Những cô, cậu… gấu bông
> Những chàng du học sinh Việt chất như tài tử điện ảnh
> Những hot boy gốc Việt hút hồn phái nữ
Có những người phàn nàn rằng nhiều bạn trẻ thời nay không có tính tự lực, thụ động chẳng khác gì những cô, cậu… gấu bông. Nhưng, vì đâu nên nỗi?
Học kỹ năng tự lập - sẻ chia qua những sinh hoạt đời thường - Ảnh: Như Lịch. |
Mẹ sướng nhất, không phải học thêm !
Thanh Yến, học sinh lớp 10 (ngụ ở Q.2, TP.HCM), học rất khá. Nhưng ngoài việc học, Yến hầu như không quan tâm chuyện gì. Nhiều hôm đi học về, thấy mẹ mình đang “tả xung hữu đột” với việc nhà, Yến vẫn lẳng lặng xách cặp lên lầu rồi đóng cửa phòng lại, thả hồn vào chiếc máy tính. Đến khi cơm nước dọn ra, mẹ lên tận phòng âu yếm gọi thì Yến mới xuống ăn. Tuy đã lớn, nhưng mọi sinh hoạt hằng ngày của Yến hầu như đều có bàn tay người mẹ sắp xếp. Thậm chí, mỗi đêm mẹ đều nhắc Yến uống sữa rồi giục đi ngủ… y như thời Yến còn thơ dại.
Thật không quá khó để tìm những “hình mẫu” tương tự Thanh Yến. Ông Trần Minh Trọng, phụ trách CLB Dạy con nên người tại TP.HCM, cho hay: “Trong số những bạn trẻ ông tiếp xúc đầu năm học này, chỉ có khoảng 30% tương đối năng động. Còn lại đa phần là những người hết sức thụ động do được cha mẹ nâng niu, cưng chiều thái quá”.
Theo một chuyên viên tâm lý, những phụ huynh luôn bảo bọc con em mình từ A đến Z thực ra cũng xuất phát từ tình yêu thương của họ. Tuy nhiên, tình thương “không điểm dừng” ấy nhiều khi mang lại những kết quả không như mong muốn.
Gần đây, trên Facebook của một người tên Song Nguyên có những dòng tự sự: “7 tuổi rồi con gái chẳng tự xúc ăn. Sáng nay bực mình, mẹ la lối, kể lể: “Bây giờ tụi con sướng lắm, ngày xưa mẹ phải nhịn đói đi học. Học một buổi còn phải về phụ bà ngoại làm nông, đâu được học thêm, uống sữa, đút ăn như tụi con”. Chăm chú lắng nghe, tưởng con thấm thía, ai dè con gái phán: “Mẹ sướng nhất, con thích được như mẹ, không phải học thêm cũng không bị bà ngoại bắt uống sữa...”.
Biết, nhưng không làm
Thực tế cho thấy, cũng có những phụ huynh nhận ra sự thụ động của con em mình, nên đã tìm cách cải thiện. Trong đó, có việc gửi trẻ đến những khóa rèn luyện kỹ năng sống. Nhưng, như một chuyên viên huấn luyện nhận xét thì: “Có những em đi ra ngoài rất giỏi, biết làm nhiều việc. Thế mà, lúc trở về nhà, cha mẹ nhanh chóng cho quay trở lại làm… gấu bông”. Anh này nêu hàng loạt dẫn chứng, chẳng hạn khi trẻ định rửa bát thì mẹ bảo: “Đừng rửa, để đó mẹ làm cho kẻo bể!”. Hoặc khi mới ngủ dậy, trẻ định gấp chăn màn gọn ghẽ như những ngày sống trong doanh trại thì người thân giục: “Chuẩn bị đi học, nhanh lên kẻo trễ. Để người giúp việc xếp cho”…
Một trường hợp khác xảy ra ở chương trình “3 giờ khác biệt” diễn ra vào giữa tháng 10/2013 tại TP.HCM. Trong khóa học này, các học viên cùng nhau trải nghiệm lòng nhân ái qua những việc làm cụ thể, có khi chỉ là cột bịch nước tương bỏ vào suất cơm cho người nghèo. Vậy mà, có những phụ huynh không tin con mình làm được những điều đó, nên đã không cho tham gia.
Chị Nguyễn Lê Hoàng Quỳnh, chuyên viên tư vấn thuộc Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình (thuộc T.Ư Hội LHTN Việt Nam), nhìn nhận: “Trước đây, tôi cũng nghĩ rằng mấy đứa nhỏ không biết gì. Nhưng sau này, tôi nhận thấy nhiều em biết nhưng không làm những chuyện đó trong mái nhà của mình, vì đã có người khác làm thay”.
Còn anh Phan Thành Hổ, cán bộ đào tạo Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam, cho rằng tự lập là một trong những yếu tố rất quan trọng để trẻ hoàn thiện nhân cách. Các em không thể lớn nếu cha mẹ không nỗ lực giúp con trưởng thành.
Là người mẹ đang có con tuổi mới lớn, chị Phùng Thị Xuân Hòa (ở P.10, Q.Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi muốn tập cho con mình tự lực, làm việc theo khả năng của nó như nấu cơm, quét nhà, lau dọn. Thỉnh thoảng, tôi còn được thưởng thức những món ăn do cháu tự làm theo cách của nó”. Chị Hòa quan niệm: “Nếu mình ủ con quá kỹ, ra đời nó sẽ thấy không bằng người ta”.
Theo Như Lịch
Thanh Niên