Nhức nhối ở 'khu đất vàng' trung tâm TP Cần Thơ

Nhức nhối ở 'khu đất vàng' trung tâm TP Cần Thơ
TP - TP Cần Thơ có cồn Cái Khế rộng 111 ha thuộc phường Cái Khế, Ninh Kiều. Nơi đây có Trung tâm Hội chợ Triển lãm, sân bóng đá, Công viên nước... nhưng cũng có có 796 hộ dân mong được hòa nhịp phát triển.

Đây là một điển hình của vấn đề có tính thời sự hiện nay khi cả nước thảo luận hoàn thiện Luật Đất đai.

Nhức nhối ở 'khu đất vàng' trung tâm TP Cần Thơ ảnh 1 Nhức nhối ở 'khu đất vàng' trung tâm TP Cần Thơ ảnh 2
Bên kia Dự án Công viên nước đang triển khai dở dang nhưng đã cho thuê mở quán bán hàng sai với quy hoạch Cùng một con đường, bên này nhà dân nhếch nhác vì bị cấm xây dựng

796 gia đình “ở lậu” và “ở tạm”

Gọi cồn Cái Khế vì hồi nào khu đất này nằm giữa sông Hậu. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, phù sa bồi lấp đã nối cồn vào đất liền, nay nó là “khu đất vàng” ở trung tâm TP Cần Thơ.

Thuở mới giải phóng có khoảng 40 gia đình sinh sống. Hiện nay theo đại tá Lê Việt Hùng, Phó giám đốc Công an TP Cần Thơ, đã có 796 gia đình với hơn 5.000 người.

Số gia đình đến sinh sống tăng nhiều từ năm 1978 đến 1995. Nhưng đến đầu năm 2007 chỉ 113 gia đình có hộ khẩu. Sau khi Luật Cư trú ra đời giữa năm 2007, địa phương ráo riết làm thì hiện cũng còn gần 200 gia đình chưa có hộ khẩu.

Cuộc sống của người dân không có hộ khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Sinh khó làm chứng sinh, chết khó làm chứng tử, học hành và lao động đều bế tắc.

Nhiều trẻ em ra đời, lớn lên muốn đi học, đi làm phải mượn hộ khẩu của gia đình khác ở nơi khác. Đó là cuộc sống “ở lậu” theo cách nói chua chát của bà con nơi đây, cuộc sống “ở lậu” đã kéo dài gần hết một đời người.

Một số gia đình nay có hộ khẩu nhưng đất vẫn chưa có sổ đỏ, cuộc sống thôi “ở lậu” nhưng vẫn “ở tạm”, không được xây dựng nhà cửa, không được mở mang làm ăn. Cũng đã mấy chục năm bà con “xin” sổ đỏ mà chưa được...

Lúc đầu, chính quyền địa phương bảo khu vực này là “đất công”, dựa vào quyết định của UBND tỉnh Hậu Giang (cũ) ký ngày xa xôi 7/11/1979, quy hoạch cồn Cái Khế làm trung tâm văn hóa.

Quyết định không rõ ràng ranh giới, không triển khai ra dân, chưa đi kèm chủ trương thu hồi đất, người ký nay còn sống bảo, lúc đó chỉ nhằm xây dựng sân bóng đá và sân bóng đá thì đã làm xong. Khi Luật Đất đai dần hoàn thiện, không có cơ sở gọi cồn Cái Khế là “đất công” thì lại vướng các quy hoạch.

Cồn Cái Khế rộng 111ha, trên đó đã triển khai nhiều dự án với tổng diện tích 87ha. Hiện có 6 dự án liên quan đến đất của dân và đang bị khiếu kiện gay gắt.

Giám đốc Sở TN-MT TP Cần Thơ Dương Bá Diện nói: “Đất chưa có sổ đỏ nhưng khi thu hồi thì các quyền lợi gắn liền với đất hợp pháp của dân vẫn được đảm bảo”.

Thực tế, các quyền lợi ấy luôn bị các chủ dự án cắt xén hoặc từ chối với lý do không có sổ đỏ. Nên bà con khao khát sổ đỏ.

Tranh cãi quanh việc cấp sổ đỏ

Hầu hết quy hoạch liên quan khiếu kiện của dân là “mù mờ”. Trước tiên về diện tích. Chẳng hạn, khu liên hợp TDTT quyết định năm 1980 là 20ha, phê duyệt năm 1995 lên 22,74ha, phê duyệt năm 1999 xuống 17,33ha.

Khu trung tâm văn hóa quyết định năm 1994 hơn 4,8ha, quyết định năm 1995 còn gần 1ha, phê duyệt năm 1999 lên 4,1ha, phê duyệt năm 2001 lại nhảy hơn 4,8ha…

Các dự án hiện đều dở dang và chủ đầu tư cũng không khẳng định được diện tích triển khai chính xác là bao nhiêu. Gíam đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ Lê Hồng Phát cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch để sớm báo cáo phê duyệt”.

Như thế, các quy hoạch ra đời từ 14 đến 28 năm trước, qua nhiều lần điều chỉnh nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng, ranh giới chưa thể xác định. Các hộ dân không được cấp sổ đỏ vì không biết quy hoạch đến đâu, sợ “không phù hợp quy hoạch”.

Hy vọng lóe lên khi Luật Đất đai năm 2003 ở Điều 29 viết: Dự án sau 3 năm không thực hiện thì phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ và công bố.

