Gập ghềnh về quê
Điều dưỡng Lưu Hải Châu, Trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, phụ trách khu cách ly giở những hồ sơ, tập tài liệu, trong đó ghi chi chít sơ đồ rồi cho biết: “Để tìm ra manh mối địa chỉ nhà cho các bệnh nhân, tôi cẩn thận lưu lại từng chi tiết nhỏ thu thập được từ các phía (bệnh nhân, cán bộ địa phương và người nhà bệnh nhân) sau đó ráp nối, thẩm định. Nhờ đó mà từ tháng 2 năm 2020 đến nay, chúng tôi tìm được địa chỉ chính xác, nhiều người được người thân đón về”.
Nói đoạn, điều dưỡng Châu dẫn chúng tôi đến gặp một người bệnh đang điều trị tại bệnh viện. Đó là phụ nữ cắt tóc ngắn, ôm đứa con trai chừng 2 tuổi, khi nhìn thấy người lạ chị nhoẻn miệng cười.
“Đây là chị Nguyễn Thị D, sinh năm 1977, quê tại Phù Lưu, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Chị D mất tích và đi sang Trung Quốc trên 20 năm nay. Ngày 23/9/2020 chị được các ngành chức năng phía bạn trao trả qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn). Khi đó, D mang theo cháu nhỏ này, ăn nói lảm nhảm, không biết họ tên mình cũng như quê quán ở đâu”. Điều dưỡng Châu giới thiệu:
Theo điều dưỡng Châu, ngày mới vào bệnh viện, gần như chị D co mình lại, khư khư ôm con và không chịu tiếp xúc với ai. “Sau 2 ngày gần gũi, nhỏ nhẹ tâm tình, tôi được D nói chuyện và cho biết có một người to lớn ở Trung Quốc căn dặn không được ăn nói lung tung, nếu không, sẽ bắt lại sang bên kia biên giới”. Điều dưỡng Châu kể.
Dần dà, từ những trí nhớ vụn vặt về quê hương bản quán và người thân mà chị D hồi phục trí nhớ, điều dưỡng Châu vội tra mạng Internet, kết hợp với những suy đoán rồi cuối cùng liên lạc được một cán bộ xã Tam Hồng (Yên Lạc, Vĩnh Phúc).
“Sau đó, tôi bắt chuyện được em gái của D tên là Nguyễn Thị L, hiện đang sinh sống ở thôn Phù Lưu, xã Tam Hồng. Gia đình xác nhận qua hình ảnh mà tôi gửi qua tin nhắn zalo, đúng là người thân của mình đã mất tích trên 20 năm qua”. Điều dưỡng Lưu Hải Châu nói.
Lưu lạc tứ phương
Theo gia đình kể lại, khoảng giữa năm 1998, Nguyễn Thị D khi đó 21 tuổi bỗng bỏ nhà ra đi. Sau đó, D có điện thoại về, nói là được một người đàn ông rủ đi chơi. Sau đó khi D sinh được con trai kháu khỉnh gần 1 tuổi thì bị chồng hờ bắt cóc. Cô sốc nặng, trầm cảm. Kể từ khi bị thu máy điện thoại, D bặt tin với gia đình.
Điều dưỡng Châu cho biết, gần đây do được chăm sóc, điều trị nên trí nhớ của D tiến triển khá tốt.
D kể lại, khoảng mùa xuân 1999 cô được một nhóm người ép qua biên giới Việt- Trung và được gả bán cho những người Trung Quốc làm vợ. Trên hai thập kỷ qua, cô lưu lạc qua nhiều tỉnh thành của Trung Quốc. Mỗi khi cô sinh con thành công, người chồng xứ người lại ẵm trẻ sơ sinh đi rồi Duyên lại trở thành vợ của người khác. Tính đến năm 2018, cô đã sinh hạ được 5 người con gái. Khi đứa con thứ 6 này hơn một tuổi, đúng dịp dịch COVID-19, lực lượng chức năng nước sở tại truy xét, bắt người nước ngoài cư trú bất hợp pháp và cô may mắn trở về Việt Nam.
