Những 'đứa con' hao hao

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hai MV vừa ra lò đã tạo quan tâm, gây tranh cãi chính là “Buồn không thể buông” của Phí Phương Anh kết hợp RIN9, MiiNa (nhóm nhạc DREAMer) và “Sau lưng anh có ai kìa” của “người cũ” Sơn Tùng M-TP - ca sỹ Thiều Bảo Trâm. Bên cạnh những lời khen thì “Buồn không thể buông”, “Sau lưng anh có ai kìa” đều dính nghi án đạo nhạc.

Chỉ tại “cái vòng” giống nhau?

“Cha đẻ” của “Buồn không thể buông” chính là RIN9. Một bộ phận khán giả mê Kpop chỉ ra, “đứa con” của RIN9 gợi nhớ ca khúc Kpop đình đám khoảng hơn chục năm trước “Sick Enough To Die” của MC Mong. Cũng có khán giả cho rằng “Buồn không thể buông” còn “lai” nhiều hơn thế, đâu chỉ gợi nhớ “Sick Enough To Die”, mà còn gợi liên tưởng đến “On Rainy Days” (BEAST), “Happen” (Heize)… Trước ồn ào dư luận, Phí Phương Anh, RIN9 cũng đã tung bằng chứng để chứng minh “Buồn không thể buông” không dây dưa “đứa con” của MC Mong. Lời RIN9: “Tôi đã nghe các ca khúc mà khán giả liệt kê, cho rằng giống ca khúc của tôi. Việc nhiều người nghĩ tôi đạo nhạc xuất phát từ việc các ca khúc đều sử dụng chung một vòng hòa thanh”.

Phản hồi của RIN9 nghe quen quen, là nhận xét của một số người, bởi đã từng có nhạc sỹ giải thích tương tự. Trong gameshow “Giai điệu chung đôi”, Sara và Jaykii đã hát “Đừng như thói quen” của Dương Khắc Linh. Nhạc phẩm này bị cho là đạo “Đã biết sẽ có ngày hôm qua” của Trịnh Thăng Bình, ra đời trước đó chừng 8 năm. Đáng nói, Dương Khắc Linh và Trịnh Thăng Bình đều ngồi ghế nóng của “Giai điệu chung đôi”. Khi nghe “Đừng như thói quen” Trịnh Thăng Bình cũng đã nói luôn, ca khúc gợi nhớ sáng tác của anh cách đó nhiều năm, chính anh đã hát lẩm nhẩm vài câu trong ca khúc của mình. Lập tức, nhạc sỹ Dương Khắc Linh giải đáp: “Thật ra vòng hòa âm của những ca khúc ballad đều khá giống nhau”. Anh chỉ ra sự khác nhau, khiến khán giả khó chấp nhận: Lời khác, cách hát khác, người hát khác đã thành một bài mới”. Sau đó, nhạc sỹ Dương Khắc Linh lại đưa thông tin, Jaykii là người viết giai điệu điệp khúc, tình cờ đoạn sửa của Jaykii hơi giống 2 câu đầu của Trịnh Thăng Bình. Chuyện trôi qua đã mấy năm, song nay khi RIN9 lên tiếng về nghi án đạo thì người ta lại vẫn nhớ đến ồn ào của tác giả “Cánh hồng phai”.

Có người còn nhắc tên một nhạc sỹ nổi tiếng với một ca khúc từng tạo bão qua giọng hát Lam Trường. Ca khúc này từng bị cho là phần nhạc giống bản hòa tấu Frontier của một nhạc sỹ Nhật Bản. Bản hòa tấu “sinh” trước “Tình thôi xót xa” hai năm. Khi ồn ào xảy đến, tác giả ca khúc Việt đã trả lời phỏng vấn, rằng: “Chắc chắn người Nhật không ăn cắp của tôi. Tôi cũng vậy. Vì tác phẩm tôi viết vào những năm 1980, thời kỳ mà điều kiện tiếp cận âm nhạc thế giới rất khó khăn, không đủ phương tiện để có thể “ăn cắp”…”. Nhưng sau cùng, Hội Nhạc sỹ Việt Nam vào cuộc và kết quả người yêu nhạc Việt đều đã rõ. Vì thế, khi “Buồn không thể buông” dính nghi án đạo và RIN9 cất lời giải thích, một bộ phận khán giả vẫn không tin. Họ nhắc lại ồn ào nhạc sỹ Việt đạo nhạc Nhật Bản và bình luận: “Lúc đầu khẳng định không copy, sau lại thừa nhận bị ảnh hưởng. Chán!”. Đạo, nhái không chỉ là câu chuyện của chuyên môn, của đạo đức của người làm nghề mà còn ảnh hưởng đến tâm trạng của người hưởng thụ giá trị tinh thần. Họ cảm thấy bị lừa dối.

