Những khu trọ ổ chuột quanh khu công nghiệp Đồng Nai

Kẹt xe thường xuyên tại ngã tư Vũng Tàu, cửa ngõ vào KCN Biên Hòa 1, 2
Kẹt xe thường xuyên tại ngã tư Vũng Tàu, cửa ngõ vào KCN Biên Hòa 1, 2
TP - Tỉnh Đồng Nai có 31/35 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động và tỷ lệ lấp đầy là 81%. Trong đó, bao quanh TP Biên Hòa là 9 KCN và khu vực sản xuất của 2 công ty có trên 25 ngàn công nhân. Hơn 20 năm hình thành các KCN, mật độ dân số cạnh các KCN tăng nhanh đã tạo nên quá tải về hạ tầng.  

Những khu trọ ổ chuột

Quá nửa trong tổng số trên 1 triệu dân ở TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), sống tập trung ở những khu vực nằm xen giữa các KCN và đa phần họ là công nhân. Cùng với các nhà máy, xí nghiệp, hàng nghìn khu nhà trọ đã mọc lên. Nhiều khu trọ không đảm bảo chất lượng hoặc đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn luôn chen chúc người ở.

Dù đã có vài cơn mưa đầu mùa làm thời tiết đã dịu đi rất nhiều, nhưng trong dãy nhà trọ của ông Nguyễn Hữu Đính (tại KP2, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) vẫn nóng hầm hập. Dãy nhà trọ với hơn 10 phòng của ông Đính đã xuống cấp sau hơn 15 năm sử dụng, nhiều phần tường nứt toác, mái tôn dột nước, cống rãnh ẩm thấp nhưng luôn kín người ở.

Gia đình chị Trần Thị Tuyết Anh, gồm 6 người sống chen chúc trong căn phòng trọ chưa đầy 15m2. Chị cho biết, cả gia đình trông chờ vào người chồng và con trai lớn đi làm công nhân, nhưng cả hai đã mất việc do công ty ngưng hoạt động.

Chồng phải đi làm công nhật, hôm có việc, hôm không. Thu nhập ít ỏi lại không ổn định nên cả gia đình chị phải sống tằn tiện qua ngày. Vì không biết đi đâu, làm gì nên vẫn phải bám víu vào nơi này.

Những khu trọ ổ chuột quanh khu công nghiệp Đồng Nai ảnh 1 Cả gia đình chị Tuyết Anh gồm 6 người trong căn phòng trọ chật hẹp. Ảnh: Đức Minh

Căn phòng trọ của vợ chồng chị Lâm Ngọc Hà (quê Tiền Giang) thuê vốn là chuồng nuôi heo được chủ nhà cải tạo lại, ở gần KCN Amata. Chị cho hay, vệ sinh môi trường ở đây không tốt nhưng đành chấp nhận và hàng ngàn người thuê trọ ở quanh đây cũng phải chịu đựng như vậy. Dịch COVID-19 vừa qua khiến chồng chị mất việc nên cuộc sống càng thêm khó khăn. “Về quê cũng không biết làm gì sống vì không có đất đai, nhà cửa nên cứ phải ở đây thoi thóp qua ngày kiếm việc”- chị Hà nói.

Các khu dân cư (KDC) tự phát, những căn nhà trái phép cũng được dựng lên quanh các KCN. Chị Nguyễn Hồng Hoa làm việc cho một công ty ở KCN Biên Hòa 2 đã hơn 15 năm. Chị cho biết, vì muốn có căn nhà riêng để ổn định cuộc sống nhưng thu nhập thấp nên đành chọn giải pháp mua đất của dự án phân lô bán nền và sang nhượng bằng giấy tay rồi “xây lụi” để ở. Theo chị Hoa, khu vực này có rất nhiều người cũng phải chọn giải pháp như gia đình chị.

Thường xuyên tắc nghẽn giao thông

Trục đường Bùi Văn Hòa nhiều năm qua luôn trở thành nỗi ám ảnh của người dân 2 phường Long Bình và Long Bình Tân bởi thường xuyên ùn tắc xe cộ và ngập nước. Đây là con đường độc đạo nối Quốc lộ 51 với Quốc lộ 1 và “gánh” 3 KCN cùng hàng trăm ngàn người dân sinh sống, qua lại nên luôn trong tình trạng quá tải. 

Bà Vũ Hương Lan (phường Long Bình) nói: “Năm này qua năm khác tình trạng này không những không được cải thiện mà ngày càng tồi tệ hơn”. Ông Nguyễn Văn Cả (phường Long Bình Tân) cũng cho biết quốc lộ 51 đoạn gần Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh thường xuyên bị ngập nước sau mỗi cơn mưa lớn. Mùa mưa năm 2019, khu vực này ngập đến 8 lần.

“ Cứ mưa lớn là nước thoát không kịp, gây ngập sâu đến cả mét. Tuyến đường này lại có nhiều phương tiện giao thông qua lại nên không đảm bảo an toàn, nhất là trong mùa mưa”-ông Cả cho hay.

Theo các cơ quan chức năng của Đồng Nai, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do khi quy hoạch các KCN chưa tính toán đến việc đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ ở xung quanh. Đa số những tuyến đường kết nối với các KCN rất nhỏ, trong khi lưu lượng xe cộ qua lại rất lớn, nhất là vào các khung giờ cao điểm, gây quá tải và thường xuyên ùn tắc.

Ngoài ra, việc quy hoạch KCN cũng chưa tính đến sự phát triển dân cư. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, lượng người ở các nơi khác đến Đồng Nai sinh sống và làm việc trong các KCN rất đông khiến nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là TP.Biên Hòa trở nên chật chội và vô cùng ngột ngạt.

Ông Võ Văn Chánh-Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, năm 2020 tỉnh này sẽ tiếp tục yêu cầu các địa phương đẩy nhanh triển khai các dự án thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải đô thị tại các khu vực có nguy cơ ngập úng. Thực hiện các dự án cải tạo kênh mương, đoạn sông, suối đã bị ô nhiễm nặng chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung, và các dự án nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn. Đồng thời nhân rộng các mô hình xử lý ô nhiễm môi trường tại các điểm phát sinh chất thải nguy hại. 

MỚI - NÓNG