1. Chinh phục marathon Everest, nhắm tới marathon Bắc Cực
Ngày 29/5/2017, lá quốc kỳ Việt Nam đã tung bay ở đích đến cuộc đua marathon khắc nghiệt nhất thế giới trên đỉnh Everest- ““Tenzing-Hillary Everest Marathon”, sau khi anh Phạm Duy Cường (35 tuổi, Hà Nội) cán đích và trở thành người Việt Nam đầu tiên chinh phục thử thách này. Anh đã hoàn thành quãng đường dài 42,195 km trong khoảng thời gian 7 giờ 47 phút 07 giây, xếp hạng 71/202 VĐV tham dự tại “cuộc thi marathon cao nhất trên thế giới” này.
Sau khi trở về từ Everest marathon ở Nepal, Phạm Duy Cường được mọi người biết đến nhiều hơn, anh thành lập CLB “Chạy Vì Mình - Run For Self” để các runner tham gia sinh hoạt, trao đổi những kiến thức trên đường chạy; tổ chức các giải chạy nho nhỏ để mọi người cùng chia sẻ niềm đam mê.
Say mê với “công việc” mới, anh Cường cảm thấy mình phải làm điều gì đó lớn lao hơn. Tháng 10/2017, anh thành lập Công ty tổ chức sự kiện thể thao phi lợi nhuận Big Prizes, chuyên tổ chức các sự kiện chạy bộ cho cộng đồng với mục tiêu “giải thưởng lớn nhất chính là sức khoẻ của bạn”. Dù mới ra đời, Big Prizes gần như tuần nào cũng tổ chức các sự kiện chạy cho những người yêu chạy bộ ở khu vực Hà Nội tham gia.
Nói về những thành quả đã đạt được trong năm 2017, anh Cường tỏ ra khá hài lòng khi có những đóng góp tích cực, góp phần thúc đẩy phong trào chạy bộ ở Việt Nam phát triển. Chỉ trong thời gian ngắn ngủi, CLB “Chạy Vì Mình - Run For Self” và công ty Big Prizes đã tổ chức 30 sự kiện thể thao cộng đồng và 3 sự kiện thiện nguyện.
Sau một năm khá thành công trên đường chạy và hoạt động xã hội, Phạm Duy Cường đặt mục tiêu tổ chức 100 sự kiện cộng đồng trong năm 2018, chinh phục thêm những giải đấu mới, trong đó có giải marathon ở Bắc Cực, giải đấu được xem là lạnh giá nhất thế giới vào tháng 4 tới.
2. Thanh Vũ - cô gái Việt chạy khắp thế gian
Nếu là người yêu chạy bộ, chắc chắn bạn sẽ biết đến “nữ hoàng sa mạc” Thanh Vũ (Vũ Phương Thanh, 28 tuổi, sống tại TP.HCM). “Phận nữ nhi” nhưng Thanh Vũ khiến nhiều người phải khâm phục khi chinh phục các giới hạn khắc nghiệt trên đường chạy, mà ngay cả cánh mày râu không phải ai cũng đủ can đảm thử thách bản thân.
Tháng 10/2015, Thanh Vũ tham gia giải sa mạc đầu tiên của mình tại Atacama Crossing (Chile). Năm 2016, cô gái sinh năm 1990 gây tiếng vang lớn khi chinh phục thành công giải chạy siêu bền đa chặng quốc tế 4 Deserts Grand Slam, băng qua 4 sa mạc khắc nghiệt nhất trên thế giới gồm: Sa mạc Sahara - Sa mạc Gobi - Sa mạc Atacama và Nam Cực chỉ trong một năm. Cho tới nay, Thanh Vũ là người phụ nữ châu Á đầu tiên và là một trong 13 người phụ nữ trên thế giới hoàn thành thử thách trên quãng đường 1.000 km này.
Trong năm 2017, Thanh Vũ vẫn tiếp tục thoả sức đam mê chạy trên những cung đường của mình. Tháng 5/2017, cô vượt qua giải chạy The Track với cự ly 522 km ở sa mạc Australia kéo dài 9 chặng, 10 ngày. Tháng 9/2017, cô tham gia giải Ultra Trail du Mont-Blanc 167 km tại dãy núi Alps, nhưng không may gặp sự cố khi chỉ còn cách đích đến 24 km. Dự kiến, năm 2018, Thanh Vũ sẽ tham gia giải chạy tại Bắc Mỹ và vòng Bắc cực.
