Nếu bạn muốn sở hữu cơ thể khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh tật và bảo vệ đôi chân, hãy dành 15 phút mỗi ngày để đi bộ nhanh - hít thở sâu. Bài tập có 3 lợi ích lớn với sức khỏe:
Tăng chuyển hóa trong cơ thể
Nghiên cứu đăng trên Tạp chí y khoa Circulation cho thấy, tình trạng lười vận động khiến cơ thể dễ mắc hội chứng chuyển hoá. Bệnh thay đổi hàng loạt chỉ số trong cơ thể như tăng huyết áp, nồng độ insulin cao, dư thừa chất béo quanh eo, tăng nguy cơ đột quỵ tim, bệnh tật và bệnh đái tháo đường. Tập thể dục, trong đó đi bộ nhanh - hít thở sâu là một trong những cách phòng bệnh hiệu quả nhất.
15 phút đi bộ không chỉ ngăn chặn hội chứng chuyển hóa, mà còn thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể, chống bệnh tật, giảm lượng mỡ thừa tự nhiên. Đi bộ cũng là cách để bảo vệ khung xương vững chắc, tránh loãng xương, gãy xương, nhất là ở độ tuổi trung niên.
Cải thiện chức năng não bộ
Đi bộ tốt cho bộ não, cải thiện trí nhớ, nhận thức, khả năng học tập, đọc sách, giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Nghiên cứu công bố trên Tạp chí y khoa Archives of Internal Medicine chứng minh, các triệu chứng của người trầm cảm được cải thiện nhờ thói quen đi bộ hàng ngày. Đặc biệt, kết quả điều trị bằng bài tập đi bộ còn hiệu quả kéo dài hơn dùng thuốc.
Nghiên cứu cũng cho biết, đi bộ đều đặn mỗi ngày có thể giúp tăng 7 năm tuổi thọ. Dễ thấy rằng, những người có đi bộ hoặc chạy bộ đều đặn thường cảm thấy hạnh phúc và lạc quan hơn.
Phòng suy tĩnh mạch chân
Một nghiên cứu trên Tạp chí y khoa Lancet Today (Anh) xếp Việt Nam vào nhóm 10 nước lười vận động nhất thế giới. Số người luyện tập thể dục trên 30 phút mỗi ngày chiếm không quá 15% dân số. Điều này khiến số người mắc bệnh suy tĩnh mạch chân ở mức cao. Thống kê từ chương trình tầm soát "Hãy biết yêu đôi chân bạn" tại 11 bệnh viện ở TP HCM, Hà Nội và đồng bằng sông Cửu Long năm 2016 cho thấy, tỷ lệ người mắc suy tĩnh mạch chiếm đến 25-62% dân số.
Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, song các triệu chứng khó chịu ở cẳng chân ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống, sinh hoạt và làm việc. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn tiến thành giãn tĩnh mạch, phù chân, thậm chí chàm, loét chân. Các biến chứng này gây mất thẩm mỹ, tốn kém nhiều chi phí điều trị.
Những biến chứng của bệnh suy tĩnh mạch chân. |
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Trí - Đại học Y Dược TP HCM, nguyên nhân gây suy tĩnh mạch chủ yếu do tình trạng ứ máu trong lòng tĩnh mạch chân. Bình thường mỗi cử động chân sẽ giúp đẩy máu từ tĩnh mạch trở về tim, dưới sự hỗ trợ của lực hút tạo ra trong lúc hít thở sâu, kèm thêm tác dụng cản máu chảy ngược từ trên xuống dưới của hàng loạt các van trong lòng tĩnh mạch. Với những nghề nghiệp đòi hỏi ít vận động (ngồi nhiều), hoặc vận động nhẹ nhàng (đi lại trong không gian hẹp), các cơ chế hỗ trợ máu đi từ chân về tim bị hạn chế, từ đó gây ứ đọng máu tại tĩnh mạch.
Tình trạng này kéo dài nhiều năm sẽ gây tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch, từ đó gây tổn thương van trong lòng và thành tĩnh mạch. Khi van tĩnh mạch suy, máu tĩnh mạch trào ngược về ngoại biên ngay trong quá trình đi lại, làm cho cơ chế đẩy máu từ các cơ chi dưới mất tác dụng, dẫn đến áp lực thủy tĩnh do máu ứ trệ xuất hiện liên tục. Trọng lực (lực hút Trái Đất) tăng lên khi đứng hoặc ngồi so với khi nằm chính là yếu tố làm trầm trọng thêm tình trạng này.
Bệnh suy tĩnh mạch có thể phòng và chữa được nếu chúng ta đi bộ nhanh 15 phút mỗi ngày, trước khi chuyển sang giai đoạn muộn - mất bù. Khi đi bộ nhanh, bạn phải hít thở sâu, giúp hút máu từ thấp lên cao mạnh hơn và loại bỏ tác dụng của trọng lực trên hệ thống tĩnh mạch vốn đã ứ máu.
Theo huấn luyện viên Thúy Uyên, đi bộ cần tuân thủ nguyên tắc đi bước ngắn, đưa cao chân rồi dẫm mạnh chân xuống đất, đi với tốc độ nhanh hơn bình thường. Khi đi, nên kết hợp với hít thở sâu. Lúc các cơ chân co lại, nên kết hợp thở ra. Cơ chân co tạo lực đẩy, ép máu trong lòng tĩnh mạch đi từ dưới lên. Thở sâu làm giảm áp lực ổ bụng, hút máu trong lòng tĩnh mạch từ dưới lên trên dễ dàng hơn. Việc dẫm chân mạnh xuống đất khiến các hệ thống cơ, đệm tĩnh mạch ở bàn chân tống máu từ bàn chân đi lên cao tốt hơn.
Đung đưa cánh tay trong chuyển động tự nhiên, hai chân và hai tay ở vị trí đối diện, so le nhau. Lưu ý không nên mang giầy hoặc mặc áo quần quá chật gò bó khớp và các cơ, gây hạn chế cử động và sưng đau.