Ngày 20/9/2005, UBND TP Cần Thơ có Chỉ thị số 18 quy định: Đất chưa có quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền thì người dân được cấp sổ đỏ.

Ngày 27/12/2007, Sở TN-MT TP Cần Thơ có công văn đề nghị UBND TP Cần Thơ chỉ đạo quận Ninh Kiều cấp sổ đỏ đất cồn Cái Khế cho người dân.

Nhưng ngày 20/6/2008, UBND TP Cần Thơ lại có công văn chỉ đạo Sở TN-MT thu hồi cái công văn “hé niềm vui” kể trên. Người ký công văn là ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ, giải thích: “Chúng tôi cũng muốn cấp sổ đỏ cho dân nhưng vướng quy định”.

Giám đốc Sở TN-MT Dương Bá Diện trả lời cụ thể hơn: “Sau khi phát hành công văn ngày 27/12/2007 nêu trên, chúng tôi bị một số ban ngành phản ứng vì Điều 49 Nghị định 84 ngày 25/5/2008 của Chính phủ quy định với đất đã có quy hoạch và có chủ trương thu hồi thì không cấp sổ đỏ cho cá nhân”.

Nhưng việc quy hoạch và chủ trương thu hồi đất như vừa nêu lại rất mù mờ và kéo quá dài, không cấp sổ đỏ cho dân có trái với Luật Đất đai?

Ông Diện thở dài: “Các cơ quan đã phản ứng, chúng tôi làm sẽ bị cho là cố ý làm trái. Vả lại việc cấp sổ đỏ ở cồn Cái Khế thuộc trách nhiệm và quyền hạn của UBND quận Ninh Kiều. Hy vọng đang có cuộc lấy ý kiến để hòan thiện Luật Đất đai hiện nay, những quy định không sát với cuộc sống sẽ được điều chỉnh”.

Hai “chiến tuyến” ở cồn Cái Khế

Trong lúc đó, những đơn vị có được dự án lại tùy tiện sử dụng đất một cách không phù hợp với quy hoạch. Cả các dự án đang triển khai dở dang thì với đất đã thu hồi được, các chủ dự án đem cho thuê mướn lung tung.

Dự án Nam Vinh tự tiện chuyển đất xây dựng nhà hàng sang phân lô biệt thự để bán từng làm nóng dư luận một thời. Công viên nước Cần Thơ, Khu Liên hợp TDTT, Trung tâm Hội chợ Triển lãm… đều đem đất cho người khác thuê mở hàng loạt quán nhậu và quán cà phê “hoành tráng”, tất cả sai với quy hoạch.

Đầu năm 2008, Phòng quản lý Đô thị quận Ninh Kiều còn đem 3.248 m2 đất gần bờ kè cho Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ Địa Cầu xây dựng quán nhậu Xe Lôi Bar và cho doanh nghiệp này khai thác hơn 18.000 m2 đất dọc bờ kè trong 20 năm mà không phải đóng tiền thuê đất. Bờ kè dài 393m cặp bờ sông Hậu này do TP Cần Thơ đầu tư rất nhiều tiền và lấy nhiều đất của dân xây dựng nên.

Điển hình cho việc “tự tung tự tác trên giấy” là vụ một lô đất được cấp nhiều sổ đỏ mà hiện nay UBND TP Cần Thơ đang phải giao cho Thanh tra làm rõ để xử lý.

Ông Hoàng Khắc Hùng mua 168 m2 đất thuộc dự án khu dân cư của HTX Cao Cường, làm sổ đỏ ngày 24/10/2007 sau đó có giấy phép cất nhà. Đầu năm 2008, ông Hùng đang cất nhà thì ông Hồ Tấn Lợi đến ngăn cản.

Hóa ra ông Lợi cũng có sổ đỏ chính mảnh đất của ông Hùng. Ông Lợi mua đất từ hai người khác mà hai người này lại có sổ đỏ từ năm 2002, mua của Ban quản lý Trung tâm Thương mại Cái Khế.

Cùng một mảnh đất, HTX Cao Cường triển khai thực tế, còn Ban quản lý dự án Trung tâm Thương mại ở kế bên đem bán trên giấy nên có nhiều sổ đỏ.

Như thế, trên một khu đất, người dân sống nhiều năm, đóng thuế đầy đủ thì không được làm sổ đỏ, còn doanh nghiệp được giao dự án (dù mập mờ trên giấy) thì được làm sổ đỏ và bán mua dễ dàng.

Đây là điều nhức nhối ở cồn Cái Khế và mấy năm nay đã vô tình hình thành hai “chiến tuyến”: Một bên là những người dân bị o ép, một bên là các doanh nghiệp triển khai dự án.

Giữa các doanh nghiệp thì những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng cũng bị “vạ lây” bởi các doanh nghiệp tự tung tự tác... Còn hàng trăm hộ dân vì cuộc mưu sinh đang cố giữ đất để hy vọng cuộc sống tương lai được đảm bảo. Rốt cuộc “khu đất vàng” ở trung tâm TP Cần Thơ này hiện là một nơi nham nhở, lộn xộn, thiếu trật tự an ninh và an toàn xã hội.

Những hộ dân ở cồn Cái Khế nói với PV Tiền phong: Họ không chống lại các quy hoạch phát triển mà muốn được tham gia vào quá trình phát triển. Vấn đề đáng quan tâm chăng khi liên quan đến cuộc sống của hơn 5.000 con người?

Cần Thơ tháng 8/2008

MỚI - NÓNG