Để thỏa đam mê, Thanh Vũ đã từ bỏ vị trí chuyên viên phân tích tài chính của hãng tin Bloomberg tại Singapore, vị trí cô có được sau thời gian du học ở Singapore, Canada và Anh, vào năm 2015 để khoác balo lao vào chinh phục những cuộc đua khắc nghiệt. Nói về quyết định của mình, cô mong muốn được rèn luyện bản thân, không chỉ về mặt sức khỏe mà còn về ý chí và nghị lực, đồng thời muốn truyền đam mê và cảm hứng tới giới trẻ: “Đừng ngại khó khăn và thử thách. Giới hạn mỗi con người là do chính mình tự đặt ra”.
3. Nguyễn Trung Kiên- chạy bộ xuyên Việt truyền lửa đam mê
Ở tuổi 40, anh Nguyễn Trung Kiên (Hà Nội) hay còn gọi là “Kien Running”, khiến nhiều người nể phục khi xác lập kỷ lục chạy bộ xuyên Việt nhanh nhất Việt Nam, từ Hà Nội vào TP.HCM, “nuốt trọn” quãng đường dài gần 1.800 km.
Sau khi xác lập kỷ lục chạy bộ, người đàn ông có làn da ngăm đen vì rám nắng và nụ cười tươi thân thiện trở về với cuộc sống thường ngày. Kiên chia sẻ, anh vẫn tất bật với các kế hoạch chạy bộ của mình trong tương lai với tinh thần “không bỏ cuộc”.
Khởi hành lúc 5h30’ ngày 22/10 tại Bưu điện Bờ hồ (Hà Nội), anh Kiên kết thúc hành trình của mình vào 16h22’ ngày 16/11 tại Dinh Độc lập (TPHCM) với tổng quãng đường thực tế chạy được ghi nhận trên thiết bị GPS chuyên dùng là 1.741,4km, liên tục trong 26 ngày. Trung bình mỗi ngày anh chạy 1 cự ly ultra marathon gần 70km.
Kiên cho biết, anh chạy không chỉ với mục tiêu thử thách giới hạn bản thân, vượt qua chính mình, mà còn muốn truyền cảm hứng, khuyến khích người Việt vận động bởi thống kê cho thấy chúng ta nằm trong top “10 quốc gia lười vận động nhất thế giới”, đặc biệt là lớp trẻ khi họ dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, điện thoại….mà quên đi rèn luyện sức khoẻ.
4. Nguyễn Thị Gia Huệ - “Người sắt” kiên cường
Sau bao nhiêu năm phải chăm sóc mẹ bệnh ung thư nặng, Nguyễn Thị Gia Huệ nhận ra mình chính là bác sĩ của đời mình và “lao” vào thể thao. Cô tập luyện bộ môn ba môn phối hợp (đạp xe, bơi, chạy bộ) từ năm 2015, năm đầu tiên tổ chức cuộc thi Ironman tại Đà Nẵng, để rồi sau đó biến sân chơi này thành của riêng mình.
Ba năm liên tiếp (2015-2017), Nguyễn Thị Gia Huệ đều lên vô địch cuộc thi Ironman Việt Nam. Đây cũng là cơ sở để người phụ nữ sinh năm 1977 giành quyền tham dự cuộc thi Ironman vô địch thế giới năm 2016 tại Sunshine Coast (Australia) và Ironman vô địch thế giới 2017 tại Tennessee (Mỹ). Không ai có thể ngời tới, ẩn giấu trong thân hình mảnh mai, nữ tính là tinh thần sắt đá và tràn trề năng lượng đến vậy.
Gia Huệ chia sẻ, Ironman là nơi giúp cô rèn luyện sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần ở mức độ cao nhất của ý chí và nghị lực. Cũng từ đó mà cô có đủ dũng khi để thực hiện những thử thách khó khăn hơn. Năm 2016, Gia Huệ vô địch cuộc thi Challenge Việt Nam tại Nha Trang, trở thành nữ VĐV Việt Nam đầu tiên giành vé tham dự cuộc thi Challenge Roth tại Đức vào tháng 7/2017, cuộc thi trong mơ của mọi VĐV ba môn phối hợp trên thế giới.