Những bộ phim hai phút

Những bộ phim hai phút
TP - Đến Việt Nam vào tháng 8/2013, Harun Farocki - một trong những nhà làm phim tài liệu quan trọng nhất của Đức và thế giới đã hướng dẫn một workshop để làm những phim dài… hai phút khá thú vị.

> Khởi động Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 33
> Giới trẻ ‘làm mới’ điện ảnh

Đạo diễn Harun Farocki (thứ tư từ phải, hàng đứng) và các thành viên tham gia workshop
Đạo diễn Harun Farocki (thứ tư từ phải, hàng đứng) và các thành viên tham gia workshop.

Đây là một workshop kéo dài 2 tuần trong khuôn khổ dự án “Labour in a single shot” (Lao động trong một cú máy) tại Hà Nội. Workshop quy tụ những nhà làm phim nhiều kinh nghiệm và nghệ sĩ thử nghiệm tại Việt Nam. Đạo diễn Harun Farocki cho biết, Hà Nội là một trong 15 thành phố trên thế giới mà dự án đặt chân tới. Dự án sẽ kết thúc vào mùa đông năm 2014 với hai triển lãm tại Berlin (Đức) và Boston (Mỹ).

Hai phút cũng là phim

“Lao động trong một cú máy” là những câu chuyện về công việc lao động được quay trong một cú máy liên tục với thời lượng khoảng 2 phút. Kể câu chuyện 2 phút bằng hình ảnh, máy quay có thể tĩnh hoặc chuyển động, nguyên tắc là không được phép cắt dựng.

Cách thức làm phim này gợi nhắc đến những thước phim tài liệu đầu tiên đã thành bất tử trong lịch sử điện ảnh, “Công nhân rời nhà máy” của anh em nhà Lumiére tái hiện nhịp lao động, nhịp sống của những người thợ ở Lyon (Pháp).

Với bộ phim 2 phút của mình, nhà làm phim Mai Trung Kiên đã quay cả trăm cú máy để chọn lấy cú máy ưng ý nhất. Anh cho biết, chỉ người trong cuộc mới hiểu khó như thế nào để kể một câu chuyện trong khoảng thời gian ngắn như thế.

Cùng chung tâm sự đó, nhà làm phim Nguyễn Lan Anh cho biết thêm: “ Khó vô cùng. Trước đó, mình không tưởng tượng được sẽ quay như thế nào. Hai phút mà phải kể một câu chuyện có mở đầu, có diễn biến, có kết thúc, không được ngắt máy, không được dàn dựng. Nhưng câu chuyện đó lại phải có gì đó đặc sắc”.

Hướng dẫn workshop, đạo diễn Harun Farocki nhấn mạnh: “Lao động trong một cú máy quay, điều đó có nghĩa là một người phải tìm điểm nhìn để có thể theo dõi kĩ lưỡng toàn bộ quá trình. Một quá trình đại diện cho những yếu tố cốt yếu của lao động”.

Hai phút để kể một chuyện phim là sự thách thức óc quan sát, khả năng nắm bắt vấn đề, sự tinh tế và nhạy cảm của tâm hồn trước hiện thực. Nhà làm phim phải biết lựa chọn điểm mở đầu và điểm kết thúc, diễn tiến của hành động, cũng như lựa chọn điểm nhìn để quyết định góc máy. Nhà làm phim Chu Kim Đức nói, chị phải có quá trình chuẩn bị kĩ lưỡng, có kế hoạch rõ ràng từ trước để có thể kể câu chuyện trong 2 phút.

Như một bức tranh thủy mặc: gợi nhiều hơn tả, hai phút phim trong một cú máy. Mai Trung Kiên cho rằng, đằng sau sự gắn kết của hình ảnh, âm thanh, ánh sáng là sự ẩn dụ. Cái ta nhìn thấy không đơn thuần chỉ là hành động.

Có mặt tại buổi chiếu tổng kết workshop với vai trò khán giả, Mai Phương (ĐH Sân Khấu và Điện ảnh Hà Nội) cho biết: “ Ở một số phim, việc xác lập điểm nhìn, góc máy, cách quay giúp tác giả tạo nên tính ẩn dụ và biểu tượng của hình ảnh”.

Hơn hai mươi phim được nghiệm thu, không phải tất cả đều thành công. Nhưng điều quan trọng là qua những cú máy liên tục ấy, bức tranh đa sắc thái về lao động của xã hội Việt Nam được tái hiện.

Phần lớn các phim lấy bối cảnh Hà Nội. Trên nền bối cảnh đó, sự bé nhỏ của người lao động trong công cuộc mưu sinh của vòng xoáy đô thị hóa được tái hiện. Họ là những người bán khoai lang trên những chiếc xe đẩy trong phim của Trần Thanh Hiên, họ là những người phụ nữ làm nghề uốn sắt trong một khu phế liệu của Phạm Trà My, là người đàn ông làm công việc chẻ củi trong phim Nguyễn Hương Mai, là người thợ rèn cần mẫn trong phim Đặng Việt Hải…

Người xem cũng phải “lao động”

Sau nửa tháng triển khai workshop, buổi chiếu tổng kết được tổ chức vào cuối tháng 8 tại Viện Goethe trong không khí thân mật, giao lưu giữa các nhà làm phim và những khán giả yêu thích bộ môn nghệ thuật thứ bảy.

Nhiều khán giả đến xem tỏ ra hào hứng. Thu Trang (cựu sinh viên Bộ môn Nghệ thuật học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) thốt lên: “Thật không thể tin nổi, 2 phút của một cú máy cũng có thể kể một
câu chuyện”.

Nguyễn Duy (ĐH Văn hóa Hà Nội): “Những cái kết của các phim trong dự án rất mở. Tôi tưởng tượng một câu chuyện khác sau những cái kết ấy”.

Tiếp cận với cái quá mới mẻ, chị Hoàng My (Khâm Thiên, Hà Nội) bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên mình xem những phim ngắn được quay trong một cú máy liên tục. Có thể do chưa quen nên mình thấy một số phim hơi khó hiểu”.

Không thiên về giải trí mà thiên về tư duy và trải nghiệm, “Lao động trong một cú máy” yêu cầu ở khán giả một lối xem không thụ động. Đạo diễn phơi bày ý đồ tư tưởng và nghệ thuật qua lựa chọn điểm nhìn, góc máy, những biểu tượng và ẩn dụ của hình ảnh kết hợp các kĩ thuật điện ảnh. Để hiểu tác phẩm, chính người xem bằng vốn sống và hiểu biết nghệ thuật cũng phải “lao động” trí óc để đào sâu và khám phá ý nghĩa đích thực của những khuôn hình chuyển động.

Chỉ được phép quay trong một cú máy và quay trong thời lượng 2 phút, rõ ràng đạo diễn Harun Farocki đã đặt ra những “giới hạn” cho sáng tạo nghệ thuật. Nhưng chính trong cái “vòng kim cô” ấy, việc người nghệ sĩ tìm ra phương thức thể hiện thích hợp lại chứng minh điều ngược lại: khả năng sáng tạo của con người là không giới hạn.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG