Những nẻo đường tình nguyện: Rộn ràng Xiêng Khoảng

Những nẻo đường tình nguyện: Rộn ràng Xiêng Khoảng
TP - Trong khi các bạn sinh viên khác chuẩn bị  mũ, kính râm để đối phó với mùa hè thì đoàn chúng tôi lại lúi húi với áo ấm, chăn bông cho một mùa mưa tình nguyện tại tỉnh Xiêng Khoảng, nước bạn Lào.
Những nẻo đường tình nguyện: Rộn ràng Xiêng Khoảng ảnh 1
Đoàn tình nguyện chụp ảnh lưu niệm tại chùa Phia - Vắt

Khi chiếc xe đưa chúng tôi qua bản Noọng Dẻ cửa khẩu Nậm Kắn thì cũng là lúc cơn mưa rừng của sườn tây Trường Sơn ào ào trút nước. Những giọt nước mát như xóa đi cái nắng gắt, khô rạc của những trận gió Lào của bên kia biên giới.

Xa xa, những cánh rừng săng lẻ bạt ngàn thẳng tắp, thác nước trắng xóa, đồi thông ngút ngàn nối tiếp những nương ngô xanh mướt. Ở đây, màu trắng của mây trời quyện vào màu xanh của rừng tạo thành bức tranh thủy mặc đẹp đến nao lòng.

Vượt hơn 400 km, chúng tôi đến thị xã Phôn Sa Vẳn thì trời đã sẩm tối. Lãnh đạo Sở Giáo dục Xiêng Khoảng và hơn 100 lưu học sinh Lào đang học tại Đại học Vinh (Nghệ An) đã chờ sẵn đón đoàn.

Một số người trong đoàn đã thấm mệt vì trải qua một ngày đường với nhiều đèo dốc, nhưng khi đến Phôn Sa Vẳn thì sự mệt mỏi đã tan biến, nhường chỗ cho những cái bắt tay thân mật và mọi người lại hòa vào giai điệu rộn ràng của bài hát Hà Nội - Viêng Chăn.

Đoàn chúng tôi gồm 31 tình nguyện viên, trong đó có 15 sinh viên Lào đang học tập tại Đại học Vinh. Nhiệm vụ chính của đoàn là dạy tiếng Việt cho học sinh sắp sang Việt Nam học tập.

Mới chỉ ở Lào hơn hai tuần, nhưng tất cả chúng tôi đã quen với cách sống mới, quen với những cơn mưa rừng ào ào trút nước, quen với tiếng gà mỗi sáng thức dậy, quen với cái tĩnh mịch của những đêm sương phủ kín cả bản làng…

Và trên hết, ai cũng cảm thấy như mình đang ở nhà vì tình cảm của các gia đình nơi đây dành cho sinh viên tình nguyện.

Chúng tôi chia thành 4 nhóm, hoạt động trong hơn một tháng tại 2 huyện Mường Khăm, Mường Khun và 2 nhóm tại thị xã Phôn Sa Vẳn.

Ở Phôn Sa Vẳn một ngày trước khi về các địa điểm hoạt động tình nguyện, cả đoàn được tắm mình trong một không gian thoáng đãng, không khí mát mẻ, trong lành.

Được thăm cánh đồng Chum với những chum đá lớn nhỏ nằm rải rác trong một thảo nguyên rộng như thách thức mọi người về bí ẩn đã tồn tại hàng chục thế kỷ. Đi thăm chùa Phia-Vắt, một ngôi chùa thờ Phật có lịch sử lâu đời tại Mường Khun…

Người dân Lào hiền hậu và mến khách. Đi đến đâu, chúng tôi cũng được chào đón niềm nở. Rất nhiều người Lào đọc được tiếng Việt in sau áo tình nguyện.

 Những tiếng cười nói lao xao: “Sinh viên tình nguyện à? Việt Nam à? Xin chào!”. Khi về các điểm tình nguyện, chúng tôi được bố trí ăn ở cùng dân. Có một số tình huống dở khóc, dở cười khi có bạn nữ “nhịn tắm” vài ngày vì không mặc được chiếc váy tắm của đồng bào Lào.

Có bạn “chiến đấu” rền mỳ tôm vì không ăn được các món ăn ở đây… Nhưng chỉ sau một thời gian, sinh viên tình nguyện đã quen dần với cách sống mới, hòa nhập được với đồng bào.

Những nẻo đường tình nguyện: Rộn ràng Xiêng Khoảng ảnh 2
Dạy tiếng Việt cho bạn Lào tại Xiêng Khoảng

Theo dự kiến, có khoảng 300 học sinh sẽ tham gia học tiếng Việt trước khi sang Việt Nam du học. Thế nhưng, khi nghe tin có sinh viên tình nguyện Việt Nam sang dạy tiếng Việt, hơn 800 người đã đăng ký học, trong đó có hơn 400 cán bộ, công an, bộ đội, giáo viên.

Chúng tôi đã phải khéo léo bố trí thời khóa biểu khi có đến 26 lớp học, nhưng chỉ có 15 sinh viên tình nguyện Việt Nam đứng lớp và 15 sinh viên Lào hỗ trợ.

Ban ngày đến lớp, ban đêm lại có nhiều học sinh Lào đến nhà học thêm, nhiều bạn sinh viên tình nguyện cho dù đã rất mệt nhưng vẫn vui vẻ hướng dẫn tỉ mỉ cho từng em vì thấy các em ham học quá…

Bận là thế, nhưng chúng tôi vẫn dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động văn hóa. Sau mỗi buổi lên lớp, mọi người lại hồ hởi ra sân giao lưu bóng đá, bóng chuyền với các học viên là giáo viên và cán bộ các sở.

Đêm đến, mọi người lại quây quần bên nhau tập văn nghệ. Được sự đồng ý của Sở Giáo dục, đội tình nguyện sẽ tham gia 4 tiết mục văn nghệ biểu diễn trong buổi khai mạc và bế mạc Hội nghị Giáo dục toàn quốc tổ chức tại Sở Giáo dục Xiêng Khoảng từ ngày 23/7 đến 27/7.

Mọi người như được tiếp thêm sức mạnh, luyện tập chăm chỉ hơn khi được tin Bộ trưởng Bộ GĐ&ĐT Việt Nam cũng sẽ có mặt tại hội nghị này.

Thời gian này, tại Phôn Sa Vẳn, các đường phố đều tràn ngập băng rôn chào đón Tuần lễ hữu nghị văn hóa Việt- Lào.

Tối 16/7, đoàn sinh viên tình nguyện được Hội Hữu nghị Lào - Việt mời tham gia buổi giao lưu đặc biệt với sự có mặt của các gia đình Việt kiều, sinh viên tình nguyện, các lưu học sinh Lào tỉnh Xiêng Khoảng đang học tập tại Việt Nam và chuyên gia, công nhân Việt Nam đang làm việc tại Xiêng Khoảng.

Cho dù chương trình bị đứt đoạn nhiều lần vì mưa to, nhưng buổi giao lưu đã diễn ra ấm cúng. Mọi người được nghe nhiều câu chuyện cảm động về tình cảm của người Lào dành cho bà con Việt kiều, được đắm mình trong điệu Lăm vông dìu dặt…

Kết thúc buổi giao lưu, mọi người cầm tay nhau, bịn rịn không muốn rời xa. Qua ánh mắt, mọi người như thầm hứa với nhau sẽ gặp lại trong mùa mưa năm tới.

Xiêng Khoảng tháng 7/2007

Lê Công Đức
Trưởng đoàn SVTN Đại học Vinh tại Lào

MỚI - NÓNG