Diễn đàn Tương lai châu Á do Tập đoàn Nikkei tổ chức là diễn đàn thường niên từ năm 1995, chỉ trừ năm 2020 không tổ chức được vì đại dịch. Đây là diễn đàn rất uy tín, quy tụ các lãnh đạo, chính trị gia, chuyên gia và doanh nhân có ảnh hưởng ở khu vực. Năm nay, diễn đàn thu hút sự tham gia của 500 người, trong đó có lãnh đạo nhiều quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore...
Chủ đề năm nay là “Định hình kỷ nguyên hậu COVID: Vai trò của châu Á đối với sự phục hồi toàn cầu”. Bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính thu hút nhiều chú ý, và nhiều người chia sẻ quan điểm của Việt Nam.
Lý do quan trọng nhất là úy tín và vị thế của Việt Nam trong năm 2020 đã tăng lên đáng kể khi Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Asean và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBA LHQ). Trong hai vai trò đó, Việt Nam đã làm rất tốt, như tổ chức thành công các phiên họp tại HĐBA, đề xuất sáng kiến về Ngày quốc tế phòng chống bệnh dịch, những cuộc đối thoại của LHQ với ASEAN, phiên thảo luận về tuân thủ Hiến chương LHQ để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế...
Tất cả những điều đó thể hiện Việt Nam đã trở thành một đối tác chủ động, tích cực và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, thành công của Việt Nam trong chống dịch COVID-19 cũng là điểm sáng, giúp tiếng nói của Việt Nam được chú ý lắng nghe. Việt Nam tổ chức thành công Đại hội Đảng 13, với đội ngũ lãnh đạo mới thể hiện sự chuyển giao ổn định của đất nước. Đó là bối cảnh quan trọng để bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính được chú ý.
Trong bài phát biểu này, Thủ tướng đưa ra 5 phương châm và 6 nội dung hợp tác. Phương châm “lấy con người làm trung tâm, lấy giá trị văn hóa cốt lõi tốt đẹp làm nền tảng” rất quan trọng. Đại dịch COVID-19 cho thấy nếu không chú ý đến sức khỏe của con người thì thể chế chính trị của các quốc gia sẽ bị lung lay, thậm chí có thể sụp đổ.
Diễn đàn lần này còn bàn về các vấn đề kết nối khu vực thông qua giao lưu văn hóa, mặt trận mới cho đổi mới trong kỷ nguyên COVID-19, tăng trưởng bền vững và sự chuyển đổi ở châu Á, châu Á và chính quyền mới ở Mỹ. Những chủ đề đó đều khẳng định vị thế và vai trò của châu Á. Việt Nam với tư cách một quốc gia châu Á cũng nhấn mạnh những đặc trưng riêng của châu lục này. Các nội dung bài phát biểu của Thủ tướng gắn với những giá trị của châu Á, bản sắc của châu Á mà Việt Nam và các nước có thể chia sẻ với nhau, để từ đó có tiếng nói chung.
Trong 6 nội dung hợp tác mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra, nội dung “Bảo đảm môi trường quốc tế hoà bình, ổn định, hợp tác, phát triển là điều kiện tiên quyết cho phục hồi và phát triển thịnh vượng sau đại dịch” gắn với Biển Đông là vấn đề rất quan trọng với Việt Nam, dù nội dung này được nhắc đến cuối cùng.
Đây là lợi ích của quốc gia nhưng cũng là lợi ích của khu vực. Thủ tướng nói rằng các nước phải giải quyết bất đồng, gạt bỏ tranh chấp và thúc đẩy hợp tác. Trong một bối cảnh rất đặc biệt này phải có những biện pháp đặc biệt, giải pháp đặc biệt và mô hình đặc biệt. Việt Nam kêu gọi các nước gác mâu thuẫn và bất đồng và giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng con đường hòa bình, thượng tôn pháp luật, tôn trọng Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, tuân thủ DOC, hướng tới có COC.
Đây là sự lồng ghép hợp lý. Châu Á phải đề cao tư tưởng hòa bình, ổn định. Không có hòa bình, hợp tác thì không thể hợp tác và thịnh vượng. Mối quan hệ giữa hòa bình với thịnh vượng và phát triển là thông điệp quan trọng nhất của nước ta trong thời điểm này, khi tình hình Biển Đông vẫn đang rất phức tạp.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của Nhật Bản trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 và 2008, cũng như trong các dự án phát triển hạ tầng chất lượng cao của khu vực hiện nay. Thủ tướng Suga Yoshihide sau khi lên nhậm chức đã đến thăm Việt Nam đầu tiên, thể hiện coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng với Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm phát triển của Việt Nam. Thế giới có thể chưa hiểu về Việt Nam nhiều, vì thế cần nói rõ Việt Nam có quan điểm như thế nào về phát triển. Những điều rất quan trọng với các nhà đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng cũng tái khẳng định Việt Nam theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, nghĩa là Việt Nam tự quyết những vấn đề của mình và không phụ thuộc vào các nước lớn.
Thủ tướng muốn tranh thủ diễn đàn này để khẳng định Việt Nam chủ trương phát triển như thế nào, để thế giới hiểu Việt Nam và yên tâm, sẵn sàng đầu tư và tăng cường quan hệ với Việt Nam.