Mẹ đã sinh con lần nữa
Có những ca phẫu thuật mà cả bác sĩ, bệnh nhân đều rơi nước mắt, bởi giữa lằn ranh sinh tử, mới thấy hết tình người mãi đong đầy yêu thương.
Mang trong mình phần quả thận khỏe mạnh nhất của mẹ, chị Ngô Thúy Phương Thanh (27 tuổi) nghẹn ngào chia sẻ sau ca phẫu thuật ghép thận thành công: “Lúc mở mắt ra sau khi ghép, biết mẹ nằm ở phòng hồi sức tôi mừng lắm. Ngay lúc này, tôi muốn ôm mẹ thật chặt và cảm ơn mẹ đã sinh ra tôi thêm một lần nữa”.
Hơn một năm chạy thận, chị Thanh tưởng chừng cánh cửa sự sống đã khép lại với mình, bởi những đau đớn về thể xác, tinh thần làm chị kiệt sức. Trước đó, bác sĩ Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM phát hiện chị Thanh bị suy thận giai đoạn cuối. Chị được sử dụng thuốc và chạy thận để duy trì sự sống. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết chỉ có ghép thận là phương pháp tốt nhất trong các điều trị thay thế thận bị suy giai đoạn cuối.
Thương con gái, bà P, mẹ chị Thanh xin bác sĩ lấy thận của mình để cứu con. Chia sẻ về quyết định lấy thận cho con, bà P. ngậm ngùi: “Nhìn con đau đớn vì bệnh tật, tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất là làm sao có thể cứu con. Thật may mắn khi tôi có thể hiến thận cho con. Chỉ cần con được sống khỏe mạnh, thì dù nỗi đau hay sự mất mát nào tôi cũng có thể chịu đựng được”.
Gia đình chị Thanh khó khăn, một mình mẹ phải nuôi 4 người con nên cuộc sống khá vất vả. Khi nghe bác sĩ nói chị có thể ghép thận cho sức khỏe tốt hơn, người mẹ sẵn sàng hiến thận ngay. “Tôi không nghĩ mẹ đủ can đảm để làm như vậy. Mẹ rất sợ đau, chỉ đi thử máu cũng khóc. Vậy mà lúc hai mẹ con vào phòng để ghép thận, tôi thấy mẹ tỉnh táo, lại còn động viên tôi cố lên” - chị Thanh bật khóc khi nhớ đến mẹ.
GS.TS. BS Trần Ngọc Sinh, Cố vấn chuyên môn BV Đại học Y Dược TPHCM cũng là phẫu thuật viên chính bồi hồi nhớ lại: “Người mẹ có 2 thận với chức năng bình thường, tuy nhiên thận trái có một nang nhỏ khoảng 20 mm. Theo quan điểm nhân đạo trong y học, khi người hiến thận còn sống, nên chọn lấy để ghép quả thận kém hơn về chức năng, thận có bệnh lý lành tính (như sỏi nhỏ, nang nhỏ) hoặc những bất thường nhỏ về giải phẫu học, để lại quả thận tốt nhất cho người hiến nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho họ. Do đó, chúng tôi đã khuyên người mẹ nên hiến thận trái. Tuy nhiên, bà vẫn nhiều lần trình bày nguyện vọng hiến thận phải - quả thận tốt nhất cho con”.
ThS BS. Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Trưởng khoa Nội thận - Thận nhân tạo BV Đại học Y dược TPHCM chia sẻ: “Mặc dù đã được chuẩn bị kỹ càng về mọi phương diện kỹ thuật, cơ sở vật chất, nhưng chúng tôi không khỏi hồi hộp theo dõi từng diễn tiến của ca ghép này. Xúc động trước nghĩa cử lớn lao của người mẹ cũng như mong muốn mang lại cho người bệnh chất lượng sống tốt nhất, chúng tôi luôn trăn trở, bàn bạc cùng ê-kíp sao cho cả hai mẹ con được an toàn và có chức năng thận tốt nhất có thể. Chúng tôi tự nhủ không cho phép có một sai lầm nhỏ nào”.
Ca ghép thận diễn ra vào ngày 1/6 và đã thành công. Hiện nay, sức khỏe hai mẹ con chị Thanh đều đã ổn định.
Những chuyến bay "Cải tử hoàn sinh"
Tối muộn một đêm hè ngày 13/5, khi Hà Nội đã lên đèn thì những “người vận chuyển” lại mang theo một chiếc thùng chuyên dụng, chuyên chở một mầm sống vào TPHCM. Lần này là trái tim từ một phụ nữ chết não ghép cho nam bệnh nhân B.V.P (47 tuổi) suy tim giai đoạn cuối, thoi thóp từng ngày ở BV Chợ Rẫy suốt 8 năm qua.
