Những điều tưởng biết mà chưa biết

Những điều tưởng biết mà chưa biết
TP - Cuốn "Hà Nội - phong tục, văn chương" vừa ra mắt tháng 3/2010 mang đến sự thú vị, hấp dẫn bởi tác giả đi vào những chuyện song hành cùng cuộc sống mỗi con người, có những điều hàng ngày ta vẫn làm mà nhiều khi không hiểu tận cùng ngọn nguồn của nó.
Những điều tưởng biết mà chưa biết ảnh 1

Xê-ri sách về Thăng Long - Hà Nội của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc do NXB Trẻ ấn hành lâu nay tạo ấn tượng bởi người đọc được giải đáp những điều chưa biết với những dẫn giải chi tiết, thuyết phục.

Với cuốn "Hà Nội - phong tục, văn chương" hơn 400 trang in, tác giả chia thành hai phần như tên gọi của cuốn sách: phong tục và văn chương của Hà Nội. Đọc phần Hà Nội phong tục, thấy ngay sự công phu của tác giả.

Khi được hỏi: Vậy Hà Nội phải chăng có những phong tục riêng? Nguyễn Vinh Phúc khẳng định rằng: Không có phong tục riêng của Hà Nội, phong tục Hà Nội là phong tục Việt Nam, có khác chăng là tính chất đô thị đã làm cho phong tục Hà Nội có sắc thái riêng so với những vùng miền khác.

Cũng theo ông, phong tục không bất biến mà biến đổi theo thời gian, theo sự biến đổi của xã hội, nhân sinh. Hà Nội tiếp thu phong tục của nhiều nơi, nhưng dường như nó đã quá tải trong việc tiếp nhận các yếu tố văn hoá từ các vùng văn hoá khác.

Vì thế trong phần khái luận về phong tục Hà Nội, ông đã có những nhận xét thấu đáo, nhận diện chân xác phong tục Hà Nội, cả những mặt tốt đẹp cũng như những điều cản trở làm cho hệ thống phong tục Thăng Long - Hà Nội không những bị pha loãng mà còn có nguy cơ bị kéo lùi, làm băng hoại cả một nếp sống thanh lịch.

Điều thú vị là đọc Hà Nội phong tục mới thấy những gì mình biết lâu nay về những phong tục tưởng như quen thuộc trong sinh hoạt hàng ngày lại chưa thấu đáo. Chẳng hạn tết Đoan ngọ (5/5 ÂL) ta thường ăn rượu nếp để giết sâu bọ.

Nhưng ngày xưa tết Đoan ngọ là dịp chăm lo sức khoẻ nên có tục bùa tua bùa túi (các mụn vải khâu thành hình quả, túi hình vuông móc vào sợi chỉ hồng có tua ngũ sắc) cho trẻ đeo để hỗ trợ về tâm lý khi điều kiện phòng và chữa bệnh chưa tốt.

Hay trong tục thờ đá, lần đầu tiên tác giả lý giải sự có mặt của tấm bia đá Thái Sơn thạch trước cửa phần lớn các ngôi nhà mới xây theo kiểu kiến trúc châu Âu (trước kia tấm bia đá này chỉ có ở đền Ngọc Sơn). Ngay như thú chơi cây quất trong ngày tết, qua khảo cứu của tác giả cũng cho thấy cây quất phương Nam (trong đó có Việt Nam) đã đi vào văn học từ thời Khuất Nguyên…

Từ dấu tích đình "Nhà trò" giữa phố cổ Hà Nội mà không phải ai cũng biết, tác giả đã tìm ra phong tục thờ cúng tổ nghề của hát ca trù. Đây là một phát hiện mới góp phần vào việc minh chứng cho nét đẹp văn hoá trong đời sống tinh thần của cha ông. Hà Nội phong tục còn cho người đọc được thấy người châu Âu nhìn về Kẻ Chợ và phong tục Hà Nội đầu thế kỷ 17 ra sao.

Vốn là giáo viên dạy văn nên bằng sự nghiên cứu nghiêm túc, cộng với mỹ cảm tinh tế, phần Hà Nội văn chương tác giả đã thâu tóm được cái tinh tuý trong văn thơ của người Thăng Long - Hà Nội.

Theo tác giả, Hồ Tây có cả một vùng văn học của riêng mình, vạt hồ này đã trở thành nguồn cảm hứng của bao thế hệ tài tử, danh  nhân. Vì thế ông có nhiều bài viết về Hồ Tây trong văn học cổ và kim, xưa và nay, dân gian và bác học. Điều đặc biệt là ông đã tìm được những bài thơ thú vị và có những lời bình rất cuốn hút.

Có thể nói, lần đầu tiên ở Hà Nội - phong tục, văn chương, học giả Nguyễn Vinh Phúc đã giới thiệu toàn bộ tập La thành cổ tích vịnh của ông nghè Trần Bá Lãm. Đây là tư liệu quí hiếm không chỉ giúp người đọc nghiên cứu về tác phẩm mà còn cả về tác giả.

Bài luận về thơ quốc ngữ Hà Nội đầu thế kỷ 20 (có sự cộng tác của nhà giáo Đỗ Kim Hồi) điểm lại sự hình thành thơ quốc ngữ ở Hà Nội với hai cây đại thụ là Tản Đà và Á Nam cùng bậc tài nữ là Tương Phố đã khép lại tập sách.

Khi viết về Thăng Long - Hà  Nội, tác giả Nguyễn Vinh Phúc luôn có những nhận định mới, những tư liệu mới và đưa ra những nhận xét rất riêng. Đặc biệt trong phần văn chương Hà Nội, tác giả có những cảm thụ tinh tế, qua đấy có những kiến giải mới, từ đó nêu được cái đẹp, cái hoàn mỹ của văn chương Hà Nội cổ.

Học giả An Chi nhận định Hà Nội - phong tục, văn chương là "dòng suối tư liệu, kiến thức và cả tình cảm mà Nguyễn Vinh Phúc đã chuyển tải cho chúng ta từ thượng nguồn lịch sử với rất nhiều tâm huyết, công phu và thời gian".

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.