Hạnh phúc như mơ
Nhìn vóc dáng như người mẫu của Vũ Quốc Kỳ (24 tuổi, quê Ninh Bình) hẳn ít người nghĩ chỉ cách đây gần 6 năm cậu đã đối mặt với tử thần khi mang trong mình căn bệnh suy tủy xương. Ngày đó, Kỳ thấy trong người mệt mỏi và yếu dần, không làm việc bình thường được, da xanh nhợt nhạt, thiếu máu. Đi khám ở Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, bác sĩ chẩn đoán Kỳ bị bệnh suy tủy xương. Bệnh nặng, Kỳ bảo lưu kết quả học tập và lên viện điều trị. Một tháng ít nhất đôi lần phải nhập viện để truyền máu liên tục, mỗi đợt truyền từ 5-6 bịch máu. Căn bệnh suy tủy xương khiến Kỳ luôn đau đớn, người lúc nào cũng cảm thấy chao đảo và không còn sức sống. Nhiều đêm chong mắt thức trắng, Kỳ nghĩ đến khoảng tối của cuộc đời mình, khi mọi ước mơ, hy vọng tan dần theo những cơn đau.
Nhưng rồi, tương lai bỗng bừng sáng, Kỳ và gia đình ngợp trong hạnh phúc vô bờ khi kết quả xét nghiệm cho thấy tủy của chị gái phù hợp với Kỳ đến 100%. Cảm giác mang sứ mệnh níu giữ cuộc đời em trai mình lại với cuộc sống này đã cho chị gái Kỳ thêm sức mạnh, giúp cô chịu đựng đau đớn để bác sĩ lấy từ cơ thể mình những tế bào gốc mang tên gọi “hồi sinh”.
Ngày bác sĩ ghép tế bào gốc của chị gái cho Kỳ, cậu nằm trong căn phòng vô trùng, tĩnh tâm, như cảm thấy từng tế bào li ti trong cơ thể ốm yếu của mình được tiếp thêm sức mạnh. Sau khi ca ghép kết thúc, Kỳ bắt đầu quá trình 45 ngày nằm trong phòng cách ly để chờ sinh tủy mới. Chàng trai trẻ tâm sự: “Đó là quãng thời gian dài vô tận với em. Mỗi ngày trôi qua em đều thấy hạnh phúc và may mắn vì mình được chữa trị kịp thời. Nếu chưa có ghép tế bào gốc thì chắc em đâu được tâm sự với chị lúc này”.
Bác sĩ chăm sóc bệnh nhân ghép tế bào gốc.
Giờ đây, đứng trước tôi là chàng trai với gương mặt đẹp, đôi mắt sáng, trang phục quần bò, áo phông khỏe khoắn. Câu chuyện sôi nổi hơn khi Kỳ nhắc đến thiên thần bé nhỏ mới 3 tháng tuổi. Hai năm sau ca ghép tế bào gốc, Kỳ hồi phục sức khoẻ đến không ngờ. Những người mới gặp Kỳ chẳng thể nghĩ cậu từng mắc căn bệnh nan y, nhưng trong thâm tâm mình Kỳ không nghĩ đến chuyện sớm lập gia đình.
Thế nhưng tình yêu đến thật bất ngờ với cậu. Ngày đón con gái bé bỏng chào đời, hạnh phúc lại một lần nữa đến với Kỳ khi cô bé không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào từ việc người cha đã từng điều trị căn bệnh suy tuỷ xương. Có một gia đình nhỏ và công việc bán hàng thời trang yêu thích ngay tại Hà Nội, mắt Kỳ ánh lên niềm vui và sự biết ơn sâu sắc khi nhắc đến công lao của các bác sĩ đã mang lại cuộc sống đầy ý nghĩa cho cậu.
Cô gái nhỏ và nghị lực phi thường
Tôi gặp lại Diêu Thuần, cô gái sinh năm 1987, tác giả cuốn tự truyện “Như hoa Hướng dương” tại một cuộc hội thảo bàn về bệnh ung thư. Thuần đã hồng hào và khỏe mạnh hơn ngày đầu gặp nhau, khi Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư công bố ghép tế bào gốc thành công cho Diệu Thuần. Giọng nói nhỏ nhẹ, ánh mắt sáng, gương mặt thông minh và nụ cười thân thiện, Thuần mang đến cho người đối diện cảm giác bình an. Ngoại trừ vóc dáng gầy guộc của cô vì căn bệnh ung thư máu gây ra suốt 10 năm qua thì cách mà cô nói chuyện khiến mọi người cảm nhận được sức sống và nghị lực tràn đầy trong cơ thể nhỏ nhắn ấy.
Cô gái trước mắt tôi không còn trầm tư như ngày còn điều trị ở viện. Thuần nhí nhảnh, hồn nhiên khi nhắc tới cây đàn bên cô mỗi lúc vui buồn, đến những vần thơ cô ngẫu hứng để lưu giữ lại khoảnh khắc cảm xúc bất chợt đến với mình. Những dòng tự truyện Thuần viết lắng lại trong người đọc cảm giác yêu đời dẫu cuộc sống đầy thử thách với cô. Cô tìm vui ở chốn riêng mình: “Ranh giới giữa quá khứ, hiện tại và tương lai đối với tôi bị xóa nhòa. Tôi sống phần nhiều với quá khứ hơn là với hiện tại, tìm về hạnh phúc của quá khứ như một liều thuốc để xoa dịu những nỗi đau của hiện tại. Thời thơ ấu của tôi ngập tràn tiếng cười trên những triền đồi, bờ khe cùng lũ bạn học và lũ trẻ con trong làng”.
