Sự khác biệt của họ với những “gái gọi” ở nhà hàng, khách sạn là không ở một nơi cố định, không lấy tiền boa của khách bằng “chót lưỡi đầu môi” mà bằng chính tửu lượng của mình.
Uống rượu để kiếm tiền
Trong dịp đi công tác tại mấy tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua, tôi được anh bạn đồng nghiệp dẫn đi chiêu đãi các món ẩm thực của miền sông nước tại một quán cóc, bên bờ một con sông nhỏ thuộc ngoại ô thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang).
Chúng tôi ngồi uống rượu với những món nhậu hấp dẫn nhưng cả hai vẫn cảm thấy buồn vì “thiếu một thứ gì đấy!?”. Bất chợt anh bạn tôi đứng dậy móc chiếc điện thoại di động, bấm nhoay nhoáy. Sau một hồi trao đổi với “đối tác”, anh quay sang nháy mắt với tôi một cách tinh nghịch.
Chưa đầy 15 phút sau, bên ngoài quán có một chiếc xe taxi xịch đỗ, hai cô gái xinh xắn bước vào, thẳng đến bàn của chúng tôi.
Sau cái gật đầu chào xã giao kèm theo nụ cười xinh như hoa, cô mặc chiếc áo màu trắng cất tiếng hỏi “Tụi em bắt đầu chung dzui nhé?”. Anh bạn đồng nghiệp gật đầu đồng ý và ra dấu mời 2 cô gái ngồi.
Gọi với vào trong kêu chủ quán cho thêm ít mồi, 2 cái ly uống rượu và 2 đôi bát đũa, anh bạn ghé sát tai tôi cảnh báo: “Coi chừng cậu uống say bí tỉ đấy nhé! Cậu đừng hiểu lầm, hai em đây không phải là “gái gọi” như những tiếp viên ở các nhà hàng, khách sạn đâu, đơn giản đây là những người tôi mời đến để đối ẩm cho vui thôi.”
Theo anh bạn đồng nghiệp này, thời gian gần đây, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và ở Tiền Giang nói riêng xuất hiện một nghề mới - nghề “nhậu thuê” của nhiều cô gái xinh đẹp.
Bất kể ở đâu, vào thời điểm nào, nếu thấy tiệc nhậu không hứng thú bởi toàn những tay “đực rựa”, khách hàng có thể bấm máy điện thoại mời đến một cô nàng xinh xắn để có thể đối ẩm.
Chỉ sau vài phút ngỡ ngàng, hai bên đã trở lên “tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu”, bởi mấy cô nàng này khá sành sỏi, điệu nghệ trong việc mời rượu và sẵn sàng chia vui sớt buồn với những “ông chủ”.
Có người gọi đó là “gái hầu rượu”, cũng có người gọi là “gái nhậu thuê” hay “gái tiếp viên di động”...
Dù tên gọi thế nào chăng nữa nhưng cái khác biệt của những “cô Tấm” này là đi nhậu cốt để kiếm tiền nuôi thân mà không cần biết người đối ẩm là ai, thuộc thành phần nào trong xã hội.
Họ không làm việc cho bất kỳ nhà hàng, khách sạn nào, mà hoạt động độc lập, cư ngụ tứ tán ở các quán trọ bình dân. Đôi khi các cô cũng đi làm những công việc như dọn cỗ đám cưới thuê.
Mỗi ngày công làm việc như vậy họ được trả từ 70 - 100 nghìn đồng. Còn đi nhậu trong một thời gian nhất định thì khách có thể trả từ 30 - 50 nghìn đồng là đủ.
Cuộc nhập môn nghiệt ngã
Cô gái ngồi bên tôi có cái tên rất dễ thương, Nguyễn Thị Phương T, quê Sóc Trăng, 20 tuổi. Phương T cho biết, 2 năm trước cô theo một người bạn lên Mỹ Tho để tìm việc làm.
