Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần được sáng tác vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, thuộc triều đại nhà Thanh, tức là sau khi gia cảnh họ Tào đã như con thuyền mắc cạn.
Trước năm 1791, Hồng Lâu Mộng có tên là Thạch đầu ký và chỉ mới có 80 chương, vì khi đang viết dở, thì danh sĩ họ Tào đã lâm trọng bệnh và qua đời ở tuổi 40.
Đến năm 1793, Cao Ngạc đã tự viết thêm 40 chương sau cho Thạch Đầu ký căn cứ trên nền tảng, ý tưởng và văn phong của Tào Tuyết Cần. Và chính cái kết cục không có hậu của tác phẩm đã được nhiều người đánh giá là phù hợp với ý tưởng và logic phát triển của câu chuyện trong phần đầu tác phẩm của Tào Tuyết Cần.
Sau khi viết xong, Cao Ngạc mới đổi lại tên tác phẩm là Hồng Lâu Mộng (Giấc Mộng Lầu Hồng), vừa để cho phù hợp với nội dung tác phẩm, vừa mang dáng dấp của tâm hồn ông vì hiệu của Cao Ngạc là Hồng Lâu Ngoại Sĩ (hàm ý người đứng ngoài lầu hồng - không màng gì đến công danh phú quý trên con đường làm quan).
Năm 1793, Hồng Lâu Mộng được in ra gồm 120 chương hồi và được giới nho sĩ cũng như những người yêu thích văn chương đánh giá là một kiệt tác trong số hơn 300 bộ tiểu thuyết của Trung Quốc.
Như vậy, lẽ ra Hồng Lâu Mộng là bộ tiểu thuyết của đồng tác giả Tào Tuyết Cần và Cao Ngạc. Nhưng vì nghĩa khí của Cao Ngạc với tư cách là một nhà nho đã từng làm quan trong hai triều đại, và cũng vì ý tưởng quá thâm sâu của người đã khởi xướng ra nó, nên khi in ra, Cao Ngạc chỉ lấy tên của người bạn tri âm tri kỷ đã quá cố Tào Tuyết Cần.
Đối với Cao Ngạc, việc tự viết thêm 40 chương cuối cho Thạch Đầu ký không phải vì danh, cũng không vì lợi mà vì muốn giải tỏa nỗi lòng cô phẫn của chính mình, nên mượn Hồng Lâu Mộng để gửi gắm tâm can là rất đắc địa và cũng là điều dễ hiểu.
Tưởng rằng các cây đại thụ trong làng văn chương cổ điển Trung Quốc sẽ rợp mãi bóng xuống đầu hậu thế, nào ngờ từ cuối tháng 6/2006, trên diễn đàn dành cho những người yêu thích tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng có tên Hồng lâu nghệ phạm xuất hiện một hiện tượng khá kỳ thú là những trang viết tiếp tác phẩm này của một nickname là Vũ Sơn Tuyết với những dòng bộc bạch khá chân thành:
Tôi là một kẻ cô độc yêu thích Hồng Lâu Mộng. Tôi cho rằng sau khi đọc Hồng Lâu Mộng, mỗi người sẽ có một đoạn kết cho riêng mình. Tôi không muốn phá vỡ những giá trị văn học kinh điển của tác phẩm, nên tôi thấy cần phải viết tiếp câu chuyện chỉ dành riêng cho mình mà thôi.
Tức thì phần viết tiếp của Hồng Lâu Mộng tạo được sự hưởng ứng, khen ngợi của người đọc khiến số lượt truy cập vào trang web Hồng lâu nghệ phạm tăng đột biến.
Theo thông báo của Nhà xuất bản Hội Nhà văn Trung Quốc thì đầu năm 2007 Vũ Sơn Tuyết đã cho phát hành khoảng 100.000 bản.
Nhìn chung, nhận xét của những người đọc phần viết tiếp này thì Vũ Sơn Tuyết rất thành công khi bắt chước được bút pháp của nguyên tác trong việc khắc họa tính cách nhân vật, phát triển tình tiết cũng như lồng ghép các đoạn, bài thơ vào câu chuyện.
