Những đứa con Biệt động Sài Gòn

Những đứa con Biệt động Sài Gòn
TP - Phim Biệt động Sài Gòn của đạo diễn Vũ Long Vân, chiếu trên hai đài địa phương trước khi lên sóng VTV1 từ 5-9, đậm chất hành động và hình sự. Nhà biên kịch Nguyễn Xuân Hải cởi mở cơ duyên ra đời kịch bản.

"Biệt động Sài Gòn": Thêm một đề nghị "trả lại tên cho em"
> Phim 'Biệt động Sài Gòn' ra tòa

Một cuộc gặp

NSƯT Nguyễn Anh Thái và đạo diễn Long Vân sau một buổi gặp tình cờ, kéo đến nhà tôi nói muốn làm phim về công an. Phải là phim hình sự. Ông viết kịch bản đi, chúng tớ rất tâm đắc vụ Năm Cam. Một tuần sau, hai ông cùng Trịnh Quốc Tuấn đưa tôi hồ sơ kết luận điều tra vụ án, gần nghìn trang.

Ý tưởng ban đầu dừng lại xung quanh vụ án Năm Cam. Tôi nói, vụ này nhiều người viết rồi. Nguyễn Như Phong viết Cổ cồn trắng cũng hơi hướng Năm Cam, tôi không muốn đi vào lối mòn. Long Vân nói, vậy viết về sức mạnh đồng tiền: Tội phạm tuyên bố những gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng thật nhiều tiền. Kết cục chính đồng tiền của chúng dùng mua thòng lọng tự thít cổ.

Những trang đầu tiên tôi viết Đồng tiền ma quái, về cuộc chiến đấu của lực lượng công an nhưng đi vào góc ít hình sự như: Thức tỉnh, Sa-mi em ở đâu, Những kẻ giấu mặt. Rồi lại nghĩ, Long Vân thành công với Hẹn gặp lại Sài Gòn, Biệt động Sài Gòn, Giải phóng Sài Gòn, nên tôi quyết định viết Những đứa con biệt động Sài Gòn. Phim sẽ là cuộc đấu trí của thế hệ con Tư Chung- Ngọc Mai, cháu gái ni cô Huyền Trang…những đứa con biệt động, trong thời bình gánh vác trách nhiệm bảo vệ an ninh trật tự của thành phố mang tên Bác.

Xong kịch bản đề cương 36 tập, đạo diễn yêu cầu tôi viết chi tiết tập 1, 20 và tập cuối. Đọc xong, ông nói: Vì kịch bản này, chúng tôi quyết định thành lập hãng phim Long Vân để sản xuất phim. Với kịch bản Mùa trăng khuyết, tôi được trả 6 triệu rưỡi/tập. Nhưng tôi chấp nhận 4 triệu rưỡi/tập, vì thấy đạo diễn thất thập rồi mà quá tâm huyết. Sau này khi phim thành công, anh Long Vân có thưởng thêm cho tôi. Gần 5 tháng sau tôi hoàn thành 36 tập kịch bản Những đứa con biệt động Sài Gòn, hoàn toàn viết tay.

Tính anh Long Vân rất nghệ sĩ, nghiệm thu kịch bản rồi nhưng ngẫu hứng nghĩ gì hay hay lại gọi điện nói tôi viết thêm. Như để có cớ cho phần 2, phải thêm chi tiết cảnh sát ngụy ở Mỹ về đưa tang Tư Chung. Hoặc do mượn được hội trường lớn với gần nghìn sĩ quan học viên ở Học viện Cảnh sát Nhân dân, tôi viết chêm đại cảnh Đắc Vi về trường cũ báo cáo điển hình. Hiện tôi còn lưu khoảng trăm trang kịch bản bổ sung.

Phim video chất lượng phim nhựa?

Kịch bản của tôi vào tay Long Vân là duyên may. Nhận kịch bản, anh hào hứng khăn gói quả mướp vào Sài Gòn làm phim. Bỏ hàng tháng casting.

