GS.TS Hoàng Công Đắc, Chuyên gia tiêu hóa, Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay triệu chứng chính của bệnh sỏi mật có thể xuất hiện cơn đau bụng gan, đau vùng hạ sườn phải lan ra vai phải hoặc xương bả vai.
Khi bệnh có thể xuất hiện đau ở vùng thượng vị (trên rốn) làm cho lầm thành cơn đau của dạ dày.
"Sỏi mật khi gây ra đau thì cần phải can thiệp, nếu không can thiệt có thể gây viêm phúc mạc bệnh nhân có thể sẽ bị tử vong", GS. Đắc nói.
Trước đây, nguyên nhân gây sỏi mật thường gặp ở Việt Nam thường là do nhiễm giun. Người bị nhiễm giun, giun có thể chịu vào cuống mật. Khi giun chết thì xác giun có thể là nơi nơi bám dính mật, lâu dần sẽ hình thành nên các viên sỏi mật.
Người thường xuyên ăn đồ tái, sống cần phải luôn cảnh giác với nguy có nhiễm giun, sán. Để tránh nguy cơ sỏi mật cần lưu ý tẩy giun định kỳ 2 lần/năm. Cần phải thực hiện ăn chín uống sôi, hạn chế ăn đồ sống, tái.
Ăn ít rau xanh
Theo GS. Đắc nếu như trước kia sỏi mật thường có liên quan tới giun thì ngày nay căn bệnh này lại có liên quan tới thói quen ăn uống. Người ăn ít rau xanh có nguy cơ cao bị sỏi mật.
Ăn ít rau xanh gây ra tình trạng nhu động ruột hoạt động kém gây ra tình trạng táo bón. Ngoài ra, việc ăn ít rau xanh cũng làm ảnh hưởng tới nhu động của mật. Mật nếu bị ứ đọng lại có thể tạo thành sỏi bùn gây tắc nghẽn mật.
Ăn nhiều thịt, mỡ
Sỏi mật có liên quan trực tiếp tới quá trình chuyển hóa của cơ thể. Lối sống hiện đại ít vật động, ăn ít rau xanh, tăng ăn thịt và nhiều đồ chiên rán khiến cho cơ thể rất dễ bị rối loạn chuyển hóa.
Thói quen ăn thức ăn nhiều dầu mỡ sẽ làm cho thành phần mỡ thay đổi, nó cũng làm thay đổi dịch tiết của mật.
Một số đối tượng dễ mắc sỏi mật có thể kể tới như người bị viêm túi mật; người phình giãn đại tràng; người bị liệt; người bị polyp túi mật, u đường mật, u tụy; người có chế độ ăn bổ sung dinh dưỡng…
Đau bụng mạn sườn phải: Cơn đau sỏi mật thường xuất hiện ở góc sườn bên phải hoặc vùng thượng vị. Tính chất đau có thể âm ỉ hay dữ dội tùy theo từng vị trí sỏi xuất hiện và thường xảy ra sau khi ăn nhiều dầu mỡ.
Sỏi viên, sỏi bùn túi mật: thường đau dữ dội vùng dưới sườn phải theo từng cơn kèm đầy trướng, buồn nôn.
Sỏi trong gan, ống mật chủ: cơn đau quặn mật ở vùng hạ sườn phải, lan ra vai phải hoặc sau lưng, vùng thượng vị khiến nhiều người nhầm tưởng thành bệnh dạ dày. Đi kèm với đau là các biểu hiện của tắc mật như vàng da, vàng mắt, sốt cao.
Sốt kèm vã mồ hôi hoặc ớn lạnh: Thường do nguyên nhân nhiễm trùng đường mật, viêm túi mật. Có thể sốt cao đến 38 - 39 độ C kèm theo đau bụng dữ dội, vã mồ hôi nhưng cũng có khi sốt nhẹ, kéo dài.
Vàng da, vàng mắt: Mức độ vàng da ở mỗi người khác nhau tùy thuộc vào mức độ tắc mật, thường đi kèm với các triệu chứng như đi ngoài phân trắng, ngứa da.
Rối loạn tiêu hóa: Cơn đau cấp tính ở túi mật có thể gây buồn nôn và nôn ói, đầy bụng, chậm tiêu, chán ăn, sợ mỡ. Các triệu chứng này cũng dễ nhầm với bệnh dạ dày - tá tràng và đường tiêu hóa.