Thậm chí có người đã thốt lên rằng: Nếu không nói ra đấy là những trang viết của Vũ Sơn Tuyết thì ai cũng nghĩ đó là của Tào Tiên sinh tái hiện.
Hồ Nam |
Thế là một cuộc truy lùng nickname Vũ Sơn Tuyết bắt đầu và phải mất một thời gian khá dài người ta mới tóm cổ được danh tính của nó. Hóa ra, Vũ Sơn Tuyết là một cô gái còn rất trẻ, có tên thật là Hồ Nam, 27 tuổi, đang làm nhân viên marketing cho một công ty ở Hàng Châu.
Hồ Nam cho biết cô đã từng đọc Hồng Lâu Mộng từ khi mới 12 tuổi. Nhưng chẳng hiểu vì sao mà cô lại bị ám ảnh bởi những nhân vật trong tác phẩm của Tào Tuyết Cần, để rồi 3 năm sau, tức năm 15 tuổi cô đặt bút sáng tác những câu chuyện tiếp theo của Hồng Lâu Mộng.
Suốt 12 năm trời ròng rã, Hồ Nam sống âm thầm với tác phẩm của mình và cuối cùng đứa con tinh thần của cô cũng đã ra đời vào đầu năm 2007.
Hồng Lâu Mộng đã từng được xem là một trong 4 đại kỳ thư của tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc, đến mức người dân Trung Quốc luôn truyền tụng nhau một câu danh ngôn rất nổi tiếng: Khai đàm bất thuyết Hồng Lâu Mộng/ Độc tận thi thư diệc uổng nhiên! (Mở miệng mà không nói Hồng Lâu Mộng thì có đọc hết cả thi thư cũng vô ích!).
Hơn thế nữa, ở Trung Quốc còn có hẳn một chuyên ngành nghiên cứu về Hồng Lâu Mộng, gọi là Hồng học. Có lẽ trước đó, trên thế giới chỉ có duy nhất nhà đại văn hào nước Anh thế kỷ XVI là Shakespeare mới có được một vinh dự lớn lao như thế.
Thế mới biết giá trị tư tưởng và nghệ thuật cũng như tầm ảnh hưởng của Hồng Lâu Mộng rộng lớn biết chừng nào.
Vậy mà, một cô gái trẻ sống trong thời kinh tế thị trường, làm một công việc không mấy dính líu gì đến văn chương lại dám cầm bút viết tiếp Hồng Lâu Mộng thì quả là một hiện tượng độc nhất vô nhị, khiến dư luận và báo giới không thể không quan tâm.
…Đến những hệ lụy của nó
Vào khoảng tháng 10/1954, từ bức thư của Chủ tịch Mao Trạch Đông, một cuộc tranh luận về giá trị cách mạng của những tác phẩm văn học cổ điển đã lan ra khắp đất nước Trung Quốc.
Mao chủ tịch đã đọc nhiều lần Hồng Lâu Mộng và những công trình nghiên cứu về tác phẩm này. Cuối cùng ông đưa ra một kết luận thật bất ngờ:
Mỗi người nên đọc cuốn tiểu thuyết này 5 lần trước khi muốn đưa ra bất kỳ một nhận xét gì về nó. Dẫu đã từng được cày nát qua nhiều thế kỷ, cuốn sách với hơn 600 nhân vật độc đáo và đa dạng Hồng Lâu Mộng vẫn là một kho chứa nhiều điều bí ẩn.
Trong những năm gần đây, các cuộc tranh cãi về Hồng Lâu Mộng ngày càng căng thẳng hơn, đặc biệt là khi diễn ra cuộc tuyển chọn diễn viên quy mô lớn cho phiên bản mới của bộ phim dựa vào tác phẩm này.