“Không kẻ say nào nhận mình say”?

Về ca khúc mới của “người cũ” Sơn Tùng M-TP “Sau lưng anh có ai kia”. Nhiều khán giả bình luận kiểu mỉa mai: “Tưởng bài hát tự sáng tác được chứ lấy nguyên đoạn nhạc không sai một cao độ nào của Vương Tĩnh Văn ném vào viết lời Việt thì thảm hại”; “Chung nhạc sỹ thì phải”… Chưa nghe người trong cuộc lên tiếng, đã thấy fan rào rào bảo vệ: Học hỏi giai điệu (chứ đạo gì đâu!). Cần lưu ý, “cha đẻ” của “Sau lưng ai có ai kìa” từng dính không ít nghi vấn đạo nhạc trước đó. Hình như vị này từng nói: “Không kẻ say nào nhận mình say, không nhạc sỹ nào đạo nhạc là nhận mình đạo nhạc”.

Đạo thơ ca, đạo công trình khoa học, đạo nhạc… Trong muôn vàn sự trộm cắp thì đạo nhạc thu hút sự chú ý hơn cả và cũng dễ bị phát hiện hơn cả, bởi lĩnh vực này hấp dẫn đám đông. Ở ta hay trên thế giới cũng thế, không chỉ những cái tên lìu tìu hoặc vô danh dính nghi án đạo, những tên tuổi đã có tiếng vang, có chỗ đứng đàng hoàng cũng dính như thường. Những sáng tác của người trẻ dính nghi án đạo thường qua mau hơn, tương tự như tuổi thọ ca khúc sinh nở bởi họ. Chỉ khổ một vài tác giả đình đám lại là hội viên của Hội nọ, Hội kia. Họ không chỉ bị dư luận “soi” mà Hội nghề nghiệp cũng vào thẩm định. Lại nhớ “Tuổi 16” của nhạc sỹ Quốc Bảo, từng bị kết luận “sao chép nguyên xi bài “Renaissance fair” của Blackmore’s Night. Bao nhiêu ca khúc hay chỉ một ca khúc nhúng chàm, có khi cũng đủ để “cha đẻ” của nó “thân bại danh liệt”.

Những 'đứa con' hao hao ảnh 1

“Buồn không thể buông” liệu có tăng lượt xem vì nghi án “đạo”?

Những 'đứa con' hao hao ảnh 2

Bất chấp nghi án, “Sau lưng anh có ai kìa” lập nhiều thành tích, giúp sự nghiệp Thiều Bảo Trâm thăng hoa

Trong khi đó một nhân vật dính nghi án đạo nhạc triền miên … mà vẫn nổi tưng bừng, là tác giả “Lạc trôi”. “Cơn mưa ngang qua”, “Nắng ấm xa dần”, “Em của ngày hôm qua”… bị nghi đạo nhạc Hàn; “Em đừng đi” nghi án đạo nhạc Nhật … Tất nhiên, nghi án đạo không chắc đã là đúng. Cũng có thể nhạc sỹ bị oan. Nhưng trường hợp được giải oan chưa nhiều. “Chắc ai đó sẽ về” của Sơn Tùng-MTP từng dính nghi án đạo “Because I Miss You” của Jung Yong Hwa. Nhưng chính công ty quản lý Jung Yong Hwa đã xác nhận Sơn Tùng M-TP không đạo. Thế nhưng, vì danh sách nghi án quá dài, nên tác giả “Lạc trôi” vẫn bị gắn mác “đạo sĩ”. Mang tiếng thế thôi còn chưa thấy ai bị bồi thường một khoản tiền lớn cho tội này, ngay cả trường hợp Hội nghề nghiệp đã vào cuộc và ra kết luận rõ ràng. Cùng lắm cũng chỉ là nghiêm khắc cảnh cáo và thông báo đến toàn thể anh em hội viên.

MỚI - NÓNG