Những lời tình tự đắm say của người trẻ Pa Cô

Các chàng trai cô gái lại quây quần bên nhau, trao nhau những câu hát tìm vợ, tìm chồng
Các chàng trai cô gái lại quây quần bên nhau, trao nhau những câu hát tìm vợ, tìm chồng
Vào những đêm trăng thanh, gió mát, các chàng trai cô gái lại quây quần bên nhau, trao nhau những câu hát tìm vợ, tìm chồng làm say đắm lòng người.

Tục đi Sim là nét văn hóa truyền thống lâu đời của người Vân Kiều, Pa Cô, tỉnh Quảng Trị. Vào những đêm trăng thanh, gió mát, các chàng trai cô gái lại quây quần bên nhau, trao nhau những câu hát tìm vợ, tìm chồng làm say đắm lòng người.

Đi Sim - nét văn hóa đẹp

Men theo đường Quốc lộ 9 (hay còn gọi đường 9 Nam Lào), chúng tôi ngược lên miền núi phía Tây Quảng Trị. Tìm đến Đakrông - một huyện miền núi có đại bộ phận dân cư là người đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều và Pa Cô.

Những người già, trưởng bản ở đây cho biết tập tục đi Sim đã có từ lâu đời, đến ngày nay vẫn còn được lưu truyền trong các thế hệ trẻ. Đi Sim là dịp để các đôi nam nữ đến tuổi dựng vợ gả chồng tìm hiểu nhau, trao nhau những làn điệu, câu hát, những bản nhạc làm say đắm lòng người.

Thường thì tục đi Sim diễn ra vào những mùa trăng. Chính vì vậy vào những đêm trăng sáng những người con trai, con gái trên rẻo cao lại tìm đến nơi hò hẹn bên những con suối, những ngôi nhà Xu thơ mộng giữa rừng để cùng trò chuyện, tìm hiểu. Và cứ như vậy, từng mùa Sim đi qua sẽ có những đôi trai gái nên duyên vợ chồng sau khi đã trò chuyện, tìm hiểu nhau. Họ ngồi nói chuyện với nhau cả đêm bên dòng suối mát, dưới ánh trăng thanh hữu tình. Để tránh gặp trời mưa, người con gái khi đi Sim thường đem theo một cái gối và một cái chăn để ngủ lại ở nhà Xu hoặc những căn lều nhỏ của gia đình ở giữa rừng.

Những lời tình tự đắm say của người trẻ Pa Cô ảnh 1

Huyện Đakrông- một huyện miền núi có đại bộ phận dân cư là người đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều và Pa Cô

Già làng Hồ Văn Thoàng (trú tại xã Hướng Hiệp, Đakrông) cho biết: “Người Vân Kiều rất tin vào tình yêu mà mình tự tìm thấy. Họ muốn tự mình tìm hiểu và kết hôn với người mà họ chọn lựa. Chính vì vậy, tục đi Sim vẫn được lưu truyền đến tận bây giờ.”

Tục đi Sim như một minh chứng cho việc bình đẳng trong tình yêu, hôn nhân của người Vân Kiều chứ không có chuyện cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Đây là một điều rất tiến bộ trong suy nghĩ của bà con nơi đây.

Một trong những điều không thể thiếu trong những lần đi Sim hò hẹn là những bài hát giao duyên với ca từ đẹp để bày tỏ nỗi niềm tâm sự, khát khao yêu thương mà những đôi trai gái dành cho nhau. Chính những điệu hát này càng làm cho tình cảm giữa người con trai, con gái càng khăng khít, bền chặt hơn để có thể về thưa với cha mẹ, trưởng bản và đi đến một cuộc hôn nhân trọn vẹn.

“Luật tục của người dân tộc thiểu số Vân Kiều chúng tôi không cho phép tình trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân. Nếu đôi trai gái nào “vượt rào ăn trái cấm” sẽ bị làng phạt rất nặng nếu bị phát hiện.” – già làng Hồ Văn Thoàng cho biết.

Thật vậy, người Vân Kiều nói riêng và những dân tộc thiểu số khác nói chung đều rất xem trọng tâm linh, những quan niệm trái thuần phong mỹ tục phải chịu những hình phạt của làng như: phạt cúng trâu bạc, tiền, bị đuổi khỏi làng… Đây cũng là điều góp phần đưa tục đi Sim của người Vân Kiều thành một truyền thống văn hóa tốt đẹp trong lòng các dân tộc khác.

Sự biến tướng của tục đi Sim

Ngày nay, với guồng quay của xã hội hóa thì tục đi Sim của người Vân Kiều cũng bị rơi rớt đi ít nhiều những giá trị văn hóa tốt đẹp mà cha ông đã để lại. Tìm gặp những thế hệ trẻ nơi vùng núi Đakrông này bạn sẽ không khỏi thảng thốt khi nghe họ kể về cách tìm hiểu nhau để nên vợ thành chồng. Đã thưa thớt dần những chuyến đi Sim dưới ánh trăng lãng mạn bên bờ suối cùng những câu hát giao duyên.

Những lời tình tự đắm say của người trẻ Pa Cô ảnh 2

Những căn nhà sàn - nét văn hóa của người Vân Kiều, Pa Cô

Thay vào đó là những bài hát tân thời ở những quan karaoke hay những quán cà phê. Một số bạn trẻ còn không biết đến sự tồn tại của tục đi Sim nữa. Bạn Hồ Thị Mai (trú tại Làng Cát, Đakrông) cho biết: “Ngày nay, chúng em chỉ đi nhậu, đi cà phê hoặc đi hát karaoke gặp nhau nói chuyện thôi, chứ ít khi tổ chức đi Sim như thời cha, ông tụi em lắm”.

Nghe mà xót xa cho một nét đẹp văn hóa, một bản sắc dân tộc đang dần bị biến tướng và mai một nhanh đến chóng mặt. Bây giờ giới trẻ nơi miền núi cao này không cần phải đợi đến những mùa trăng, không cần phải tập những điệu hát giao duyên để có thể tìm được vợ, được chồng nữa. Thay vào đó, họ trao nhau những lời bông đùa, những bài hát nhạc trẻ đang thịnh hành. Đi kèm với việc để các giá trị văn hóa mai một, họ cũng đánh liều “ăn trái cấm” để tình trạng mang thai ngoài ý muốn diễn ra phổ biến.

Có những trường hợp đứa con sinh ra không biết cha mình là ai. Hoặc cũng có những trường hợp vì vội vàng quá mà trao thân nên khi cuộc hôn nhân chưa bắt đầu được bao lâu đã vội vàng ly hôn.

Thiết nghĩ, nếu không bảo tồn và gìn giữ tục đi Sim, có lẽ chỉ một thời gian không xa nữa phong tục này sẽ hoàn toàn bị xóa sổ. Sẽ không còn ai được nghe những câu hát giao duyên, không còn thấy những gia đình hạnh phúc được hình thành từ những đêm trăng đẹp, những làn điệu ngọt ngào, lãng mạn.

Theo VTC News
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.