Nhớ lại quãng thời gian khó khăn nhất khi nằm trong phòng ghép tủy, giọt nước mắt khẽ lăn dài trên gò má cô. Thuần bảo: “Khi đó cơ thể em bị suy kiệt gần như hoàn toàn do tác dụng của hóa chất diệt tủy - cũng không thể đi lại được vì toàn thân run bắn, co quắp, mất cảm giác ở chân, miệng lở loét không ăn, không nuốt được. Mẹ đã khóc khi lau người cho em, bởi nhìn em chỉ như một nhúm xương khô thôi. Nhưng rồi may mắn là em vượt qua được, bằng sự yêu thương chăm sóc của mẹ và sự nhiệt tình của các bác sĩ, y tá”.
Quãng thời gian sau đó Thuần bị tác dụng phụ của thuốc nhắm đích Glivec, cô sống trong đau đớn từng phút giây, cảm giác chỉ muốn chết. Ngày đêm bên cô là mẹ và cậu ruột cùng những cơn đau âm ỉ và nhức nhối, những giấc mơ kinh hoàng trong mỗi giấc ngủ chập chờn. Nhưng rồi, chính trong những cơn đau đó, cô gái bé bỏng cảm nhận được sức chịu đựng của mình vẫn chưa cạn kiệt khi tình yêu thương của bố mẹ dành cho cô mỗi ngày nhiều thêm. Thuần tâm sự: “Đó vừa là áp lực của em, vừa là động lực để cố gắng. Rồi em làm thơ, cũng như viết nhật ký để tâm sự với chính mình, để trải lòng mình… Và nó có một số tác dụng tích cực trong tâm lý. Dù em vẫn sốt và không thể đi lại được với cái chân bị teo và đau âm ỉ, nhưng em có thể gượng ngồi dậy trên giường và viết ra cơn đau và nỗi buồn của mình. Cảm giác như, nếu làm như vậy thì cơn đau sẽ nhảy hết vào trang giấy”.
Thuần tặng tôi một cuốn sách, cô bảo: “Đây là cuốn sách thứ hai của em, vẫn chưa phải viết với mong muốn được trở thành nhà văn hay cây viết chuyên nghiệp. Em chỉ đơn giản muốn chia sẻ câu chuyện của chính bản thân mình gửi tặng tới cậu, mẹ, tới anh trai và những người thân, thầy cô, bạn bè, và đặc biệt là những y bác sĩ, những người đã giúp đỡ em… có thể phần nào đó để họ nhìn lại họ đã từng rực rỡ và tươi đẹp như thế nào trong mắt em. Đó cũng là lời cảm ơn chân thật nhất bằng cách kể lại những câu chuyện đã qua, đã gắn liền họ với em trong đó”.
Phòng lưu trữ tế bào gốc tại Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư
Thuần là như vậy, “đón nhận tất cả những gì trời đất ban tặng cho mình một cách tự nhiên nhất và cố giữ cho mình - dù không còn trọn vẹn nữa - sự tự nhiên mộc mạc của một con người xuất thân từ vùng rừng núi”, như những gì cô tự sự. Thuần mang đến cho mọi người niềm tin yêu cuộc sống, nghị lực vượt qua mọi thử thách để giữ vẹn nguyên trong trái tim mình tình yêu thương cuộc sống, dẫu cuộc sống nhiều khi khắc nghiệt với chính cô.
Lời chia sẻ của anh Lâm Tiến Bình (Lạng Sơn), một trong những người bệnh được ghép tế bào gốc điều trị bệnh máu ở giai đoạn đầu tiên là lời tri ân đến các bác sĩ, điều dưỡng đã nỗ lực hết mình mở ra tia sáng cuối đường hầm cho những bệnh nhân mắc bệnh về máu: “Sự phát triển của khoa học kỹ thuật với trình độ chuyên môn cao và tấm lòng y đức của tập thể y bác sĩ đã làm nên điều kỳ diệu cho những bệnh nhân như chúng tôi”.
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư cho biết, tế bào gốc đã và đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực điều trị, góp phần mang đến những hy vọng mới trong việc nâng cao sức khỏe con người. Việc nghiên cứu, ứng dụng ghép tế bào gốc tại Việt Nam đang mở ra nhiều triển vọng tốt đẹp, góp phần tăng cơ hội sống cho bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh hiểm nghèo, bệnh nhân bị bệnh máu. Kỹ thuật ghép tế bào gốc thực sự để lại nhiều dấu ấn thành công trong ngành y tế Việt Nam. Giới y khoa cũng nhận định, tế bào gốc có khả năng tự tăng sinh, biệt hóa thành nhiều loại tế bào, các mô, cơ quan khác nhau của cơ thể. Dùng tế bào gốc trong điều trị chính là đưa vào cơ thể các tế bào non trẻ có thể tạo ra các loại tế bào, mô mới để bổ sung hoặc thay thế cho tế bào và mô cơ quan bị tổn thương, mất chức năng.