Tuổi thơ bị ám ảnh bởi câu nói “cho con ra rìa”
Sự việc đau lòng, một bé gái 8 tuổi ở Trung Quốc ném em trai 2 tháng tuổi từ tầng 8 xuống đất vì cho rằng mẹ có em rồi không còn thương mình nữa, khiến dư luận bàng hoàng. Câu chuyện là bài học cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh về cách ứng xử với con đầu lòng khi sinh con thứ hai.
Bà Hương Thu, Chuyên gia tư vấn - thực nghiệm Viện nghiên cứu giáo dục trẻ thông minh sớm VSK cho rằng, một em bé 8 tuổi hoàn toàn có ý thức tự chủ và hành động của bé là có nguyên ngân. Trong trường hợp này, có thể chắc chắn là trong thời gian mang thai, người mẹ cũng đã lấy đi quá nhiều thời gian dành cho con cả. Bên cạnh đó, cha mẹ và người thân trong gia đình chưa chuẩn bị kỹ càng và vun đắp tình cảm chị em cho em bé lớn.
Việc trẻ sốc khi biết rằng phải chia sẻ tình cảm, sự quan tâm của cha mẹ cho một “đứa em” vẫn thường xảy ra. Nếu không phát hiện các chuyển biến tâm lý khác thường của trẻ khi chúng có em và có những điều chỉnh kịp thời, trẻ có thể bị trầm cảm (Ảnh minh họa)
“Gia đình không thực hiện được công tác tư tưởng khiến em bé lớn có cảm giác mất mát. Bé đang là trung tâm của sự chú ý và chăm sóc của gia đình thì nay vị trí đó dành cho 1 thành viên khác. Đỉnh điểm là lời tác động từ người ngoài, dẫn đến hành động mang tính giải quyết nguyên nhân sự mất mát của bé. Bé hoàn toàn không ý thức được đó là em của bé, bé cần thương yêu, bảo vệ. Mà trong tâm trí bé, thành viên mới đó đơn thuần là nguyên nhân lấy đi sự yêu thương của mọi người dành cho bé”, bà Hương Thu phân tích.
Theo vị chuyên gia giáo dục trẻ em này, trước khi có kế hoạch sinh con thứ 2, cha mẹ nên chuẩn bị tâm lý cho con đầu lòng, để trẻ không bị sốc khi gia đình có thêm thành viên mới. Bà Hương Thu chia sẻ 5 điều cha mẹ nên làm với con cả:
“1. Cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi bắt đầu có kế hoạch mang thai với những câu hỏi, trò chơi, sự giao tiếp với các gia đình đã có 2 con. Ví dụ: cho trẻ đi thăm gia đình bạn bè có em bé mới ra đời, chỉ cho trẻ thấy là nhà bạn nọ, bạn kia có em, bạn đó được làm anh, chị, đã thành người lớn rồi. Kể những câu chuyện về gấu con, mèo con, khỉ con có thêm em bé, giúp mẹ chăm sóc em bé. Kể cho con biết ngày xưa con ở trong bụng mẹ như thế nào, khi ra đời thì yếu ớt và cần được bảo vệ như thế nào.
2. Trong quá trình mang thai, người mẹ nhất thiết nên để con lớn giao tiếp với thai nhi thông qua các phương pháp thai giáo. Hoạt động này giúp gắn kết tình cảm gia đình vô cùng hiệu quả. Ví dụ: cho bé nói chuyện với thai nhi, cho bé chọn đồ cho em mình, cho bé đặt tên cho em, thậm chí nên cùng bé viết nhật ký thai kỳ.
3. Sau khi bé thứ ra đời, hãy để anh, chị của bé được yêu thương chăm sóc em. Giao cho bé những trách nhiệm lớn lao như chọn đồ hôm nay cho em, cầm điện thoại, máy ảnh chụp hình em, trông em ngủ. Đưa võng cho em hay lớn hơn thì đút bột cháo cho em.
4. Cần cho bé học thêm các chủ để về gia đình, tình cảm gia đình và sự chia sẻ trên lớp.
5. Cân bằng thời gian dành cho bé và em của bé, đồng thời luôn khẳng định là mẹ yêu con và em nhất. Lúc nào cũng ở bên con. Cũng phải luôn khẳng định là em rất yêu con đấy, vì em thấy con là em cười này”.
Đối với những lời tác động, trêu đùa của người ngoài như “mẹ có em rồi, con đã bị ra rìa”, “mẹ chỉ yêu em bé thôi, không yêu con nữa”…bà Hương Thu cho rằng, khi trẻ bị mất mát tình cảm gia đình cũng đồng nghĩa với việc trẻ không tin vào những người trong gia đình nữa. Việc tác động từ người ngoài như một lời khẳng định lại những hoài nghi của trẻ. Trẻ thấy tủi thân và suy nghĩ logic đơn giản nhất theo cách của bé. Mẹ chỉ toàn ở bên em, rõ ràng mình bị "ra rìa" giống như lời người ta nói kia.
“Tủi thân, cô độc và sự ghen ghét sẽ dẫn đến những hành động không ngờ ở trẻ. Khi bắt gặp ai nói với trẻ như vậy, cha mẹ nên khẳng định với trẻ đó chỉ là lời nói đùa thôi, quan tâm và chúng tỏ với trẻ rằng trẻ không bị bỏ rơi”, bà Hương Thu nói.
Những biểu hiện cho thấy trẻ sốc khi có em
- Trở nên ít nói, trầm lặng.
- Buồn bã, dễ khóc, dễ tủi thân.
- Nghịch ngợm, hiếu động hơn hẳn, hay làm những trò quấy quả, đùa nghịch mong gây sự chú ý nơi bạn.
- Nóng nảy, dễ cáu gắt, sẵn sàng đánh người khác hoặc đập phá đồ chơi.
- Cãi lại bố mẹ (nhất là mẹ) từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ.
- Phản ứng rất giận dữ khi có ai đấy nhắc đến em bé.
- Kể xấu về em với người khác khi được người khác hỏi thăm. Ví dụ như trẻ bảo em bé xấu hoắc, em bé hư, hay khóc, hôi rình…
- Giành đồ chơi, giành đồ ăn của em.
- Cố tình đập phá, làm hỏng những đồ vật bạn dành riêng cho bé sơ sinh.
- Mức độ cao nhất là trẻ bảo con ghét mẹ, con ghét em, hoặc cố tình đánh, làm đau em bé.
Theo Th.S Nguyễn Thị Châu Hà