Anh P. là phụ hồ, vợ làm thợ may không thể kham nổi các chi phí điều trị bệnh tim vốn đắt đỏ. Đang can kiệt dần niềm tin vào sự sống, bỗng một tia sáng lóe lên khi bệnh viện thông tin về một quả tim hiến từ Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Quyết Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, dù trước đó từng phối hợp thực hiện thành công nhiều ca ghép tim nhưng ca lần này rất đặc biệt: người cho và người nhận khác giới, khác nhóm máu. “Thế nhưng giữa hai người lại có rất nhiều điểm tương thích khi bằng tuổi; quả tim cùng một hình thể, hình thái và khối lượng như nhau. Đặc biệt chiều cao, cân nặng của hai cơ thể khá tương đồng. Đó là các yếu tố rất quan trọng để êkip thực hiện ca ghép tạng thành công” - BS Tiến chia sẻ.
Theo BV Chợ Rẫy, quả tim được vận chuyển bằng máy bay từ sân bay Nội Bài đến sân bay Tân Sơn Nhất, cần được hỗ trợ của lực lượng cảnh sát giao thông để đưa đến bệnh viện kịp thời ghép cho người bệnh. Nhận thấy tình hình cấp bách, Cảnh sát giao thông lập tức thông báo đội tuần tra dẫn đoàn nhanh chóng bố trí lực lượng, phương tiện có mặt tại sân bay để hỗ trợ. Mươi phút sau, xe cấp cứu chở quả tim di chuyển thuận lợi đến BV Chợ Rẫy.
Ca phẫu thuật ghép tim xuyên Việt được các bác sĩ BV Chợ Rẫy thực hiện xuyên đêm và kết thúc vào rạng sáng 14/5.
BS Chuyên Khoa 2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết, từ 5 năm trước đơn vị đã thực hiện ghép tim. Đến thời điểm này đơn vị đã thực hiện thành công 5 ca ghép tim từ người cho chết não. Trong đó, có 4 ca đầu tiên thực hiện dưới sự hỗ trợ trực tiếp của các chuyên gia đến từ BV Việt Đức (Hà Nội). Và ca ghép tim lần này là hoàn toàn do các bác sĩ của bệnh viện đảm nhiệm, cũng là ca ghép tim đầu tiên kể từ khi đơn vị được Bộ Y tế cấp phép ghép tim từ người cho chết não.
Vài ngày sau, đêm muộn ngày 18/5, lá gan cũng từ người hiến tạng ở Hà Nội được vận chuyển bằng máy bay vào BV Đại học Y dược TPHCM. Người hiến tặng gan là một phụ nữ Hà thành không còn trẻ. Hơn một tháng qua, chị đã cùng các y bác sĩ của BV Việt Đức (Hà Nội) giành giật cuộc sống từ tay tử thần nhưng cuộc đấu tranh sinh tồn ấy không thành, mọi thứ vẫn diễn ra như sự sắp đặt của số phận. Chị rơi vào trạng thái chết não và hiến tặng gan cho một người bệnh đang chờ.
Ca ghép gan diễn ra suốt đêm tại BV Đại học Y dược TPHCM và kết thúc lúc 5h30 ngày 19/5. Ca mổ thành công ngoài mong đợi. Ở đầu Hà Nội - có một người vừa rời khỏi cuộc đời, nhưng “mầm sống” vẫn tiếp tục trong một cơ thể mới - ở TPHCM.
Để mô tạng hiến tặng được kịp đến cứu người, hãng vận chuyển đã tặng vé máy bay và xếp chỗ cho các thùng chuyên dụng đựng mô tạng, xe cảnh sát dẫn đường cho xe chở mô tạng ra sân bay và từ sân bay về bệnh viện ghép... Tất cả là để cứu sống một con người.
“Xung quanh chúng ta luôn có những ngọn đèn tỏa sáng. Trước những ngọn đèn ấy, tôi chỉ có thể xin được cúi đầu”- cán bộ của Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia chia sẻ.
Chuyến bay đưa 2 lá gan vào TPHCM được coi là “chuyến bay nhân văn” số 51. Trong 5 năm qua, đã có 51 chuyến bay chở y bác sĩ và mô tạng được hiến tặng từ Hà Nội đi TPHCM, Huế hoặc ngược lại để tái sinh một kiếp người.