Những diễn biến phức tạp ở Myanmar

0:00 / 0:00
0:00
Ðám tang một người biểu tình bị bắn chết ở Mandalay hôm 27/3. Ảnh: Reuters
Ðám tang một người biểu tình bị bắn chết ở Mandalay hôm 27/3. Ảnh: Reuters
TP - Một số hãng thông tấn nói đã có hơn 100 người thiệt mạng ở Myanmar trong hai ngày biểu tình vừa qua. Bộ trưởng Quốc phòng một số quốc gia bao gồm Mỹ, Anh, Nhật Bản và Úc hôm 28/3 đã lên án việc quân đội Myanmar sử dụng vũ lực sát thương đối với dân thường.

Reuters dẫn lời “các nhân chứng” nói lực lượng an ninh Myanmar đã nổ súng tại đám tang của một trong số 114 người thiệt mạng hôm 27/3, ngày biểu tình được nói là đẫm máu nhất kể từ cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2. Tuy nhiên, chưa có nguồn chính thức nào xác nhận con số 114 người thiệt mạng nói trên. Và cũng chưa có báo cáo ngay lập tức về thương vong trong vụ xả súng vào đám tang ở thị trấn Bago, gần thành phố Yangon, theo Reuters.

Hai người đã thiệt mạng trong vụ xả súng vào các cuộc biểu tình hôm 28/3 trong các vụ việc riêng biệt ở những nơi khác, các nhân chứng và truyền thông địa phương nói. Một người thiệt mạng trong đêm khi quân đội nổ súng vào một nhóm người biểu tình gần thủ đô Naypyitaw, Myanmar Now đưa tin.

Cho đến nay, chưa có báo cáo nào về các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Yangon hoặc ở Mandalay, nơi được nói là có nhiều thương vong hôm 27/3, là Ngày Lực lượng Vũ trang Myanmar. Đám tang được tổ chức ở nhiều nơi.

Ít nhất sáu trẻ em 10 - 16 tuổi nằm trong số những người thiệt mạng, theo các bản tin và các nhân chứng.

Những lời chỉ trích từ nước ngoài và các biện pháp trừng phạt do một số quốc gia phương Tây áp đặt cho đến nay đã không thể lay chuyển được các nhà lãnh đạo quân sự. Các cuộc biểu tình diễn ra hàng ngày trên khắp đất nước kể từ khi quân đội nắm quyền và bắt giữ nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi.

Một nhóm xã hội dân sự nói hôm 28/3, máy bay quân sự đã giết chết ít nhất ba người trong cuộc không kích vào một ngôi làng do nhóm vũ trang người thiểu số Karen kiểm soát. Trước đó, lực lượng có tên Liên minh Quốc gia Karen (KNU) nói họ đã tập kích một đơn vị quân đội gần biên giới Thái Lan, giết chết 10 người. Các cuộc không kích đã khiến dân làng chạy trốn vào rừng. KNU đã tiến hành một cuộc chiến chống lại chính quyền trung ương kể từ năm 1949 với mục tiêu độc lập cho người Karen. Kể từ năm 1976, nhóm kêu gọi thiết lập một hệ thống liên bang thay vì một nhà nước Karen độc lập.

Hôm qua, giao tranh đã nổ ra giữa một nhóm vũ trang khác, Quân đội Độc lập Kachin, với quân đội chính phủ, tại khu vực khai thác ngọc bích Hpakant ở phía bắc. Lực lượng Kachin đã tấn công một đồn cảnh sát và quân đội đáp trả bằng một cuộc không kích, Kachinwaves đưa tin. Chưa có báo cáo về thương vong.

Bộ trưởng Quốc phòng một số quốc gia bao gồm Mỹ, Anh, Nhật Bản và Úc hôm qua đã lên án việc quân đội Myanmar sử dụng vũ lực sát thương đối với dân thường, theo Bangkok Post.

“Một quân đội chuyên nghiệp tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế về ứng xử và có trách nhiệm không làm hại những người mà quân đội phục vụ”, tuyên bố chung viết.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Myanmar nói quân đội đang thực hiện “vụ giết người hàng loạt”, kêu gọi thế giới cô lập quân đội Myanmar và ngừng các giao dịch vũ khí.

MỚI - NÓNG