Bắt đầu từ tháng 8/2006, cuộc tuyển chọn diễn viên cho ba nhân vật chính Giả Bảo Ngọc, Tiết Bảo Thoa và Lâm Đại Ngọc được tổ chức trên mạng Làn sóng mới, thu hút hàng chục ngàn thanh thiếu niên đang sống tại Trung Quốc và nước ngoài tham gia.
Chỉ riêng việc tuyển chọn diễn viên quy mô lớn và rầm rộ suốt một năm qua khiến bộ phim truyền hình Hồng Lâu Mộng chưa quay đã “sốt” và cũng đã trở thành một hiện tượng độc nhất vô nhị nữa.
Trong cuộc tuyển chọn diễn viên cho bộ phim truyền hình Hồng Lâu Mộng mới, hai cô gái có tên Diêu Miêu (trái) và Lý Húc Đan được chọn vào hai vai: Tiết Bảo Thoa và Lâm Đại Ngọc. |
Các diễn viên tham gia tuyển chọn không chỉ trên quy mô toàn đất nước Trung Quốc với hơn 1,3 tỷ người mà còn đến từ nhiều quốc gia châu Á khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia...
Cuối cùng, sau gần một năm vất vả, đoàn làm phim đã chọn được hai người trẻ, đẹp là Lý Húc Đan, cô gái 18 tuổi có cặp mắt rất đẹp và buồn đến từ Giang Tô, đã giành số điểm cao nhất trong nhóm vai Lâm Đại Ngọc, còn Diêu Miêu, một nữ diễn viên tốt nghiệp Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, từng tham gia một số phim đã chiến thắng ở nhóm vai Tiết Bảo Thoa.
Bộ phim do Hồ Mai, người đã từng đạo diễn rất thành công bộ phim Vũ Hán Đại Đế, đảm trách, còn đạo diễn nổi tiếng Trần Khải Ca có ý đảm nhận vai trò chỉ đạo nghệ thuật cho bộ phim.
Theo các nhà làm phim, điểm khác biệt lớn nhất của Hồng Lâu Mộng phiên bản 2008 với tác phẩm truyền hình cùng tên của 20 năm trước là sẽ sử dụng nhiều kỹ xảo vi tính hiện đại để tái hiện những cảnh trí xưa.
Hồng Lâu Mộng phiên bản 2008 sẽ do Đài truyền hình Bắc Kinh, Tập đoàn điện ảnh Trung Quốc đầu tư gồm 50 tập, với số tiền lên tới khoảng 100 triệu nhân dân tệ và dự kiến sẽ ra mắt khán giả vào dịp khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008.
Trần Hiểu Húc trên phim và ngoài đời |
Một điều nữa mà ít người quan tâm đến là Tào Tuyết Cần, một ông quan khánh kiệt chỉ duy nhất một lần đến với văn chương bằng tác phẩm Thạch Đầu ký, sau gần 300 trăm năm lại trùng hợp với Trần Hiểu Húc, một cô gái vừa xinh đẹp, mảnh dẻ, thích sống nội tâm, cách đây 20 năm chỉ duy nhất một lần đến với điện ảnh và vụt sáng trong vai Lâm Đại Ngọc, nhân vật chính trong phim Hồng Lâu Mộng.
Chỉ khác là Tào Tuyết Cần khi còn dang dở Thạch Đầu ký đã vội ra đi, còn Trần Hiểu Húc khi đã là một doanh nhân thành đạt trong làng quảng cáo ở Bắc Kinh thời mở cửa hội nhập đã tự mình tìm đến cửa thiền để tịnh tâm.
Văn sĩ họ Tào ra đi trong cảnh thiếu thốn về vật chất ở tuổi 40, còn nghệ sĩ điện ảnh họ Trần lại ra đi trong sự thèm khát tinh thần ở tuổi 42 và cả hai đều mất trong tình trạng bất đắc kỳ tử vì chứng bệnh nan y.
Thế nhưng cả hai đều để lại cho hậu thế những giá trị nghệ thuật và nhân bản bất hủ.
Theo Đỗ Ngọc
Sức khỏe và Đời sống