Như là gió...

0:00 / 0:00
0:00
Nguyễn Như Phong
Nguyễn Như Phong
TP - Quen biết cũng đã lâu, tưởng như đã mặc định hoàn cảnh cùng tính cách, nhưng người viết có tên là Nguyễn Như Phong luôn phát lộ những bất ngờ…

Bạn đọc chả lạ gì với nhà văn, đại tá Nguyễn Như Phong, nguyên Phó Tổng biên tập báo Công an Nhân dân (CAND. Cây bút đa dạng Nguyễn Như Phong từng nhiều năm can dự thâm canh ở địa hạt tiểu thuyết, phóng sự, bình luận, kịch bản điện ảnh… Và ở thể loại nào Phong cũng gặt hái ít nhiều những thành công với 3 giải thưởng về tiểu thuyết, 11 giải Báo chí quốc gia, và nhiều giải thưởng các cuộc thi Truyện ngắn, Bút ký của nhiều tờ báo.

Nhớ năm xa ấy, Như Phong rủ tôi ngược Tủa Chùa, Điện Biên. Phong đưa đến nhà ông Sùng A Vang, nguyên chủ tịch huyện và tôi được chứng kiến lắm chuyện bất ngờ.

Năm 1983, phóng viên báo Văn Nghệ - nhà văn Hoài An, bố đẻ Nguyễn Như Phong làm chuyến thực tế lên Tủa Chùa. Chủ tịch huyện Sùng A Vang kéo nhà văn Hoài An về ăn ở sinh hoạt tại nhà mình và cho người dẫn đi hầu hết các bản. Sau chuyến đi dài ngày ấy, nhà văn Hoài An có ký trên Văn Nghệ -Tủa Chùa miền đất lạ.

Nhà văn Hoài An mất đã lâu. Chợt nhớ đến một Hoài An có sừng có mỏ trong làng viết lách Hà thành. Tôi may mắn được tham dự cùng ông trong chuyến đi thực tế của cánh nhà báo Trung ương do ông Mai Thúc Lân, Chủ tịch Hà Bắc thuở ấy đích thân mời. Sau chuyến đi, còn đang lử lả vì thứ rượu chưng cất bằng sắn thì nhà văn Hoài An đã tung ra bút ký Củ sắn và con lợn ở làng Đại Lâm. Bài ký đại để nói về chu trình khép kín sắn- lợn. Những sắn xắt, lát phơi cho hoai hoai rồi xôi, nấu lên trộn men ủ thành thứ cơm rượu sắn ra sao. Thứ cơm rượu ấy nếu không pha phách với rau cỏ bèo cám làm thức ăn cho lợn thì đem cất lên. Nấu cất hệt như nấu rượu gạo vậy để ra được thứ rượu tờ tợ như rượu Vân chính hiệu. Mà rượu Vân khi đó là thứ hàng hóa rất có giá. Ngoài rượu ra, bỗng rượu hay bã rượu là thứ thức ăn tuyệt cú mèo kích thích lợn mau lớn.

Đơn giản vậy thôi nhưng từ kinh nghiệm mô hình nói đúng hơn từ điển hình của dân làng Đại Lâm đã loang nhanh khắp mấy huyện miền rừng Hà Bắc khiến phong trào chăn nuôi khởi sắc hẳn lên cái thời bao cấp ấy.

Báo phát hành và dân mình khi ấy rất chịu khó đọc báo. Thế là ầm lên bao ý kiến. Tổng biên tập Văn Nghệ, nhà văn Nguyễn Văn Bổng, tác giả Con trâu tái mặt khi nhận được công văn của trên rằng, tờ báo ông đang khuyến khích chăn nuôi cá thể phát triển tư bản và tệ hơn là đang cổ vũ cho chuyện nấu rượu lậu. Nhà văn Hoài An cười an ủi rằng cứ yên tâm. Ông lọ mọ lên lại Hà Bắc, nói khéo với ông chủ tịch Mai Thúc Lân… Chuyện rồi cũng tự dưng êm.

Trở lại bài ký Tủa Chùa miền đất lạ của nhà văn Hoài An. Vùng đất lạ xa ngái Tủa Chùa giàu sản vật tiềm năng chỉ đợi người có tâm đến khai phá!

Rồi một ngày đẹp giời, con trai nhà văn Hoài An, phóng viên trẻ Báo Công an Nguyễn Như Phong lần đầu đặt chân đến Tủa Chùa. ông Chủ tịch Vàng A Sáng chẳng biết vô tình hay hữu ý dẫn Phong sang chơi phòng giáo dục. Ông nhiệt thành giới thiệu với mấy cô giáo quê ở dưới xuôi không quên nói đây là con trai của tác giả Tủa Chùa miền đất lạ… Như Phong bật ngửa khi một cô giáo nửa thật nửa đùa rằng là do đọc bài báo của ông bố anh, bọn em mê quá… Tốt nghiệp xong 7+3 xung phong ngay lên Tây Bắc...

Nhưng thực tế một huyện vùng cao gian khó cùng chế độ giáo viên nhiều bất cập khi ấy đã khiến nhiều cô nản! Như Phong đâm đắng lòng khi một cô thổ lộ hay là anh nói với trên cho bọn em xin chuyển về xuôi với…

Bộ tuyển tập của hậu sinh Nguyễn Như Phong gồm 14 tập: 1 tập Bút ký chính trị, 2 tập phóng sự và 11 cuốn Tiểu thuyết. Trong đó có 5 cuốn được chính tác giả chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình nhiều tập như Cổ cồn trắng, Bí mật những cuộc đời; Chạy án; Đồng tiền quỷ ám và Bí mật Tam giác Vàng.

Phong đâu dám ngỏ gì ra với trên. Và gần 40 năm đã qua, đêm ấy tôi với Phong lại được ngồi với hai… bà giáo trong số giáo viên trẻ ngày ấy bám trụ với Tủa Chùa!

Sự bất ngờ mới là cái tin Phong vừa mới ngỏ cách đây ít hôm mà tôi ngờ ngợ đó là một sự kiện văn hóa vậy? Ấy là sự kiện bốn bộ tuyển tập văn xuôi của các nhà văn Nguyễn Tử Siêu, Hoài An, Nguyễn Thiên Lương và Nguyễn Như Phong do nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa mới ra mắt bạn đọc.

Bốn tác giả của bốn bộ tuyển tập tày tặn ấy lại là những người ruột thịt trong một gia đình.

Cụ Nguyễn Tử Siêu là ông ngoại của nhà văn Nguyễn Như Phong. Nhà văn Hoài An là con rể cụ Nguyễn Tử Siêu và là thân sinh Nguyễn Như Phong. Nhà văn Nguyễn Thiên Lương là con trai cụ Nguyễn Tử Siêu và là em ruột thân mẫu Nguyễn Như Phong.

Cụ Nguyễn Tử Siêu đỗ Cử nhân từng qua tam trường vào năm cuối chế độ thi cử cũ, chuyển sang thi cử bằng quốc văn. Tường Nho, Y, Lý, Số, cụ còn là thầy thuốc Đông y, viết văn và dịch sách thuốc.

Như là gió... ảnh 1

Bộ tứ tác phẩm của ông cháu, anh em, cha con

Hơn 20 cuốn sách của cụ những năm 1920 với nội dung cổ vũ lòng yêu nước, chống cường quyền ngoại xâm. “Tiếng sấm đêm đông”, “Hai Bà đánh giặc”, “Vua bà Triệu”, “Vua Bố Cái”, “Đinh Tiên Hoàng”, “Việt Thanh chiến sử”, “Trần Nguyên chiến kỷ”… Có nhiều cuốn bị thực dân Pháp và chính quyền đương thời tịch thu, cấm lưu hành, bản thân tác giả bị quản thúc ở nguyên quán. Trong thời gian bị quản thúc, ông vừa viết văn, vừa dạy học, vừa hành nghề Đông y, viết, dịch hơn 20 cuốn sách Đông y mang bút danh Nguyễn An Nhân. Tiêu biểu như các bộ: “Y học tùng thư”, “Sách thuốc trẻ em”, “Sách thuốc phụ nữ”…

Nhà văn Hoài An là một cây bút chuyên viết bút ký, phóng sự xuất sắc. Năm 1952 phóng viên báo Đại đoàn Quân Tiên phong (Sư đoàn 308), rồi là phóng viên báo Quân đội nhân dân từ 1954 đến 1960, sau đó chuyển về báo Văn nghệ cho đến lúc hưu.

Ông cuốn hút bạn đọc bởi cái duyên của một lối viết độc đáo. Không liệt kê, thống kê chi tiết mà luôn biết vượt thoát lên sự kiện đã làm nên điểm nhấn và sự níu mắt, bắt mắt người đọc.

Cây bút lính Nguyễn Thiên Lương là thứ nam của nhà văn, lương y Nguyễn Tử Siêu. Ông đi giao liên từ năm 14 tuổi, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

MỚI - NÓNG