Tuy nhiên, nhiều trường hợp trẻ đã phải hứng chịu di chứng, nặng hơn là trả giá bằng tính mạng từ sự chủ quan này.
Một trong những bệnh dễ nguy hiểm đến tính mạng trẻ mà dấu hiệu ban đầu không rõ ràng, thường bị cha mẹ chủ quan như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm ruột thừa,… và gần đây nhất là trường hợp trẻ nhập viện do bị co thắt tâm vị mà trước đó được chẩn đoán là dị vật đường thở.
Co thắt tâm vị
Nói đến nôn trớ ở trẻ nhỏ, người ta nghĩ ngay đến một trong số những nguyên nhân như viêm hô hấp cấp, tiêu chảy… Trường hợp bệnh nhân Hoàng Duy Phúc (5 tuổi, ở Quảng Ninh) cũng vậy. Triệu chứng ban đầu của bệnh là nôn liên tục (có ngày nôn tới 16 lần), ngoài ra cháu còn có triệu chứng nuốt nghẹn thức ăn đặc và lỏng, thỉnh thoảng vùng cổ bị sưng nhưng lại tự xẹp xuống.
Cháu Phúc được Bệnh viện tỉnh chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương (ngày 29/12) với chẩn đoán dị dạng đường thở. Nhưng kết quả thăm khám cho thấy trẻ bị co thắt tâm vị. Các bác sĩ cho biết, co thắt tâm vị hay còn gọi là co thắt thực quản, giãn thực quản bẩm sinh là dị dạng đường tiêu hóa khá hiếm gặp ở trẻ nhỏ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng như: viêm loét thực quản, sẹo xơ gây chít hẹp thực quản thậm chí tử vong đột ngột do phản xạ tim mạch hay dây thần kinh X, do ngạt thở vì trào ngược thức ăn vào khí quản, hay do suy dinh dưỡng ở giai đoạn muộn.
Bệnh co thắt tâm vị nguy hiểm ở chỗ thời gian đầu bệnh thường diễn biến thầm lặng, triệu chứng nghèo nàn nên rất khó xác định lúc bệnh khởi phát. Hầu hết bệnh nhân thường đến khám khi thực quản đã giãn rất to. Do đó, các bậc phụ huynh khi thấy con mình có các triệu chứng như: nôn ọe, nuốt khó, nuốt nghẹn, đau tức lồng ngực, đau vùng sau xương ức (nhất là sau khi ăn), cần đưa con đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Viêm tai giữa
Viêm tai giữa thường gặp ở trẻ từ 6 tháng tới 3 tuổi. Ở giai đoạn đầu, biểu hiện của bệnh viêm tai giữa không rõ rệt, trẻ không sốt, không đau tai, rất ít khi có ù tai, không chảy dịch ở tai. Triệu chứng duy nhất là trẻ bị nghễnh ngãng nên các bà mẹ thường hay bỏ qua và cho rằng trẻ thiếu tập trung. Khi chuyển sang giai đoạn mạn tính mới có hiện tượng chảy mủ tai.
Điều nguy hiểm là viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ có thể gây thủng màng nhĩ, làm tiêu xương... ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ và dẫn đến rối loạn ngôn ngữ. Nếu không được điều trị triệt để, bệnh có thể gây các biến chứng nhiễm trùng sọ não rất nguy hiểm như viêm màng não, áp xe não, viêm tắc tĩnh mạch bên hoặc gây liệt dây thần kinh mặt (dây số 7).
Để phòng bệnh viêm tai giữa cho trẻ, người lớn phải giữ gìn vệ sinh mũi họng hằng ngày cho bé sạch sẽ, hạn chế tối đa trẻ bị viêm mũi họng. Khi trẻ nôn trớ, không nên đặt trẻ nằm đầu thấp vì chất nôn dễ tràn vào tai giữa. Khi gội đầu cho trẻ, không nên hạ thấp đầu quá, nước sẽ chảy vào tai giữa, gây viêm. Nếu trẻ bị viêm mũi họng và viêm VA thì phải điều trị dứt điểm, đúng cách vì đó là nguyên nhân gây viêm tai giữa.
