Những cơn ngứa mùa đông: Cẩn thận kẻo cụt ngón

Những cơn ngứa mùa đông: Cẩn thận kẻo cụt ngón
Những đợt rét đậm dài ngày làm nhiều người bị khô da, sinh ngứa ngáy và càng gãi da càng sẩn rộp dẫn tới nhiễm trùng. Nếu không được chữa trị đúng cách có thể dẫn đến hoại tử, cụt ngón chân, ngón tay, thậm chí tử vong.

Chị Đặng Thị Vân, ở Bắc Giang xuống Hà Nội làm thuê mới được 2 tuần thì gặp đợt rét đậm đầu tiên của mùa đông 2008 - 2009.

Mới đầu, chị thấy ở mắt cá chân bị ngứa nên gãi tróc da, nhưng càng ngứa hơn, lớp da ửng đỏ và rớm máu. Do bận làm và sợ mang tiếng mới đi làm đã mắc bệnh, chị Vân không đi khám ngay. Tới khi vết gãi mưng mủ, làm cả bàn chân sưng to, tím mọng chị mới tới bệnh viện.

Bác sĩ Vũ Thái Hà (Viện Da liễu TƯ) cho biết, khi thời tiết lạnh khô da dễ bị mất nước, lớp da ngoài cùng (biểu bì) mất tính đàn hồi, nứt nẻ gây ngứa, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào gây nhiễm trùng (càng gãi thì càng ngứa và càng làm da rách thêm... dẫn tới nhiễm trùng).

Trường hợp của chị Vân có thể là một trong các biểu hiện của bệnh viêm da cơ địa. Do vậy, cần dùng các loại kem dưỡng da giữ ẩm, đảm bảo cho da không bị khô và cũng không tắm nước nóng quá.

Một số trường hợp bị bệnh máu ác tính, bệnh tự miễn... có tồn tại một loại Globulin – cryoglobulin dễ bị vón lại khi gặp lạnh, gây một số biểu hiện ở da như bọng nước xuất huyết, loét ở các vùng tiếp xúc với lạnh như các chi, tai... Nặng hơn là viêm mô bào, viêm tổ chức sâu dưới da để lâu sẽ sinh phù nề, làm tắc mạch máu, dễ bị biến chứng sang bệnh khác, bởi các hoạt động chuyển hoá dinh dưỡng ở chi kém, dễ gây hoại tử lạnh.

Việc dùng các thiết bị sưởi ấm, hút ẩm trong phòng càng làm da bị mất nước, cộng với không khí lạnh khô “tích lũy” nhiều vi sinh gây bệnh sẽ tấn công những chỗ nứt nẻ ở da, gây ngứa ngáy.

Do đó khi thấy ngứa chớ có chà xát, gãi để tránh bị tróc da, viêm nhiễm, lở loét, phồng rộp, dẫn đến nhiễm trùng. Nếu ngứa nặng có thể uống thuốc chống dị ứng, thuốc bôi ngoài da, đặc biệt là thuốc dưỡng ẩm (vaseline, petroleum), nhưng phải theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tốt hơn có thể gặp các bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn cụ thể.

Điều trị sớm kẻo cụt ngón, tử vong

Lạnh còn có thể gây bệnh nổi mề đay, co thắt các mạch máu ở đầu xa của cơ thể (đầu ngón chân, ngón tay) trong y học gọi là hiện tượng Raynaud, cước chân, tay...

Hiện tượng Raynaud làm cho ngón tay, ngón chân tím lạnh, đau nhức khi trời lạnh hoặc nhúng tay, chân vào nước lạnh, nặng hơn có thể gây ra hoại tử, loét và cụt ngón tay, ngón chân. Nếu được xoa bóp và ủ ấm, cước sẽ tự khỏi, không cần dùng thuốc.

Bệnh mề đay cũng do cái lạnh phá vỡ một số tế bào, gây giải phóng các chất làm giãn mạch, dị ứng. Có 2 dạng mề đay: Mề đay di truyền và mề đay mắc phải. Hay gặp là bệnh mề đay mắc phải.

Tuy lành nhưng nếu để bệnh trở nặng, có thể gây đau lan tỏa, hạ huyết áp, sốc, bất tỉnh, thậm chí tử vong vì mề đay nổi lên bít đường thở, hoặc do mất nước điện giải nhiều vì đau bụng tiêu chảy. Nếu bệnh tái diễn liên tiếp, cần đi khám để được bác sĩ tư vấn và cho dùng thuốc uống thích hợp.

Bác sĩ Thái Hà khuyên, tuy trình độ dân trí ngày nay đã cao, thấy sưng đau đã biết đến bệnh viện nhưng cần hạn chế mặc quần áo chật, hoặc may bằng vải dễ gây kích ứng da như len, bố... để tránh bị cọ xát, kích thích da tại chỗ.

Tắm xong, nên thoa dầu paraffin (vaseline) khắp người rồi mặc đồ ấm, kín. Nên thoa vaseline vào môi, mũi, gót chân để tránh nứt nẻ, chảy máu... Tránh các thứ thuốc chống ngứa, chống dị ứng vì càng làm da thêm khô, dễ nứt và ngứa hơn. 

Theo bác sĩ đông y Nguyễn Ngọc Phái (Phòng khám Đông y 138 Giảng Võ), những ngày lạnh, trong nhà, nên đi dép giữ ấm, ra ngoài đi giầy ấm. Không tiếp xúc trực tiếp với nước lạnh, nếu phải tiếp xúc cần dùng nước ấm hoặc đi găng tay.

Ông khuyên mọi người hàng ngày trước khi đi ngủ, nên dành khoảng 30 phút ngâm chân vào nước muối ấm có đập vài  lát gừng (hoặc nhỏ vài giọt dầu nóng) sẽ giúp cơ thể ấm áp và giúp đôi chân tránh được nhiều bệnh về da do lạnh gây nên.

Kiêng những thức ăn hay gây dị ứng. Hạn chế các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá... mà nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, ít ăn các chất chua cay, đồ chiên để giảm nhiệt tà.

Tránh ăn bánh mì, nước ngọt thức ăn ngọt như bánh kẹo để tránh thấp tà. Ít uống rượu mạnh, giữ vệ sinh sạch sẽ thường xuyên.

3 bài thuốc chữa cước hiệu quả

- Anh đào (500g) ngâm rượu trắng nồng độ cao (1/2 lít), xoa bóp nhẹ vào chỗ bị cước nhiều lần sẽ khỏi.

- Quế chi 60g, nước 1 lít, cho cả vào nồi đất, đun sôi nhỏ lửa khoảng 10 phút thì đổ ra chậu, ngâm chỗ bị phát cước vào và xoa bóp nhẹ. Làm mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 5 - 15 phút vào buổi sáng và tối.

- Nếu cước bị loét, lấy 12g nhục quế, 6g đinh hướng, 6g ngũ linh chi, tất cả nghiền thành bột, trộn với dầu vừng, đắp vào 1-2 lần/ngày sẽ khỏi.

Theo Hà Dương
Giadinh.net

MỚI - NÓNG