Hơn 100 bức thư được ông Renaud Morieux, giáo sư lịch sử châu Âu tại Đại học Cambridge tình cờ phát hiện tại Cục Lưu trữ Quốc gia ở London (Anh). Bên trong, ông tìm thấy những lời nhắn mang tính cá nhân sâu sắc và thường đầy nhiệt huyết dành cho các thủy thủ, những người đã bị bắt vào năm 1758 trên một tàu chiến của Pháp trong cuộc chiến kéo dài bảy năm với Anh. “Em nóng lòng được sở hữu anh”, người vợ hải quân Anne Le Cerf đã viết cho chồng mình, anh Jean Topsent, một cụm từ có thể được dịch là “ôm chầm lấy”. Cô ký tên vào bức thư “Người vợ ngoan ngoãn của anh, Nanette”, một biệt danh đầy trìu mến. Anh Topsent, một hạ sĩ quan, bị giam ở Anh thời bấy giờ và đã không nhận được lá thư.
Hơn 100 bức thư được phát hiện tình cờ tại Cục Lưu trữ Quốc gia Anh |
Bà Marie Dubosc, một người gửi thư khác, viết cho chồng bà, ông Louis Chambrelan, trung úy của tàu chiến bị bắt: “Em có thể dành cả đêm để viết cho anh… Em mãi là người vợ chung thủy của anh. Chúc ngủ ngon, người bạn thân mến của em. Đã là nửa đêm rồi. Đã đến lúc em phải nghỉ ngơi”. Cặp đôi không bao giờ gặp lại nhau vì bà qua đời vào năm sau ở thành phố Le Havre, gần như chắc chắn là trước khi ông được trở về nước.
Những bức thư này được gửi cho đoàn thủy thủ tàu Galatée, họ đang đi từ Bordeaux (Pháp) đến Quebec (Canada) thì bị một tàu Anh bắt giữ và đưa đến thành phố Portsmouth. Cơ quan bưu chính Pháp đã cố gắng vận chuyển những bức thư từ người thân đến đoàn thủy thủ trong nhiều tháng, gửi các bản sao đến nhiều cảng ở Pháp với hy vọng bắt kịp con tàu trước khi nó khởi hành. Khi nghe tin Galatée bị bắt, họ đã chuyển những bức thư này đến đô đốc ở London để chúng có thể được chuyển đến tay các tù nhân. Tuy nhiên, sau khi xác định rằng những bức thư không có giá trị quân sự, chính quyền Anh đã cất chúng vào kho lưu trữ, nơi chúng đã bị lãng quên trong nhiều thế kỷ cho đến khi giáo sư Morieux tình cờ phát hiện ra.
“Tôi để ý đến chiếc hộp đơn giản vì trí tò mò. Có ba chồng thư được buộc lại với nhau bằng dây ruy băng. Những bức thư rất nhỏ và được dán kín nên tôi đã hỏi người lưu trữ liệu tôi có thể mở chúng ra không. Tôi nhận ra mình là người đầu tiên đọc những lời nhắn rất riêng tư này kể từ khi chúng được viết ra. Những người nhận đã không có được cơ hội đó. Đó là một trải nghiệm rất xúc động”, giáo sư Morieux kể lại.
Cũng như những câu chuyện tình giữa những người yêu, kho lưu trữ cung cấp một góc nhìn hiếm hoi về các mối quan hệ gia đình, đôi khi căng thẳng trong thời chiến tranh. Mẹ của một thủy thủ trẻ, anh Nicolas Quesnel đã viết thư để phàn nàn rằng anh viết cho vị hôn thê của mình nhiều hơn cả cho bà. “Hãy gửi lời khen của mẹ tới Varin (một người bạn cùng tàu). Chỉ có vợ anh ấy mới cho mẹ biết tin tức của con”, bà viết. Gói hàng còn có một lá thư từ cô Marianne, vợ chưa cưới của anh Quesnel, yêu cầu anh gửi một bức thư cho mẹ mình và đừng đặt cô vào tình thế khó xử. Sau đó, cô viết: “Mây đen đã bay đi, lá thư mẹ nhận được từ anh khiến không khí nhẹ nhõm hơn nhiều”.
Giáo sư Morieux, người thực hiện nghiên cứu phả hệ của các thủy thủ, đã phát hiện ra anh Quesnel đã sống sót sau khi bị giam cầm ở Anh, để rồi anh đã gia nhập đoàn thủy thủ của một con tàu nô lệ xuyên Đại Tây Dương vào những năm 1760.
Với 59% số lá thư được viết bởi phụ nữ, ông Morieux cho biết chúng “phá vỡ quan niệm lỗi thời rằng chiến tranh chỉ dành cho nam giới. Trong khi đàn ông đi vắng, phụ nữ điều hành kinh tế gia đình và đưa ra các quyết định kinh tế và chính trị quan trọng”.
“Những bức thư này nói lên những trải nghiệm chung của con người, chúng không chỉ có ở Pháp hay trong thế kỷ 18. Chúng tiết lộ cách tất cả chúng ta đương đầu với những thử thách lớn trong cuộc sống”, ông nói thêm.