Viêm phổi
Viêm phổi cũng là một trong những loại bệnh phổ biến của trẻ và có nguy cơ tử vong cao, trong khi các triệu chứng của bệnh thì không rõ ràng, nên nhiều trường hợp trẻ được đưa đến viện khi bệnh đã ở thể nặng, gây khó khăn trong điều trị và ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của trẻ. Dưới đây là một số triệu chứng nghi ngờ là bệnh viêm phổi ở trẻ mà các bậc cha mẹ không nên chủ quan bỏ qua như:
- Thở nhanh: Với trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi nếu đếm đến lần thứ 2, nhịp thở 60 lần một phút trở lên không nên chậm trễ mà nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
- Rút lõm lồng ngực: Đây là biểu hiện của trẻ bị viêm phổi nặng. Để phát hiện, cha mẹ có thể nhìn vào phần dưới lồng ngực lõm vào khi trẻ hít vào. Đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi, chỉ rút lõm lồng ngực nhẹ thì chưa có giá trị phân loại vì lồng ngực của trẻ còn mềm, khi thở bình thường hơi cũng có thể rút lõm. Trường hợp thấy rõ lõm sâu và dễ nhìn thấy, cha mẹ phải lường đến tình huống con mình bị viêm phổi.
- Ngoài ra còn một số dấu hiệu khác như: Sốt cao dai dẳng, khò khè, kèm theo co giật, mệt mỏi, quấy khóc, bỏ bú, ngủ không sâu… Hoặc khi đang điều trị thuốc mà liên tục từ 3 ngày trở lên trẻ có biểu hiện sốt cao
Viêm ruột thừa
Đau ruột thừa ở trẻ cũng là những chứng bệnh rất khó chẩn đoán, vì trẻ chưa biết diễn đạt rõ ràng và không dễ phân biệt với các bệnh lý có triệu chứng đau bụng khác. Viêm ruột thừa ở trẻ tiến triển rất nhanh, chỉ cần 6-8 giờ ruột thừa có thể bị hoại tử, vỡ ra, dẫn đến viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết và cuối cùng là tử vong.
Triệu chứng điển hình của viêm ruột thừa là đau vùng bụng dưới bên phải. Kiểu đau của viêm ruột thừa thường bắt đầu vùng quanh rốn trước khi khu trú ở hố chậu phải.
Trẻ bị viêm ruột thừa thường có môi khô lưỡi dơ, biểu hiện tình trạng nhiễm trùng. Phần lớn trẻ sốt nhẹ, dao động 38-38,5OC nhưng có khi trẻ không có triệu chứng này, chỉ khi đoạn ruột thừa viêm bị vỡ mới sốt. Ngoài ra, bé sẽ có tình trạng mệt mỏi, chán ăn, bụng trướng do ruột bị kích thích kèm theo buồn nôn, nôn ói.
Tiêu chảy có thể có hoặc không, nhưng nếu có sẽ làm tăng khả năng chẩn đoán. Biểu hiện nôn và tiêu chảy ở trẻ viêm ruột thừa cũng dễ bị nhầm với rối loạn tiêu hóa.
Các triệu chứng này có thể xuất hiện không đầy đủ. Do đó các bậc phụ huynh cần đưa con đi khám nếu trẻ đau bụng nhiều, không giảm sau 1-2 giờ kèm theo nôn, đi lỏng hoặc sốt để được theo dõi tại bệnh viện.
Ngoài ra, phụ huynh không nên tự ý dùng thuốc giảm đau cho trẻ nếu trẻ đau bụng mà chưa xác định được nguyên nhân, vì thuốc có thể làm mất các triệu chứng bệnh và gây khó khăn cho việc chẩn đoán của bác sĩ.
Trẻ cần gặp bác sĩ khi:
- Sốt cao, sốt trong thời gian dài
- Trẻ sốt kèm theo cứng cổ, đau đầu hoặc phát ban
- Trên da trẻ xuất hiện các nốt ban bất thường
- Đau bụng
- Đau đầu kèm nôn mửa
- Tiêu chảy
- Thay đổi màu sắc quanh miệng
- Sưng lưỡi, môi, mắt kèm theo triệu chứng nôn mửa hoặc ngứa