Những câu chuyện tình của NSND Như Quỳnh

Những câu chuyện tình của NSND Như Quỳnh
TP - Một biểu tượng đẹp của Điện ảnh Việt, một giai nhân từng là niềm tự hào của dân phố cổ Hà Nội, xung quanh cô có không ít câu chuyện kiểu bán tín bán nghi, nhất là những câu chuyện liên quan đến tình yêu.

Những năm 80 của thế kỷ trước, nhà buôn Tam Kỳ trên phố Hàng Đào vốn rất nổi tiếng, một phần vì gia thế, phần kia vì nhà ấy có bốn anh con trai, anh nào cũng hào hoa phong nhã, là một sức hút lớn đối với các cô đến tuổi cập kê.

Trong bốn anh em, Nguyễn Hữu Bảo là út, sau này theo nghề nhiếp ảnh. Bảo có ngoại hình dễ nhớ nhất, người ta gọi anh là “Hoàng thân Mưxkin” vì bộ ria được chăm sóc đặc biệt rất giống nhân vật này.

Như Quỳnh quen Bảo là vì chị gái cô đã lấy anh trai của anh - nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn. Đi lại quen biết cũng lâu nhưng không ai nghĩ là người kia yêu mình vì thời gian đó Quỳnh đã có bạn trai, hơn nữa hai gia đình đã có cơi trầu chạm ngõ. Quỳnh lúc đó vẫn thuộc quân số của Đoàn Cải lương Chuông Vàng, mỗi lần đi diễn xa ở tỉnh người yêu đến thăm còn rủ Bảo đi cùng.

Cũng có thể vì cái duyên của Quỳnh và Bảo là trời định nên đám cưới của cô với người yêu đầu đời không thành. Quỳnh sốc và trầm cảm suốt một thời gian dài. Bảo vẫn qua lại thăm nom, chăm sóc mà thành yêu nhau lúc nào không hay.

Như Quỳnh kể, một trong những yếu tố hút cô đến với Bảo là vì cái tiếng “con trai Hàng Đào” thời ấy rất có giá. Bảo là người “Tây học”, gia đình anh lại có truyền thống về nghệ thuật nên phong thái, tính cách cũng khác hẳn những chàng trai đến cưa cẩm Quỳnh.

Tình yêu của Bảo và Quỳnh kết thúc trọn vẹn bằng một đám cưới linh đình vào năm 1980. Trai phố cổ nhiều người ghen với Bảo vì anh tài tử vậy, chả mất mấy công sức mà được sở hữu một bông hoa đẹp có tiếng Hà thành. Gái “con nhà” nhiều người ghen với Quỳnh vì chỉ là một diễn viên cải lương có chút tiếng tăm mà vượt qua bao nhiêu tài sắc để làm dâu nhà Tam Kỳ.

Ba anh trai của Bảo đều làm việc ở Hãng phim truyện, sau này cũng chính họ động viên Quỳnh bỏ cải lương để đi theo điện ảnh. Đó cũng là một quyết định Như Quỳnh coi là sáng suốt nhất của cô, thật tâm Quỳnh không mê cải lương, theo nghề chỉ là vì truyền thống gia đình, cô biết mình bị hạn chế về hơi nên trước sau gì thì cũng không thể đi theo nghiệp cầm ca cả đời.

Người đàn bà ngoại tình

Đạo diễn Trần Anh Hùng khá thân với gia đình Như Quỳnh, anh thích vẻ đẹp thuần Việt và cung cách dịu dàng nền nã của cô. Khi xây dựng các nhân vật cho phim “Mùa hè chiều thẳng đứng” Trần Anh Hùng đã cố ý viết Sương dành riêng cho Như Quỳnh.

Diễn đạt theo đúng ý của Trần Anh Hùng thì Sương được “đo ni đóng giầy” cho Như Quỳnh. Vẻ ngoài hai người rất giống nhau: cùng là tuýp phụ nữ của gia đình, nhuần nhã, tinh tế nhưng ẩn chứa bên trong là sự nổi loạn âm thầm.

Để chống lại cuộc sống hôn nhân tẻ nhạt, Sương đã tìm đến một tình cảm khác. Đây cũng là những cảnh nóng bạo tay đầu tiên khiến cho một diễn viên có nghề như Như Quỳnh phải bối rối.

Khi nhận vai Sương, Như Quỳnh biết cô sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực. Sự ghen tuông và cấm đoán của chồng thì không vì anh là người hiểu chuyện và hiểu nghề nhưng gánh nặng đóng phim cho người nước ngoài và làm sao để không hổ danh là một diễn viên hàng đầu thì có.

Quỳnh không ngại phải đóng cảnh nóng nhưng làm thế nào để không bị trần trụi và thô là một thách đố đối với cô. Nhân vật Sương, và cả Quỳnh nữa đều là những phụ nữ Hà Nội cổ điển, cho nên nếu có vượt rào hay phá cách thì cũng chỉ trong một chừng mực nhất định.

Rất may Trần Anh Hùng tìm ra được một cách thể hiện khá lạ: anh để cho Sương không nói câu nào trong suốt những cảnh ân ái. Cô chỉ bộc lộ tình yêu và niềm khao khát bằng cử chỉ, bằng ánh mắt.

