Nhộng tằm: Bổ dưỡng nhưng dễ ngộ độc

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Natri sunfit - một loại hóa chất bảo quản mà người bán thường cho vào nhộng để nhộng có vẻ tươi ngon hơn - là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc nhộng tằm.

Nghe chị hàng xóm mách nhộng tằm vừa bổ, vừa ngon lại nhiều calci tốt cho trẻ con đang trong giai đoạn phát triển nên chị Hương Lan (ở Hoàng Mai, Hà Nội) cũng mua nhộng tằm về để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Thế nhưng đến khi ăn xong thấy con bắt đầu khó chịu, rồi xuất hiện một loạt các triệu chứng bất thường như: Bụng đau quằn quại, mẩn ngứa toàn thân, người lạnh toát, vợ chồng chị Lan mới hốt hoảng và vội đưa con đi khám.

Con chị Lan nhập viện trong tình trạng tím hết các đầu ngón chân, ngón tay và huyết áp tụt rất thấp. Bác sĩ chuẩn đoán, cháu bị ngộ độc hay dị ứng sau khi ăn nhộng tằm rang. Bác sĩ cũng cho biết trước đó, cũng có hai cháu nhỏ 5 tuổi cũng phải nhập viện sau khi ăn món này. Các bé đều có biểu hiện dị ứng, đau bụng, buồn nôn... Được bác sĩ cho dùng thuốc chống sốc, bù dịch và điện giải kịp thời mới dần hồi phục lại. Theo suy đoán của bác sĩ điều trị, nguyên nhân dẫn đến ngộ độc có thể do chị Lan đã mua phải nhộng bị lưu cữu lâu hoặc bị ngâm hóa chất cho nhộng cứng, ngon hơn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đã từng có thời điểm Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai phải tiếp nhận đến gần chục ca cấp cứu do ăn nhộng tằm trong một ngày. Bệnh nhân vào viện thường ở trong tình trạng khó thở, buồn nôn, mẩn ngứa… và theo chẩn đoán của các bác sĩ, những người này đã bị dị ứng với chất natri sunfit mà người bán nhộng dùng để bảo quản thực phẩm. May mắn là các bệnh nhân đều được điều trị kịp thời nên nhanh chóng khỏi bệnh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chỉ mua nhộng khi còn tươi

Trao đổi về vấn đề này, BS. Phạm Thu Hương – Viện Dinh dưỡng cho biết, nhộng tằm ăn ngon và bổ, tuy vậy khi dùng loại thực phẩm này chúng ta cần chú ý đề phòng chứng dị ứng và ngộ độc do nhộng tằm. Thực tế cho thấy, những trường hợp ngộ độc nhộng tằm xảy ra không ít và hằng năm các bệnh viện nước ta vẫn tiếp nhận khá nhiều trường hợp bị ngộ độc sau khi ăn nhộng tằm phải điều trị cấp cứu.

Không chỉ ở thành phố mà ngay tại các địa phương, các bệnh viện vẫn thường xuyên phải tiếp nhận những bệnh nhân bị ngộ độc do ăn nhộng tăm, có những trường hợp nặng, mẩn ngứa toàn thân, đau bụng quằn quại, buồn nôn, người lạnh toát, huyết áp tụt thấp… nếu không được cứu chữa kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Bên cạnh các trường hợp bị dị ứng với natri sunfit được tẩm ướp vào nhộng như đã nói trên thì chính bản thân nhộng tằm cũng có thể trở thành một nguy cơ nếu nó không còn tươi. Nhộng tằm nếu để lâu, ôi, hỏng thì chất đạm trong nhộng sẽ bị phân hóa, không còn giá trị dinh dưỡng và trở thành chất gây ngộ độc nếu ăn phải.

“Vì vậy, để đề phòng ngộ độc nhộng tằm, các nhà chuyên môn khuyên người tiêu dùng khi mua nhộng tằm về chế biến thức ăn cần chú ý chọn mua loại nhộng còn tươi, có nguồn gốc rõ ràng. Những người có cơ địa hay bị dị ứng càng cần thận trọng với loại thức ăn này cũng như các thực phẩm lạ khác, tốt nhất là không ăn đề phòng dị ứng với nhộng tằm và chất bảo quản Natri sunfit”, bác sĩ Hương khuyến cáo.

Cách chọn nhộng tằm an toàn

BS. Vũ Thị Thanh, Phó phòng Dinh dưỡng điều trị, Bệnh viện Bạch Mai cho hay: “Để chọn nhộng tằm còn tươi, cần lưu ý, nhộng có màu vàng ươm, bóng, thịt bên trong trắng ngà và trắng đều, các đốt trên thân không bị rời ra, liên kết không bị lỏng lẻo. Còn nhộng đã để lâu ngày sẽ đổi màu, bị thâm lại, khi bẻ ra các đốt có sự rời rạc. Ngoài ra, nhộng đã để lâu ngày thì có màu vàng nhạt hơn nhộng tươi. Về chế biến, bạn cũng nên nấu chín ngay trong ngày hoặc bảo quản trong nhiệt độ từ 0-5 độ C”.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG