Những ngày cuối tháng 9, chạy dọc trên tuyến đường một số xã của huyện Tây Sơn (Bình Định), tầm 5 giờ chiều là bắt gặp người đi đào cây chở cây từ rừng về. Một người dân chuyên đi đào cây cho hay: “Đi đào cây rừng cũng giống như đi bắt ong, đi xa lắm tận vào trong núi sâu. Tầm 4 giờ sáng là bắt đầu đi, luồn lách mà đi chứ kiểm lâm thấy là bắt liền. Tùy theo gốc, dáng thế của cây mà có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, có cây giá đến hàng chục triệu đồng”.
Tại huyện Phù Cát, ông Phạm Lộc, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Phù Cát cho hay, tình trạng đào cây rừng về làm cảnh hết sức phức tạp, không chỉ riêng ở huyện mà cả tỉnh, như một phong trào. “Người này đào một cái cây về bán được 5 - 7 trăm ngàn, thấy vậy người khác bắt đầu đổ xô đi đào. Thời gian qua lực lượng kiểm lâm huyện cũng phối hợp với các xã tăng cường kiểm tra, xử lý để ngăn chặn”, ông Lộc nói.
Người dân cho biết, cây đào về nhỏ thì để chơi còn những cây lớn, dáng thế đẹp thì bán cho người khác. Người mua thường tìm đến tận nhà để xem và mua cây. Phóng viên tìm đến một chủ vườn cây trên địa bàn huyện Phù Cát, vườn nằm trên Quốc lộ 1, chủ vườn này cho biết, cây của vườn có đầy đủ giấy tờ, được mua lại của người dân tại các địa phương trong địa bàn tỉnh như Tây Sơn, Phù Cát… một số cây cũng được mua từ Gia Lai đưa về. “Cây được mua từ phôi, để lên một cây thành phẩm tốn rất nhiều thời gian và công sức. Cây được xuất bán ra ngoài Bắc là chủ yếu”, chủ vườn nói.
Lúng túng xử lý
Trao đổi với Tiền Phong, ông Huỳnh Ngọc Bảo, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định cho biết, tình trạng đào cây rừng về làm cây cảnh hết sức phức tạp.
“Việc đào cây rừng về làm cây cảnh hay với bất cứ mục đích gì đều làm suy giảm tài nguyên rừng, đặc biệt là nguy cơ xâm hại rừng làm cho tình trạng khai thác rừng trái phép sẽ phức tạp, gây khó khăn cho công tác bảo vệ rừng. Hành vi này được nghiêm cấm theo Luật lâm nghiệp và cũng đã có chế tài xử phạt”, ông Bảo cho biết.
“Đặc trưng của việc đào cây rừng về làm cây cảnh là họ tìm những cây có hình thù khác biệt, mà những cây này thường nằm ở vùng cao, cằn cỗi. Nếu quản lý không chặt thì ngoài việc người dân lén lút đi đào cây về làm cảnh thì có khi gặp cây gỗ lớn họ cũng cưa luôn, việc này rất nguy hiểm”. Ông Huỳnh Ngọc Bảo
Tuy nhiên, theo ông Bảo khó khăn bây giờ là việc truy xuất nguồn gốc cây vì phần lớn một số cây như bằng lăng, lộc vừng… nằm trong đất nương rẫy của người dân được nhà nước cấp sổ đỏ để giao đất sản xuất canh tác. Giờ phong trào chơi cây cảnh nở rộ thì người dân đào lên bán. Khi đào lên để mua bán với nhau thì chỉ ra xã để xác nhận. Việc xác nhận thực tế là để xác nhận đào ở đó rồi mua bán với nhau chứ thật ra không có cơ quan chức năng cấp phép việc đào cây từ nương rẫy.
“Theo Nghị định 35 về xử phạt hành vi khai thác rừng trái phép, cũng là trường hợp đào cây trên đất nương rẫy nhưng đất nương rẫy đó chưa giao cho hộ gia đình, cá nhân hay tổ chức nào mà vẫn do nhà nước quản lý thì khi phát hiện sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, khi đã giao sổ đỏ (gọi là đất sản xuất) thì không có chế tài trong nghị định này, cho nên người dân thấy có tiền thì đào bán. Tôi nắm thông tin cũng có tình trạng khai thác từ nương rẫy, rồi mua bán với nhau có xác nhận từ cấp xã. Khi kiểm lâm kiểm tra truy xuất nguồn gốc lâm sản thì họ đưa cái giấy đó ra và sổ đỏ thì mình cũng không xử lý được”, ông Bảo cho hay.
Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định: “Chi cục sẽ tham mưu cho Sở NN&PTNT có văn bản phối hợp với các địa phương, lực lượng kiểm lâm địa bàn, đặc biệt là các đơn vị được nhà nước giao quản lý rừng thường xuyên tổ chức kiểm tra rừng, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không tham gia khai thác hoặc phá rừng trái phép, trong đó có việc đào cây rừng về làm cây cảnh”, ông Bảo nói.