F0 điều trị tại nhà cần cập nhật thông tin mới về phòng chống dịch. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng |
Cảnh giác tình trạng “thiếu ô xy thầm lặng”
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, thành viên Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ người bệnh COVID-19 ở Hà Nội, cho biết, một số F0 hết triệu chứng (hết sốt, người khỏe lên...) thậm chí âm tính sau 4-6 ngày nhưng đến ngày 8-10 thì đột ngột chuyển nặng, không khó thở nhưng chỉ số ô xy trong máu (SpO2) giảm chỉ còn 60-70% và có người đã không qua khỏi, đa số đều phải nhập viện cấp cứu. Bác sĩ Hoàng thông tin, “thiếu ô xy thầm lặng” được chẩn đoán khi người bệnh không cảm thấy khó thở nhưng SpO2 lại giảm dưới 94%. Theo thống kê, gần 20% bệnh nhân nhập viện cảm thấy không hề khó thở trong khi biểu hiện CT scan bất thường (86%) và cần phải bổ sung ô xy (40%). Đây là một tỉ lệ khá cao, do đó mọi người cần hết sức lưu ý”.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết thiếu ô xy ở bệnh nhân COVID-19 phản ánh tổn thương phổi mà cơ thể vượt qua ngưỡng có thể bù trừ được. Trên 70% bệnh nhân COVID-19 có tổn thương phổi ở mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nếu tổn thương rất là nhỏ, cơ thể bù trừ được, không gây ảnh hưởng gì. Tổn thương lớn hơn khiến cơ thể không bù trừ được, biểu hiện là tụt ô xy trong máu. Lúc này cần có sự hỗ trợ của các biện pháp hồi sức. SpO2 ở người bình thường là 94-100%. Ở bệnh nhân COVID-19 bị viêm phổi, mức ô xy chỉ còn 60-70%, thậm chí 50%, đe dọa suy hô hấp, dẫn đến tử vong.
“Nằm sấp giúp phân bố máu cho những vùng phía sau, rất quan trọng trong điều trị COVID-19 ở giai đoạn sớm và có thể điều trị lâu dài giúp cải thiện ô xy máu. Ngoài ra, những vùng phổi phía sau lưng vốn ít được thông khí hơn, khi nằm sấp những vùng phế nang sẽ được phân bố ô xy hít vào, giảm hiện tượng chỗ nhiều ô xy mà lại ít máu đến, chỗ ít ô xy mà máu lại đến nhiều (cân bằng thông khí- tưới máu)”.
TS Hoàng Thanh Tuấn - Phó Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mĩ và tái tạo - Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác
Các bác sĩ khuyên thường xuyên đo SpO2 là một trong những yêu cầu cần thiết với người bệnh F0. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, F0 có bệnh nền (tim mạch, gout, tăng huyết áp...), chưa tiêm vắc xin hoặc chưa đủ mũi càng phải chú ý hơn đến tình huống này. Cần chú ý đến thời gian ngày thứ 7-10 kể từ khi phát hiện bệnh, đây cũng là thời điểm tình trạng “thiếu ô xy thầm lặng” có thể xuất hiện. SpO2 dưới 95% là chỉ dấu nguy hiểm, dưới 90% thì cận kề nguy hiểm. Từ thời điểm này, người bệnh cần được hỗ trợ thở ô xy sớm và chuyển nhanh nhất đến cơ sở điều trị. “Các F0 tuyệt đối không chủ quan chỉ căn cứ vào triệu chứng khó thở mà bỏ qua chỉ số SpO2 trên máy, khi thấy tụt SpO2 dưới 94% mà chưa khó thở thì hãy hết sức đề phòng. Cần nằm tư thế, tập thở thật tốt để cải thiện SpO2 ngay”, bác sĩ Tuấn khuyến cáo.
Nên chuẩn bị trước thuốc và thiết bị y tế
TS Hoàng Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mĩ và tái tạo (Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, Học viện Quân y), cho biết, người dân có thể chuẩn bị một số loại thuốc như hạ sốt (Efferalgan, Panadol…), nhóm thuốc chữa ho, thuốc điều trị tiêu chảy, nước súc miệng, cồn sát trùng, thuốc chữa bệnh nền nếu F0 có bệnh nền (nên chuẩn bị đủ cho 4 tuần), các loại thuốc xịt mũi, vitamin C, kẽm, thảo dược trị cảm, trị ho, nước uống thông thường, nước bù điện giải. Theo các bác sĩ, đây là những thuốc cần có trong tủ thuốc gia đình, đặc biệt trong mùa dịch vì triệu chứng có thể xuất hiện bất kể lúc nào. Đáng chú ý, các triệu chứng của COVID-19 thường xuất hiện vào ban đêm nên những thuốc này cần có để có thể dùng ngay.
Bác sĩ Tuấn giải thích: “Các loại nước nói trên rất quan trọng khi bạn bị sốt và đặc biệt khi nhiễm COVID-19. Uống đủ lượng nước cần thiết có thể giúp duy trì sự ổn định của niêm mạc mũi, giảm kích ứng khó chịu khi ho, hắt hơi hay thậm chí là thở. Độ ẩm này giữ cho bề mặt niêm mạc dễ lành hơn và giúp chống lại sự xâm nhập thêm của vi khuẩn bên ngoài”.
Ngoài ra, người dân cần dự phòng các thiết bị cần thiết cho việc tự cách li, tự theo dõi sức khỏe cho bản thân và gia đình như: nhiệt kế, máy đo SpO2, que test nhanh, khẩu trang, găng tay y tế, máy theo dõi bệnh nền. Chuyên gia cũng đặc biệt lưu ý người dân không nên dự phòng, không nên tự điều trị với các nhóm thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng virus. “Mọi điều trị, chỉ định của bác sĩ cần cá thể hoá và phù hợp với từng bệnh nhân nên mọi người hết sức lưu ý không tự tiện mua và dùng thuốc, sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm”, bác sĩ Tuấn khuyến cáo.
Bên cạnh đó, khi trở thành F1, F0, mỗi người cần chuẩn bị thêm: Lương thực đủ cho thời gian cách li (nếu ở một mình); dung dịch vệ sinh nhà cửa và khử khuẩn; giấy vệ sinh, khăn giấy, quần áo thoải mái; chỗ ở cách li đảm bảo quy định; số điện thoại của các cơ sở y tế trong khu vực, phòng cấp cứu và các tài liệu, hướng dẫn cập nhật nhất về phòng chống dịch.