Đóng cặp với Như Quỳnh lúc đó là Lê Tuấn Anh - một diễn viên rất có nghề với những pha tương tự, và anh chủ động dắt Quỳnh đi, cũng như người tình của Sương chủ động đối với cô.

Chính Trần Anh Hùng, chứ không phải ai khác là người nhận ra một cách rõ ràng đời sống tinh thần phức tạp và những tiềm ẩn bùng nổ ở Như Quỳnh. Trước đó, trong phim “Xích lô” anh đã không ngần ngại giao cho Quỳnh vai Bà trùm - một nhân vật xã hội đen có bàn tay bọc nhung lạnh lùng, độc ác nhưng cũng lại có lúc có những biểu hiện rất đàn bà.

Trong phim này Như Quỳnh đã bỏ rất nhiều công sức quan sát, nghiên cứu và tìm cách thể hiện sao cho ra một nhân vật anh chị trong thế giới ngầm. Những trường đoạn đầu tiên cô vẫn bị mặc cảm về vẻ ngoài hiền lành của mình nên cố gắng cau mày, nhướng mắt, nói năng gắt gỏng, tóm lại là làm cho mọi thứ cương lên như các diễn viên truyền hình của ta vẫn làm khi phải đóng vai phản diện.

Trần Anh Hùng xem xong bảo không phải thế: Quỳnh cứ diễn bình thường, hãy làm mọi thứ tĩnh lại, chậm lại và để cho sự dữ dội bên trong trở thành đối chứng, anh muốn có một Bà trùm uy quyền, lạnh lùng chứ không phải một người cố tình lên gân.

Kết quả, Bà trùm của Như Quỳnh làm tất cả những fan trước nay của cô đều ngạc nhiên, thậm chí nếu đem so sánh nhân vật ấy với vai anh chị của Lương Triều Vỹ thì cũng phải “bên tám lạng, người nửa cân”.

Như Quỳnh đã tìm được cách làm cho người ta bị ám ảnh. Con trai Bà trùm bị thần kinh, nó thích đổ sơn lên người. Và khi nó bị tai nạn chết trong vũng máu, Bà trùm biết tin lao tới, không gào, không cấu xé, không ngất, chỉ ôm xác con và chảy nước mắt: “sao con cứ thích nghịch với sơn như vậy hả?”.

Chờ đợi một tình yêu dữ đội

Các đạo diễn khi giao cho Như Quỳnh những vai thân phận đều cài vào đó những khát vọng yêu đương mãnh liệt và dấn thân được che đậy bằng vẻ ngoài nhẫn nhịn, vô can.

Đạo diễn Ngô Quang Hải cũng nói rằng anh cố tình làm đậm vai Mẹ cả trong “Chuyện của Pao” là để riêng cho Như Quỳnh. Người phụ nữ Dao không sinh được con, nhẫn nhịn sống và nuôi con của chồng với người đàn bà khác, rồi lại chứng kiến chồng mình âu yếm yêu thương người đàn bà ấy mà không một mảy may phản đối.

Chỉ có một chi tiết ghen tuông rất nhỏ mà nếu khán giả không tinh ý cũng khó nhận ra. Đó là khi Mẹ cả chải tóc, vô tình thấy cảnh chồng đang tình tứ với vợ hai thì không giấu được sự đau đớn trong khoé mắt.

Rồi bất ngờ một ngày Mẹ cả bỏ đi, với người tình năm xưa của mình, Mẹ cả đã thức tỉnh ý thức cá nhân. Tình yêu của người phụ nữ Dao ấy đã băng ra khỏi những mỏm đá tai mèo, nó bất chấp, nó xả thân và đầy mạnh mẽ.

Đến nhà Như Quỳnh, vẫn là căn gác nhỏ trong ngôi nhà cổ phố Hàng Đào, trong một không gian nội thất mang tính hoài cổ rất khó nhận ra Sương, ra Mẹ cả, ra Bà trùm.

Chị trẻ và nhẹ nhõm hơn nhiều so với những nhân vật chị đóng. Nụ cười bừng sáng của cô Nết khi xưa dường như không thay đổi. Chị an phận ở nhà làm một người phụ nữ của gia đình, đi chợ, nấu nướng và bày biện nhà cửa. Anh Bảo thích ăn cơm nhà nên vợ tha hồ trổ tài, thử nghiệm các món mới.

Hai cô con gái đã lớn cũng không làm cho chị cảm thấy “sắp bị bỏ rơi” và phải lao ra đường với bạn bè. Như Quỳnh bảo chị là người ngại giao tiếp và sợ đám đông, đi chợ ghét nhất là bị người khác nhận ra.

Không nhận lời đóng phim một cách ồ ạt, ngay cả vài năm không có vai nào chị cũng chấp nhận. Với chị, khoảng thời gian không xuất hiện ấy là để dành những vốn sống để trong phim tiếp theo chị có cái mà bày biện ra cho khán giả.

Đến cái tuổi không còn vị trí vedette trong điện ảnh nữa chị vẫn có cách lựa chọn riêng của mình, vẫn chờ đợi những vai “thân phận tình yêu” phải nhiều trắc trở, phải tương hợp rồi lại tan, phải “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”, kiểu như nhân vật nữ trong “Rừng xanh lá đỏ” của Mạc Ngôn, “được đóng vai như thế thì mới thực là sung sướng”.

MỚI - NÓNG