Trước khi về nước, D bị những người lạ mặt truyền dạy cho việc “không trò chuyện, không nghe ai” và sau một đêm cô gần như trở thành người vô hồn.
Hệ lụy
Điều dưỡng Lưu Hải Châu cho biết: Từ tháng 2/2020 đến nay, bệnh viện đa khoa Lạng Sơn tiếp nhận nhiều bệnh nhân nữ từ Trung Quốc được trao trả về. Trong số đó, có gần 50 bệnh nhân tâm thần hoặc có biểu hiện tâm thần (cao điểm nhất có tới 8 bệnh nhân/đợt tiếp nhận và điều trị). Khi mới vào viện, rất nhiều người tinh thần không ổn định, hay đập phá, không nhớ tên tuổi, địa chỉ quê quán…
Theo điều dưỡng Châu, qua tìm hiểu được biết, trong số các nạn nhân nữ được trả về từ Trung Quốc trước đó đa phần họ là người bị ép làm gái bán dâm, đẻ thuê hoặc bị bạo hành, có cuộc sống khổ cực. Ám ảnh nặng nề từ quá khứ khiến họ luôn sống trong sự kích động, hoảng loạn.
“Trong số này, có trường hợp bệnh nhân Phạm Thị Thu T (SN 1993, quê quán tại phường Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng) khi mới vào bệnh viện đã rất hung hãn, bất hợp tác. Cô này có tiền sử “nghiện” Facebook và sau đó có một người Trung Quốc rủ qua biên giới. Ngày 2/5/2020, T được trao trả về Việt Nam và cô đã mang thai 3 tháng đồng thời mắc chứng bệnh rối loạn tâm thần. Hễ ai đến gần là cô gào thét, đấm ngực thùm thụp, vu vạ làm cô sảy thai. Ngày 16/5/2020, gia đình đến thăm, đón về nhà, cô cũng không ý thức được đâu là mẹ cha, cũng chẳng muốn về quê”. Điều dưỡng Châu kể lại.
Một trường hợp khác thật bi kịch, thương tâm. Xin trích báo cáo của công an tỉnh Lạng Sơn: “Khoảng 11 giờ, ngày 17/5/2020, khi cháu Trịnh Thị G, sinh năm 2020, đang nằm trên giường trong phòng ngủ thì mẹ đẻ là Trịnh Thị C (SN 1987, trú tại xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) bất ngờ lấy dao nhọn trên nóc tủ lạnh rồi tiến đến đâm một nhát vào vùng bụng cháu G khiến cháu tử vong. Sau đó, mọi người trong gia đình và hàng xóm dùng dây trói chân, tay của C lại và báo công an. Nguyên nhân ban đầu nhận định, Trịnh Thị C có biểu hiện tâm thần, trầm cảm sau khi sinh. Trước đây, C bị lừa bán ra nước ngoài và có con gái với một người đàn ông Trung Quốc ở thành phố Ngọc Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc. Ngày 9/4/2020, C trở về Lạng Sơn và được chữa bệnh, cách ly tại bệnh viện đa khoa Lạng Sơn. Sau khi trở về nhà một thời gian thì án mạng đau lòng kể trên xảy ra”.
Điều dưỡng Châu cho biết: Để giảm thiểu nỗi đau cho các nạn nhân bị mua bán khi trở về địa phương thì các cấp, ngành và lực lượng chức năng cần tiếp tục tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng mua bán người để nhân dân cảnh giác, phòng tránh.
Với sự chăm sóc chu đáo, nhiệt tình của y, bác sỹ Lạng Sơn, chị D (giữa) dần hồi phục sức khỏe, trí nhớ Ảnh: Duy Chiến
“Chiều 6/10, hai người em của chị D đã đến bệnh viện đa khoa Lạng Sơn gặp mặt rồi đón người bệnh trở về quê hương Vĩnh Phúc đoàn tụ gia đình. Sau 20 năm xa cách, họ gặp lại nhau mừng, tủi không nói lên lời, còn đội ngũ y, bác sỹ chúng tôi mừng rơi nước mắt vì thêm một cánh chim lạc đã tìm được về tổ ấm”. Ðiều dưỡng Lưu Hải Châu nói.