Những chuyện 'kỳ lạ' ở huyện Krông Pắk

0:00 / 0:00
0:00
UBND huyện Krông Pắk cấp sổ đỏ cho cá nhân trên phần đất quy hoạch là đất công cộng
UBND huyện Krông Pắk cấp sổ đỏ cho cá nhân trên phần đất quy hoạch là đất công cộng
TPO - Tham mưu sai cho UBND huyện cấp hàng nghìn mét vuông (m2) đất công cho cá nhân trái quy định; "nắn" dự án đường vào nhà quan chức; thay đổi dữ liệu xây hồ thủy lợi làm thất thoát tiền tỷ cho ngân sách… Đó là những chuyện "kỳ lạ" đã và đang xảy ra tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk). 

Cấp sổ đỏ trên đất công viên cây xanh

Trao đổi với PV Tiền Phong qua điện thoại, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, Đắk Lắk cho biết, huyện đang tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan đến các sai phạm tại Kết luận Thanh tra số 304 của Đoàn Thanh tra số 3851.

Theo đó, kết luận này liên quan đến trách nhiệm của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện (TN&MT) trong việc tham mưu cho UBND huyện Krông Pắk cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), chuyển mục đích sử dụng đất từ 2015-2020 đã để xảy ra nhiều sai phạm.

Những chuyện 'kỳ lạ' ở huyện Krông Pắk ảnh 1
Sau khi được cấp đất trái quy định, bà Kha đã xây dựng hàng loạt công trình kiên cố

Theo Thanh tra, năm 2014, Huyện ủy Krông Pắk ban hành kết luận về việc đồng ý chủ trương để bà Lê Thị Tố Kha (trú tại thị trấn Phước An) thuê mặt bằng hơn 4.700m2 đất ở thị trấn Phước An để kinh doanh nhà hàng, tiệc cưới, cà phê… Thế nhưng, Phòng TN&MT lại tham mưu cho UBND huyện cấp cho bà Kha 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thời hạn thuê đất 50 năm và trả tiền thuê đất hàng năm (12.700 đồng/m2/năm). Bà Kha đã xây dựng các công trình kiên cố lên phần đất này. Theo đánh giá của giới bất động sản, vị trí đất này nằm ở hồ Phước An, thuộc vị trí đất "vàng" ở địa phương.

Những chuyện 'kỳ lạ' ở huyện Krông Pắk ảnh 2

Sau khi được cấp sổ đỏ trên nền đất quy hoạch làm công viên, bà Kha đã xây dựng nhà hàng tiệc cưới

Kết luận số 304 khẳng định, khu vực đất cho cá nhân trên thuê nằm trong quyết định quy hoạch Công viên trung tâm hồ Tân An; việc cho thuê đất này vi phạm chế độ sử dụng đất. Kiểm tra hồ sơ liên quan, cơ quan chức năng còn phát hiện, khi cho cá nhân thuê đất công viên trên không có văn bản thẩm định nhu cầu cho thuê đất; không lập hồ sơ tài sản đấu giá, không xây dựng phương án đấu giá, quyết định đấu giá…; thực hiện không đúng kết luận của Huyện ủy và UBND huyện chỉ cho thuê mặt bằng kinh doanh, thực tế lại tham mưu thành cho thuê quyền sử dụng đất.

Trên cơ sở này, Thanh tra kiến nghị UBND huyện Krông Pắk ban hành quyết định thu hồi GCNQSDĐ đã cấp và hủy bỏ các quyết định cho thuê đất đối với bà Lê Thị Tố Kha; kiểm điểm trách nhiệm của Phòng Tài chính và Kế hoạch; yêu cầu Phòng TN&MT thực hiện đúng nhiệm vụ của đơn vị trong việc tham mưu cho UBND huyện về công tác đất đai.

Thay đổi dữ liệu khi xây dựng hồ thủy lợi?

Trao đổi với Tiền Phong, một nguồn tin tại huyện Krông Pắk xác nhận, quá trình kiểm tra thực tế và dữ liệu liên quan, đơn vị đã phát hiện, các cơ quan tham mưu của UBND huyện Krông Pắk có dấu hiệu "thay đổi" dữ liệu khi xây dựng hồ thủy lợi Phước Hà (xã Ea Yông).

Những chuyện 'kỳ lạ' ở huyện Krông Pắk ảnh 3

Trong ảnh, UBND xã Ea Yông làm văn bản đề nghị cấp trên làm hồ Buôn Jung không làm hồ Phước Hà

Theo nguồn tin này, Nghị quyết 141 ngày 13/12/2014 của HĐND tỉnh Đắk Lắk thể hiện, tại huyện Krông Pắk, hồ Buôn Jung có tổng mức đầu tư khoảng 14 tỷ đồng; hồ Phước Hà chỉ 5 tỷ đồng. Hai hồ này cách nhau khoảng 7km. Trong đó, hồ Buôn Jung có trữ lượng nước tưới khoảng 200ha; còn hồ Phước Hà khoảng 60ha.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Lắk xác định (năm 2018), việc đầu tư hồ Buôn Jung là cần thiết và được UBND tỉnh phê duyệt triển khai dự án, có tổng mức đầu tư gần 13 tỷ đồng. Điều đáng nói, UBND huyện Krông Pắk đã sử dụng kinh phí này để làm hồ Phước Hà. “Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng thể hiện số liệu này. Hồ Phước Hà chỉ có 1, không thể có khái niệm 2 hồ này là 1”, nguồn tin này cho hay.

Vị này thông tin thêm, ngay cả UBND xã Ea Yông, đơn vị trực tiếp sử dụng công trình cũng có văn bản đề nghị UBND huyện Krông Pắk làm hồ thủy lợi Buôn Jung, vì hồ Phước Hà có trữ lượng nước ít, phụ thuộc vào mùa mưa, nếu đầu tư sẽ không hiệu quả.

Trước đó, Tiền Phong đã có nhiều bài viết phản ánh về việc Ban Kinh tế và Xã hội, HĐND huyện Krông Pắk có báo cáo về thực trạng đầu tư ngân sách tại một số công trình ở địa bàn xã Ea Yông không phát huy hiệu quả.

Trong đó, có dự án đường giao thông nông thôn “nắn” vào rẫy nhà ông Nguyễn Văn Hà, nguyên Giám đốc BQLDA huyện Krông Pắk (nay là Phó phòng Tài chính và Kế hoạch huyện này), và Dự án nâng cấp, sửa chữa hồ Phước Hà (nêu trên).

Thu tiền sử dụng đất thiếu hơn 3,3 tỷ đồng

Kết luận Thanh tra số 304 phát hiện có 210 trường hợp nộp thiếu tiền sử dụng đất hơn 3,3 tỷ đồng. Trong đó, Chi cục thuế huyện Krông Pắk ban hành 204 thông báo nộp tiền sử dụng đất thiếu cho ngân sách với số tiền hơn 3,2 tỷ đồng; Còn lại của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện ban hành 6 phiếu chuyển thông tin địa chính không chính xác, thiếu cho ngân sách hơn 64 triệu đồng.

Thanh tra yêu cầu Chi cục Thuế huyện Krông Pắk tổ chức kiểm điểm và xử lý theo thẩm quyền đối với công chức, viên chức đã thiếu trách nhiệm trong công tác thu thiếu tiền sử dụng đất, gây hậu quả thất thu cho nhà nước. Ban hành thông báo thu bổ sung tiền sử dụng đất đối với những trường hợp thu thiếu tiền sử dụng đất như kết luận thanh tra đã chỉ ra...

MỚI - NÓNG