Do học vấn thấp nên đi đến đâu người ta cũng không nhận, đang buồn chán thì Phương T gặp “sư tỷ” Trần Thị Kim T, một cô gái có cùng cảnh ngộ, quê Trà Vinh mách cho cách kiếm tiền bằng việc đi nhậu với đám đàn ông con trai.
Theo Phương T cho biết, “sư tỷ” Kim T vừa là người điều phối công việc của hội những “cô Tấm” đi nhậu thuê này đồng thời vừa là người có công dìu dắt Phương T vào nghề.
Phương châm của nghề nghiệp này do “sư tỷ” Kim T đặt ra: chỉ cho mượn xác chớ không bán phần hồn.
Nghĩa là khi dấn thân vào nghề này có thể bị những người đối ẩm với mình do say rượu có những hành vi sàm sỡ hoặc anh ta có thể xem là người tình trong tiệc rượu nhưng cương quyết không bán thân với bất cứ giá nào. Ai phá lệ sẽ bị khai trừ ra khỏi hội và trục xuất ra khỏi địa bàn hoạt động.
Theo T, trước khi nhập môn, các cô gái đều được huấn luyện cấp tốc về cách mời rượu và cách tránh rượu khi cảm thấy mình đã chếnh choáng.
Muốn biết mình có quá chén hay không, các cô gái phải trải qua những ngày “thử rượu” thật khắc nghiệt. “Thử rượu” cốt để biết được tửu lượng của mình bao nhiêu khi vào nghề biết mà dừng đúng lúc.
Phương châm của các cô gái làm nghề này là không để mình bị “quắc cần câu”, “mất phương hướng” hay “cho chó ăn chè” trước khi khách quá chén, vì nhiệm vụ của các cô là phải giúp đỡ các ông anh về đến nhà trong lúc họ không còn biết trời trăng mây gió gì nữa.
Phương T còn “bật mí” thêm, lần đầu tiên cô “thử rượu” do quá chén đã quên mất cả tên mình, sẵn thứ gì trên tay cô đều ném tuốt tuồn tuột, ngay cả bông tai, dây chuyền và giày dép.
Trong lúc “thử rượu” các cô không được phép nhận tiền boa, cho dù khách có nhét vào túi mình. Chỉ được nhận tiền khi nào thấy “sư tỷ” Kim T đồng ý. Sau gần 6 tháng “thử rượu” Phương T mới tự kiềm chế được mình, tức là không say trước người mà mình đang đối ẩm. Cô còn kể cho tôi nghe nhiều chuyện bi hài mà mình đã gặp phải khi làm nghề này.
Có một lần cô phải tiếp một ông khách đang có rắc rối trong chuyện gia đình tại một quán nhậu nằm sâu trong xóm nghèo của phường 5, thành phố Mỹ Tho.
Khổ một nỗi là anh chàng này khi uống say cứ tưởng Phương T là cô người yêu cũ nên đã không ngần ngại ôm cô mà than trách sự đời, xin cô hãy tha thứ và mong muốn nối lại tình xưa nghĩa cũ...
Đúng lúc đó vợ của ông khách xuất hiện cùng với mấy ả đàn bà chuyên đi đánh thuê. Bà vợ nổi cơn tam bành nhảy vào đấm đá Phương T túi bụi.
Rất may là vợ chồng chủ quán đã kịp gọi taxi để đưa cô về. Sau trận đòn chí tử đó, Phương T đã phải nằm viện mất một thời gian vì chiếc xương sườn bị gãy.
Những bi kịch của "Tấm"
Hầu hết các “cô Tấm” nhậu thuê đều có chung một tâm niệm là cố “chịu đấm ăn xôi” trong vài ba năm rồi bỏ nghề để đi lấy chồng. Nhưng theo Phương T thì đó lại là một mơ ước quá tầm với, quá cao sang của những ai đã trót vào nghề.
