Dấu hiệu của sốt xuất huyết khi thấy các triệu chứng sốt cao đột ngột liên tục 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, đau đầu, đau mình mẩy kèm các dấu hiệu phát ban, nổi hạch, da xung huyết, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chân răng, nên đến bệnh viện khám để xác định sớm xuất sốt huyết và điều trị kịp thời đúng bệnh.
Đối với phụ nữ mang thai, theo các BS cho biết bệnh sốt xuất huyết không dẫn tới dị dạng thai nhi. Tuy nhiên trong những hợp bị sốt xuất huyết nặng, xuất huyết nội tạng thì phụ nữ mang thai có nguy cơ bị sẩy thai hoặc đẻ non.
Theo TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai, sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà nếu chưa có biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, người bệnh hay tự ý sử dụng thuốc hạ sốt và hạ sốt dồn dập.
TS Cường cho biết sốt xuất huyết có triệu chứng sốt cao nên người nhà thường cho sử dụng thuốc liên tục nhất là trẻ em cứ sốt cao là cho uống hạ sốt.
TS Cường nhấn mạnh bệnh này sốt do vi rút nên nhiệt độ hạ xong lại tiếp tục tăng cao. Người bệnh chỉ nên dùng thuốc giảm sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ 4-5 lần/ngày khoảng cách thời gian là 5-6 giờ/lần. Nếu sử dụng thuốc hạ sốt quá liều liên tục sẽ dẫn đến tổn thương gan, kể cả thuốc hạ sốt nhét hậu môn đối với trẻ em.
Còn theo PGS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, không được dùng các thuốc hạ sốt có chứa aspirin vì khi bị sốt xuất huyết uống aspirin sẽ gây chảy máu. Vì aspirin ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu nên làm cho việc chảy máu do sốt xuất huyết gây ra không cầm được nhất là xuất huyết đường tiêu hóa. Kết quả làm cho bệnh trầm trọng thêm.
Đặc biệt đối với trẻ em tuyệt đối không được dùng thuốc có chứa aspirin vì aspirin là yếu tố thúc đẩy gây hội chứng Reye (phù não và suy gan nhiễm mỡ với tỷ lệ tử vong khoảng 30-50%, nếu sống sót cũng để lại di chứng tổn thương não vĩnh viễn). Aspirin làm tăng độ acid vốn thấp ở dạ dày trẻ, gây bỏng rát viêm đường tiêu hóa, nặng hơn gây xuất huyết đường tiêu hóa.
Trên thị trường có các loại thuốc cấm (bán không cần đơn) trong thành phần thường có chứa kháng viêm không steroid. Ví dụ biệt dược: alaxan chứa kháng viêm không steroid (ibuprofen). Tránh dùng nhầm các loại biệt dược loại này vì các kháng viêm không steroid gây ngưng tập kết tiểu cầu nên cũng làm cho việc chảy máu trong sốt xuất huyết.
TS Cường đặc biệt lưu ý không tự ý truyền dịch tại nhà khi bị sốt xuất huyết vì có thể dẫn đến phù nề, suy hô hấp và nguy hiểm đến tính mạng.
Không dùng kháng sinh vì sốt xuất huyết là sốt do vi rút nên tuyệt đối không dùng kháng sinh để điều trị vì kháng sinh không có tác dụng với vi rut.
Chăm sóc người sốt xuất huyết: Ngoài thuốc hạ sốt cần bù dịch sớm bằng đường uống như nước oresol, nước trái cây (nước dừa, nước cam, nước chanh), hoặc nước cháo loãng với muối. Ăn uống đủ chất, bổ sung dinh dưỡng cần thiết, không kiêng tắm rửa mà nên giữ vệ sinh sạch sẽ.