Chuyên nghiệp
Vừa đặt chân qua cửa khẩu, đã thấy những bạn nữ trẻ của nước bạn đeo thẻ tình nguyện viên (TNV) và điều phối viên (ĐPV) với nụ cười tươi tắn đợi sẵn để hướng dẫn đại biểu lên các xe do phía bạn chuẩn bị. Từ đó cho đến ngày cuối cùng của Liên hoan, đội ngũ TNV và ĐPV chính là những cầu nối quan trọng giúp các đại biểu Việt Nam luôn cảm thấy thoải mái.
Với đoàn đại biểu 450 thanh niên Việt Nam đến Khâm Châu, Ban tổ chức bố trí 11 xe khách lớn và hiện đại, trên mỗi xe có 4-5 ĐPV và TNV. Điều bất ngờ nhất là hầu hết TNV đều nói tiếng Việt rất tốt. Đoàn đông người, nên việc đảm bảo giờ giấc xuất phát, không đi lạc cũng là một vấn đề nan giải. Trước khi xe chuyển bánh ở mỗi chặng hành trình, cùng với cán bộ phụ trách mỗi nhóm của Việt Nam, TNV luôn điểm danh, đếm kỹ từng người.
Hai nữ TNV trên xe số 38 là sinh viên khoa Tiếng Việt - Đại học Dân tộc Quảng Tây là Tiêu Hiểu Yến (22 tuổi) và Lãnh Hương Mai (19 tuổi). Suốt hành trình dài, Hiểu Yến và Hương Mai luôn đứng phía đầu xe cung cấp thông tin và giới thiệu chi tiết những địa điểm mà đoàn sẽ ghé thăm.
Trước khi xe đến mỗi điểm dừng chân, Yến và Mai lại đưa tận tay từng đại biểu lịch trình, danh sách bố trí chỗ ăn nghỉ tại khách sạn. Sau khi cùng các TNV khác ở các nơi đoàn dừng chân hướng dẫn đại biểu về phòng nghỉ, hai cô gái nhỏ nhắn này tiếp tục hỗ trợ cánh phóng viên việc tìm nơi có mạng internet để gửi tin bài về Việt Nam.
Sau khi các đại biểu ăn uống và nghỉ ngơi, các TNV và ĐPV mới rời vị trí để thực hiện các nhu cầu cá nhân. Nhưng gần như không thấy một nét mỏi mệt hay căng thẳng, chỉ thấy thường trực những nụ cười thân thiện. Họ cũng hòa mình vào các cuộc giao lưu văn nghệ, dù chỉ ngồi phía cuối khán đài hay túc trực bên ngoài hội trường. Hàng chục phút trước khi các chương trình kết thúc, họ đã lặng lẽ rời cuộc vui của thanh niên hai nước để sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ đại biểu lên xe, bất kể giờ giấc hay thời tiết.
Bạn gái Trần Sang Sang (27 tuổi), Trưởng nhóm TNV tại Khâm Châu, cho biết, trước khi diễn ra Liên hoan, các TNV đều được tuyển chọn và đào tạo cơ bản về cách hướng dẫn cho đại biểu, sự phối hợp với nhau trong liên lạc điều phối, sự phối hợp giữa ĐPV với các đơn vị khác như lễ tân, an ninh, hậu cần...
Tinh tế
Không chỉ hết mình với công việc, các ĐPV và TNV cũng làm mọi người bất ngờ bởi sự quan tâm tinh tế. Sau khi kết thúc Liên hoan, tối 26/11, tại khách sạn Thánh Triển ở Nam Ninh, một chiếc bánh gato lớn được các ĐPV và TNV chuẩn bị để chúc mừng sinh nhật trưởng nhóm đại biểu Việt Nam tại Khâm Châu là anh Nguyễn Ngọc Lương (Bí thư Đoàn khối các cơ quan T.Ư).
Sáng 27/11, khi đoàn đại biểu đi hướng Khâm Châu trên đường từ Nam Ninh đến cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) để về nước, thêm một lần nữa, Hương Mai, Hiểu Yến và các bạn Trung Quốc lại khiến mọi người xúc động, khi hát vang bài Happy Birth day bằng tiếng Trung để chúc mừng sinh nhật nữ đại biểu Việt Nam ngay trên xe. Khi đoàn đến cửa khẩu, trước khi chia tay, mọi người đều lưu luyến khi Hiểu Yến nói: “Em sẽ rất nhớ các bạn”.
Nam ĐPV trên xe đi Liễu Châu luôn mang đến không khí gần gũi, ấm áp cho các đại biểu. Giới thiệu về mình, bạn trẻ này dí dỏm: “Em tên là Cát Hải, 22 tuổi, sinh viên khoa Tiếng Việt, Đại học Dân tộc Quảng Tây. Mọi người hay gọi em là Nước Mắm. Các anh chị gọi tên em theo cách đó cũng được ạ”. Cả xe cười ồ tán thưởng. Mỗi lần lên xe, Cát Hải đều tổ chức giao lưu văn nghệ. Khi các đại biểu mệt, Hải lại yêu cầu người lái xe mở các bài hát về Hà Nội, về thanh niên Việt Nam khiến không khí trở nên ấm áp.
Thăm nhà bạn lúc nửa đêm
Hơn 21 giờ tối, nhóm bạn trẻ Việt Nam do anh Nguyễn Phi Long, Trưởng ban Đoàn kết tập hợp thanh niên T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam dẫn đầu, thăm nhà Bí thư Thành Đoàn thành phố Liễu Châu Triệu Đào Đào.
Trải qua hơn một ngày di chuyển từ Việt Nam sang Trung Quốc và liên tục tham gia các hoạt động giao lưu tại Liễu Châu nên nhiều thành viên khá mệt. Tuy nhiên, cuộc viếng thăm mang lại nhiều tiếng cười và tình cảm nồng ấm cho bạn trẻ hai nước.
Chuyện trò đến 23 giờ đêm, trước khi đoàn ra về, vợ chồng anh Đào mang món sủi cảo nóng hổi ra mời khách. “Món ăn này các cô gái Trung Quốc đều phải biết làm trước khi về nhà chồng. Nó có ý nghĩa là đoàn viên, may mắn”, anh Đào nói.
Tối ngày cuối cùng của Liên hoan, cánh phóng viên ở Nhà khách Trường Đảng Quảng Tây nhịn ăn tối để viết bài, nhưng không thể gửi thông tin về nước vì không có Internet. Đúng lúc đó, Vi Nhược Tường, một phóng viên Trung Quốc vào Nhà khách Trường Đảng chơi, biết sự việc đã bật wifi điện thoại cho các phóng viên Việt Nam gửi tin bài.