> Những “điểm trừ” của du học sinh Việt…
Ảnh minh họa . |
Ngại hòa nhập, khó hòa nhập đương nhiên là không tốt, nhưng hòa nhập đến độ… hòa tan thì cũng là điều chẳng ai khuyến khích. Dù ít, nhưng cũng không phải là quá khó để tìm những ra những gương mặt du học sinh là người Việt nhưng đã sớm “tan” ở xứ người.
Đã quá quen với nhịp sống hiện đại ở một quận trung tâm của đô thị năng động nhất cả nước – Thành phố Hồ Chí Minh – nên trước ngày chia tay sang Úc học, Tuấn Anh đã tuyên bố với hội bạn thân ở nhà: “Khó gì, chỉ vài tuần là tớ hòa nhập ngay!”. Và hơn cả lời hứa, anh chàng còn khiến cho những người bạn mới của mình taị Melbourne phải đi từ quý mến đến “phục” về độ “hòa nhập” của mình.
Dù mới sang, nhưng Tuấn Anh rất chịu chơi. Ổn định chỗ ở, một tuần liền đó, cậu đề nghị đám bạn mới dẫn đi hết những quán bar, sàn nhảy… trong khu vực. Trong khi người khác lo làm thủ tục nhập học, chuẩn bị học kì mới thì Tuấn Anh lại có mặt ở những khu vui chơi, giải trí để “thăm thú”. “Phải tìm hiểu thực tế về nơi mình đang sống thì mới nhanh hòa nhập được chứ!!!” – Tuấn Anh lý giải.
Quả thật, với vốn tiếng Anh kha khá, Tuấn Anh không khó để làm quen với những người bạn Úc hay sinh viên quốc tế trong trường. Mấy cô bạn Úc thấy một anh chàng Việt khá bảnh bao, lại “vui tính” như vậy thì cũng rất hứng thú, vậy là mời nhập hội luôn. Dần dần, thời gian để đi chơi, đi dã ngoại hay đi bar với những người bạn mới này còn nhiều hơn thời gian cậu gặp bạn cùng phòng.
Quá trình “tìm hiểu” này của chàng công tử Sài Thành kéo dài đến hết học kì đầu tiên thì mới có dấu hiệu dừng lại. Mải mê với việc thăm thú, tìm hiểu những địa chỉ vui, thú vị mà giới trẻ bản địa hay tìm đến, Tuấn Anh bẵng đi nhiệm vụ chính của mình khi sang đây là học tập. Chỉ khi kì thi đến gần, cậu mới hoảng lên, học ngày học đêm để chỉ mong đủ điểm qua mà thôi. Lúc này cậu mới nhận ra, cậu có thể dễ dàng “hòa nhập” với bạn bè ở đây, nhưng kiến thức thì lại chẳng dễ “nhập” vào đầu cậu như thế!
Cũng rất “chịu chơi” nhưng khác với Tuấn Anh, việc thích nghi với Hải Nam (du học sinh Mỹ) lại xem ra rất “ổn” vì kết quả học tập của cậu vẫn đảm bảo. Ngày đầu về nước nghỉ hè, gia đình cậu đã hết sức vui mừng khi trong nghe cậu con trai cưng kể về cuộc sống, bạn bè và việc học ở bên đó đang tiến triển tốt đẹp như thế nào.
Thế nhưng, bữa cơm thịnh soạn chào mừng Nam bỗng trở nên chùng xuống hẳn vì cậu nhất mực đòi mấy bát nước chấm, gia vị riêng cho mình, không chịu dung chung với cả nhà với lý do: “Ở bên kia như thế”. Đến khi cậu suýt làm vỡ bát cơm chỉ vì ông bà nội thương cháu, cứ liền tay gắp thức ăn vào bát cậu, mà Nam lại hét lên: “Thế là mất vệ sinh đấy ạ” thì cả nhà cũng chỉ biết lặng lẽ lắc đầu mà thôi. Bữa cơm qua đi, Nam lại chui tót lên phòng với laptop, facebook, skype… để lại cho cả nhà một câu hỏi lớn: “Để Nam đi du học là tốt hay không đây?”.
Còn rất nhiều ví dụ về những bạn trẻ như Tuấn Anh, như Nam mà thời gian qua tốn khá nhiều giấy mực như: “du học sinh về nước, nhất mực đòi nghỉ nhà nghỉ chứ không ngủ ở nhà”, “du học sinh là phải biết đi bar, đi sàn…”.
Phải chăng, những hành động đó là dấu hiệu và đáng buồn cho hiện tượng những người Việt trẻ đã quá nhanh chóng chịu ảnh hưởng bởi môi trường nước ngoài mà quên đi truyền thống vốn có của quê hương, gia đình, như vẫn quen gọi “hòa nhập đến nỗi… hòa tan”?
Theo Bảo Anh
Dân trí