Vụ việc tại phường phố Huế (Hà Nội)

Những câu hỏi cần được làm sáng tỏ

Những câu hỏi cần được làm sáng tỏ
TP - Liên quan đến vụ việc Chủ tịch UBND phường Phố Huế, Hà Nội bị tố cáo đập báo vào mặt dân, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng- ông Lâm Anh Tuấn - vừa ký Kết luận số 790/KL-UBND (ngày 28/7) giải quyết đơn tố cáo của công dân. Trong đó kết luận:“Đơn tố cáo không có cơ sở kết luận”.

>> Vụ nhà 207 Phố Huế: Ai làm ngơ cho sai phạm?
>> Nhân chứng đã báo cáo Bí thư Thành ủy
>> Sở Nội vụ vào cuộc vụ 'Dân tố bị chủ tịch phường đập báo vào mặt'
>> Một nhân chứng khẳng định việc 'chủ tịch phường đập báo vào mặt dân'
>> Hà Nội: Dân tố bị chủ tịch phường đập báo vào mặt

Những câu hỏi cần được làm sáng tỏ ảnh 1
Ngôi nhà 3,5 tầng mọc lên không phép nhưng vấn đề có hay không có tiêu cực chưa được làm rõ

Kết luận này cũng được ông Lâm Anh Tuấn công bố tại giao ban báo chí thường kỳ tổ chức tại Thành ủy Hà Nội, chiều 7/8.

Báo Tiền Phong đã có quá trình theo dõi vụ việc và chuyển tải ra công luận. Dưới đây, nhóm phóng viên thời sự phân tích một số khía cạnh của Kết luận số 790.

Kết luận có đủ tính khách quan?

Các cơ quan có thẩm quyền của Thành phố Hà Nội cần làm rõ có hay không có tiêu cực của Chủ tịch UBND Phường Phố Huế và những cán bộ liên quan, kể cả cán bộ quận Hai Bà Trưng trong việc để mọc lên ngôi nhà 3,5 tầng không phép. Có như vậy, vụ việc mới được giải quyết toàn diện, khách quan, triệt để.

Kết luận 790 của quận Hai Bà Trưng cho rằng, ngoài bốn nhân chứng là nhân viên của phường, có hai nhân chứng khác (ông Quân và bà Hồng) khẳng định không có việc bà Diệp đập báo vào mặt bà Vân.

Chỉ có một nhân chứng là ông Nguyễn Văn Lộc (77 tuổi) khẳng định, đã chứng kiến việc bà Diệp đập báo vào mặt bà Vân, nhưng không đưa ra được những chi tiết khách quan. Vì vậy, không có cơ sở kết luận sự việc bà Vân đã tố cáo.

Khi ngôi nhà 3,5 tầng không phép của gia đình bà Lan Anh (nằm phía ngoài và trên lối đi của nhà bà Vân) gần hoàn thiện (đầu 5/2009), khiến gia đình bà Vân, dù không muốn, một lần nữa phải gửi đơn kêu cứu đến chính quyền. Thay vì phải thực hiện việc tổ chức cưỡng chế sai phạm theo luật định, bà Chủ tịch phường Hoàng Thị Bích Diệp lại mời hai gia đình lên hòa giải.

Đây chính là nguyên nhân trực tiếp bà Vân phải lên phường gặp bà Diệp, rồi dẫn đến sự việc ngay sau đó, theo đơn tố cáo của bà Vân là: “Sáng 8/5, sau khi bà Vân đưa báo Nhân Dân (số ngày 5/5) và đơn xin không dự họp hòa giải cho bà Diệp, bà đã bị bà Diệp đập chính tờ báo đó vào mặt".

Có lẽ, phải xuất phát từ chính nguyên nhân của việc bà Vân lên phường gặp bà Diệp thì mới lý giải  được một cách logic và khách quan sự việc.

Căn cứ theo hai bên đương sự (đơn tố cáo và giải trình của người bị tố cáo),sự việc chỉ xảy ra một trong  hai hướng sau.

Thứ nhất (như đơn bà Vân tố cáo và tường trình tại phường ngay sau việc xảy ra), bà Vân đưa đơn và tờ báo Nhân dân cho bà Diệp và xin không dự họp. Bà Diệp chỉ tay và nói với bà Vân: “Nếu không dự họp sau này có chuyện gì, gia đình chị đừng có trách”.

Bà Vân nói: “Chị dọa tôi à”. Và tích tắc sau đó, bà Diệp cầm tờ báo Nhân Dân đập vào mặt bà Vân. Lúc đó, bà Vân chỉ kịp kêu lên “bà con ơi bà chủ tịch phường đánh dân”. Còn bà Diệp thì bỏ lên gác.

Thứ hai (theo giải trình của bà Diệp và bốn cán bộ phường ghi trong biên bản làm chứng): bà Vân ra phường đưa đơn và báo Nhân Dân cho bà Diệp, sau đó chính bà Vân lăng mạ, chửi bới bà Diệp. Bà Diệp bình tĩnh, không phản ứng gì đi lên gác.