Gian nan nhất là việc lúc đầu hãng Người bảo vệ hào hứng muốn đầu tư làm Những đứa con biệt động Sài Gòn. Sau lại ngại đụng chạm, nên thôi. Phim có những nhân vật cộm cán trong vụ Năm Cam như Bảy Xoài (Năm Cam), Phượng Đê (Dung Hà), Mộc già (ông Lân). Thực ra, đây là những tập đoàn tội phạm, như Bảy Xoài có những nét đặc trưng nhất của tội phạm một thời.

Nhà biên kịch Nguyễn Xuân Hải
Nhà biên kịch Nguyễn Xuân Hải.

Mãi tháng 7 năm ngoái mới quay được, nhờ Đài Truyền hình Vĩnh Long đầu tư mức kinh phí vừa phải. Phim chính vì thế phát sóng đầu tiên ở Vĩnh Long, nhưng bản quyền thuộc về Long Vân. Hai tuần sau khi lên sóng, đài Bình Dương lập tức mua để phát sóng. Khán giả rất thích, bởi các nhà làm phim dụng công đưa vào võ sinh giỏi, võ sư tên tuổi. Cảnh đấu võ giữa công an và vệ sĩ của Bảy Xoài đậm chất hiện thực bởi vai này do võ sư đảm nhận.

Ngay từ khi viết kịch bản, tôi dụng công cứ 5 phút phải có đột biến, để tiết tấu nhanh, thu hút. Khi phim chiếu hết tập 39, thị trường xuất hiện 2 đĩa nén của toàn bộ phim. Người quen làm hải quan gọi cho tôi bảo, anh đã bắt dăm bảy trường hợp Việt kiều mang ra nước ngoài. Tôi đùa, thỉnh thoảng để lọt ra nước ngoài cho bà con xem.

Bộ Công an vào cuộc

Những đứa con của biệt động Sài Gòn là tác phẩm công phu của những người làm phim, nhưng không thể không nhắc đến sự giúp đỡ của Bộ Công an. Chúng tôi mời được Tiểu đoàn đặc nhiệm số 2- từng thực hiện vây bắt Năm Cam- vào phim. Chiến sĩ công an trải qua thực tế bước vào khung hình rất xi nê, nhờ con mắt điện ảnh của đạo diễn. Diễn viên gạo cội vào các vai này chưa chắc đóng được như thế. Như lời đạo diễn Vương Đức, đây là phim hành động hiếm thấy của Việt Nam.

Bảy Xoài và Phượng Đê phỏng mẫu Năm Cam và Dung Hà
Bảy Xoài và Phượng Đê phỏng mẫu Năm Cam và Dung Hà.

Đội khám nghiệm tử thi Dung Hà tham gia phim với vai trò đội khám nghiệm tử thi Phượng Đê. Từng chi tiết nhặt mẩu giấy, vỏ viên đạn, đeo găng ra sao trong kỹ thuật hình sự được tái hiện sinh động qua từng góc quay. Đội chó nghiệp vụ lao đi truy lùng tội phạm bài bản. Xe đặc chủng từng chở hàng trăm tội phạm vụ Năm Cam xuất hiện ở cảnh đưa toàn bộ tội phạm về trại giam T17. Đoàn phim còn mượn nguyên căn phòng của ông Nguyễn Việt Thành- Tổng cục phó Tổng cục cảnh sát nhân dân.

Đạo diễn đã loan tin làm phần 2, phần 3. Ý tưởng phần tiếp theo sáng rõ rồi, sẽ là cuộc đấu trí với tội phạm kinh tế. Lo gì lặp lại hình tượng Cảnh sát hình sự trước đó, bởi mỗi người có cách khai thác riêng. Quan trọng là cách nhìn mới mẻ, hấp dẫn.

Những đứa con biệt động Sài Gòn- Long Vân chỉ đạo nghệ thuật, hai đạo diễn Minh Quang, Khương Đức Thuận thực hiện. Dàn diễn viên: Hai Nhất-Ba Cẩn trong Biệt động Sài Gòn đóng Bảy Xoài, Kim Phượng (Phượng Đê), Minh Hoàng, Lan Phương…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG