Có khi cả gia đình cùng bắt tay, hì hục tạo dáng cho con diều. Khi sản phẩm hoàn thành, ai cũng nhễ nhại mồ hôi, nhưng chỉ cần diều “cất cánh”, bao mệt nhọc cũng tan biến.

Nghệ nhân Lê Văn Quý, Phó chủ nhiệm CLB diều nghệ thuật Sài Gòn (ngụ Q.Gò Vấp) - người có nhiều đóng góp trong làng diều thành phố đã dành cả đời cho những con diều. Ông chu du khắp mọi miền đất nước từ Bắc chí Nam, ra cả nước ngoài để làm diều, biểu diễn diều nghệ thuật truyền thống. Tại TPHCM, ông không chỉ làm diều mà còn nhiệt tình tham gia lời mời của tất cả các trường trên địa bàn TP có nhu cầu mời ông đến giới thiệu học sinh làm diều.

Những ngày Tết, những con diều như được chấp thêm đôi cánh bay pháp phới trên bầu trời trong xanh. “Hình tượng diều gặp gió được người ta nhắc đến như một thuận lợi trong công việc, đời sống. Đầu năm, ai cũng cầu mong những điều tốt lành đến với mình và gia đình. Việc những cánh diều bay lên trên bầu trời ngày đầu năm phần nào tạo thêm cho họ niềm vui, sự tin tưởng vào thành công của một năm mới” – ông Quý chia sẻ.

Người nghệ nhân 73 tuổi bộc bạch: “Những trò chơi dân gian, truyền thống không chỉ là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ; mà đó còn là tài sản, là cốt cách tinh thần vô giá mà chúng ta cần phát huy, gìn giữ. Những trò chơi hiện nay dù có hấp dẫn, hiện đại bao nhiêu đi chăng nữa, nếu chúng ta cho trẻ em chơi không đúng cách, có khi lại còn hại trẻ. Tuy nhiên, với các trò chơi truyền thống, chúng ta cũng cần thay đổi linh hoạt để phù hợp với thời thế. Có như vậy, người làm nghề mới giữ và sống được với nghề, đồng thời truyền cảm hứng cho thế hệ mai sau”.

Những nét văn hoá dân gian có sức hút kỳ lạ trong hơi thở hiện đại ảnh 1 Nghệ nhân diều nghệ thuật Lê Văn Quý miệt mài “gieo” ước mơ cho thế hệ trẻ
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.