Chúng tôi cho rằng, trong kết luận như trên, UBND quận Hai Bà Trưng chưa lý giải, làm rõ những vấn đề sau: 

Thứ nhất, tại sao vào sáng 8/5, khi xảy ra vụ việc nêu trên (bà Vân chửi bới, lăng mạ bà Diệp), chỉ có 4 nhân viên phường (Hiền, Hồng, Nhạn, Hiệp) kịp lập biên bản với nhau. Họ không lập biên bản với bà Vân hoặc mời các công dân khác cùng tham gia biên bản?  

Thứ hai, tại sao cùng một lúc có cả bốn nhân viên của phường chứng kiến vụ việc. Bởi vì, nhân viên ngồi ở phòng làm việc tầng 1 được ngăn cách bằng một lớp cửa kính luôn đóng kín (chỉ có một ô nhỏ để giao dịch) nên khó có thể cả bốn cán bộ cùng nghe được một cách rõ ràng lời qua tiếng lại giữa bà Vân và bà Diệp, càng không thể nhìn thấy hành động bà Vân chỉ tay vào mặt bà Diệp (như trong biên bản mà bốn nhân viên này lập ra)?

Đồng thời, cần làm rõ biên bản do 4 nhân viên phường lập ra lúc 8h30 có trung thực hay có dấu hiệu gian lận thời gian? Vì thực tế, tại thời điểm đó sự việc chưa hề xảy ra.

Trong bản tường trình tại phường của bà Vân ghi 8h30 phút bà mới có mặt ở phường, bà Vân phải chờ đợi một thời gian nhất định, rồi sau đó mới xảy ra sự việc.

Tại sao biên bản do bốn nhân viên phường lập thì được Thanh tra quận lấy làm căn cứ mà bút tích bà Vân ghi lại tại sổ góp ý của phường sáng 8/5 (bà Vân được ông Thức, Phó Chủ tịch HĐND phường mời vào phòng tiếp dân để viết tường trình lại không?

Bỏ qua điểm then chốt

Một điểm then chốt, không thể bỏ qua trong xác minh có hay không hành vi dẫn đến vụ tố cáo này, là: Tại sao biên bản ban đầu đó không được lập? Trong khi, ngay sau đó, đích thân ông Nguyễn Chí Thức - Phó Chủ tịch HĐND phường đã mời bà Vân vào phòng tiếp dân viết tường trình vào sổ góp ý. Trong khi chính bà Diệp cho rằng, bà là người bị bà Vân đến Ủy ban phường xúc phạm danh dự, gây mất trật tự tại ủy ban sáng 8/5/2009.

Vậy vì lý do nào mà một nguyên tắc thông thường nhất: khi có sự việc mất trật tự xảy ra tại cơ quan công quyền - UBND phường Phố Huế - thì cơ quan này phải cho cán bộ tiến hành lập biên bản với người vi phạm để ghi nhận hành vi vi phạm trật tự và làm căn cứ giải quyết vụ việc, lại không được tôn trọng?

Thật lạ, chủ tịch phường bị lăng mạ, xúc phạm lại bỏ đi. Còn người đến lăng mạ chủ tịch phường lại được mời vào phòng tiếp dân để viết vào sổ góp ý của phường tố cáo bị chủ tịch đập báo, mà không bị lập biên bản!?

Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng, UBND quận Hai Bà Trưng cần làm rõ những vấn đề nêu trên, nếu không việc đưa ra kết luận sẽ khó có sức thuyết phục.

Đó là chưa kể, gia đình bà Kim Vân đã có đơn khiếu nại, trong đó đưa ra 11 luận cứ đề nghị được làm rõ, nhưng các cơ quan có trách nhiệm cũng chưa trả lời bà. Còn quận Hai Bà Trưng thì đã ban hành Kết luận 790.

Xem xét vấn đề thiếu toàn diện

Như Tiền Phong đã nhiều lần đề cập, cái gốc của vấn đề trong vụ việc này chính là ngôi nhà 3,5 tầng không phép của gia đình bà Lan Anh. Do UBND phường Phố Huế, đặc biệt là cá nhân bà Hoàng Thị Bích Diệp với vai trò chủ tịch phường đã buông lỏng quản lý, làm ngơ cho sai phạm, khiến người bị xâm hại trực tiếp (ở đây là gia đình bà Kim Vân) gây bức xúc, khiếu kiện kéo dài.

Vậy tại sao khi xác minh, kết luận vụ việc, Thanh tra và UBND quận Hai Bà Trưng lại không đả động đến việc này? Đây chính là nguyên nhân của việc bà Kim Vân phải lên phường gặp bà Hoàng Thị Bích Diệp vào sáng 8/5.

MỚI - NÓNG
Lý do Thanh Thủy mặc áo dài khi trở về Việt Nam
Lý do Thanh Thủy mặc áo dài khi trở về Việt Nam
TPO - Hoa hậu Thanh Thủy trở về nước nhà với tà áo dài đầy thướt tha. Hoa hậu chọn cho mình mẫu áo dài hồng nhạt đồng nhất với màu ngọc trai trên vương miện. Đây cũng là dịp để Hoa hậu Quốc tế 2024 quảng bá vẻ đẹp của người con gái Việt trong tà áo dài với khán giả trong nước và quốc tế.