Cho dù các “cô Tấm” cố giữ mình trong sạch, nhưng dưới cái nhìn của người đời thì các cô luôn bị xem rẻ, thậm chí có người còn cho rằng các cô cũng đồng hạng với những “gái gọi” ở các nhà hàng, khách sạn mà thôi...
Đã có một số cô bỏ nghề để đi theo “tiếng gọi của tình yêu” nhưng chỉ được vài ba tháng lại phải quay trở lại nghề cũ vì không chịu nổi những lời dèm pha từ phía nhà bạn trai.
Phương T đã kể cho tôi nghe một mối tình nổi tiếng của cô gái trong hội nhậu thuê.
Tùng, quê Sóc Trăng, vào nghề được ba tháng thì phải lòng một chàng thuỷ thủ đường sông nhà ở quận 8, TP. Hồ Chí Minh. Sau vài tháng đi lại tìm hiểu, chàng trai này đồng ý đưa Tùng về giới thiệu với gia đình.
Lúc đầu không có vấn đề gì, nhưng sau đó cha mẹ của anh ta cương quyết không chịu hỏi cưới Tùng vì biết cô từng là một “cô Tấm” làm nghề nhậu thuê ở Mỹ Tho.
Còn Tường Vi, cô gái cũng ở Sóc Trăng, vừa trở lại nghề cũ sau sáu tháng theo người tình về sống ở Long An tâm sự:
“Anh ấy rất thông cảm với quá khứ của em, nhưng người nhà thì ngược lại. Cứ mỗi bữa cơm, họ lại lấy rượu ra bắt em uống rồi châm chọc, cười cợt đủ điều. Chịu không thấu cảnh ấy, em buộc phải quay lại nghề cũ.”
Cũng có những cô gái như Tùng sau khi trở lại với nghề cũ đã không giữ được mình như trước. Họ sống buông thả, chiều khách từ A đến Z, dần dần biến thành gái mại dâm chuyên nghiệp và bị đẩy ra khỏi hội.
Trong số đó đã có người bị nhiễm HIV mà vẫn vô tư hành nghề với một ý nghĩ đen tối là kéo cho được vài chàng trai khờ khạo cùng xuống “suối vàng” để làm bầu bạn với mình.
Cô N.H, quê ở Tiền Giang, cùng hội nhậu thuê với Phương T, sau khi bị người yêu ruồng bỏ đã chuyển sang làm nghề “tiếp viên” cho nhà hàng H.L. Được 9 tháng bị ông chủ đuổi việc vì đã chuyển sang giai đoạn cuối của AIDS.
Nhưng so với câu chuyện về cuộc đời của Thuý, quê ở An Giang thì vẫn còn khá hơn nhiều.
Trong một tiệc nhậu, Thuý quen và yêu một chàng trai quê ở Đồng Tháp, hai người đã thề non hẹn biển và dự định trong năm sẽ tổ chức đám cưới.
Nhưng, sau khi biết được Thuý là “gái hầu rượu”, gia đình chàng trai đã đánh đuổi Thuý ra khỏi nhà. Trên đường quay về Mỹ Tho, chàng trai chạy theo bảo phải quay lại nếu không thì cả hai cùng chết.
Nói dứt lời chàng trai này rút khẩu súng trong người chĩa thẳng vào mặt Thuý bóp cò.
Tuy không chết, nhưng Thuý lâm vào cảnh ngộ rất thương tâm, gương mặt bị biến dạng với tỷ lệ thương tật vĩnh viễn là 85%, còn chàng người yêu phải vào nhà đá ngồi “đếm lịch” với mức án cao nhất.
Còn rất nhiều những cảnh đời éo le khác mà tôi không tiện kể ra đây, duy chỉ có một điều mà tôi cảm nhận được từ những “cô Tấm” làm nghề nhậu thuê này, họ mong muốn có một mái ấm gia đình như bao phụ nữ khác nhưng thật là nghiệt ngã và xót xa vì đã trót gửi thân vào nghề.
Theo Đại Đoàn Kết