Nhọc nhằn chở chữ qua sông
Cách trung tâm Hà Nội chừng hơn 50 km, xã đảo Minh Châu (Bà Vì, Hà Nội) nằm trọn trên đồi cát chơ vơ giữa sông Hồng. Sự cô lập về giao thông khiến việc đi lại giữa xã đảo và đất liền chỉ có con đường duy nhất là qua phà. Hàng ngày qua bến phà Chu Minh hàng trăm thầy cô giáo, học sinh vẫn đi lại để duy trì việc dạy và học.
Học sinh Trường THCS Minh Châu phải đi học qua phà. |
Gian nan giáo dục xã đảo
Lãnh đạo UBND xã Minh Châu cho biết, Minh Châu có hơn 1000 hộ dân và chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Sự tách biệt về giao thông khiên các mặt đời sống, kinh tế,văn hóa, xã hội… của Minh Châu còn nhiều khó khăn, tụt hậu hơn so với các xã đất liền khác của huyện Ba Vì.
Được biết, trước những năm 2000 các công trình điện - đường - trường - trạm chưa ổn định, học sinh nơi đây vẫn phải học ghép, học bù, thậm chí học cả ngày thứ bảy và chủ nhật để kịp chương trình chung.
Đến nay, hệ thống trường tiểu học, THCS đã được xây dựng đầy đủ, ổn định, khang trang hơn, huy động được hàng trăm học sinh tới trường.
Tuy nhiên, trường THPT vẫn nằm ngoài thị trấn Tây Đằng nên học sinh vẫn phải sang sông đi học.
Thầy Kiều Đức Quang – Hiệu trưởng trường Tiểu học Minh Châu - cho biết: Học sinh xã đảo về cơ bản thuần và ngoan. Song mặt bằng văn hóa, sự tiếp nhận kiến thức của các em so với học sinh các xã trên bờ chưa cao.
Về cơ sở vật chất, nhà trường có hơn 500 học sinh, với 20 phòng học. Xã có nhiều quan tâm cố gắng song cơ sở vật chất vẫn còn hạn chế nhất định. Việc huy động xã hội hóa từ phụ huynh học sinh cho trường lớp chưa đạt hiệu quả cao bởi đời sống của nhân dân xã đảo Minh Châu còn nhiều khó khăn.
Tại Trường THCS Minh Châu sát bên cạnh Trường TH Minh Châu, qua ghi nhận thực tế của phóng viên cũng cho thấy điều kiện cơ sở vật chất đang xuống cấp và cần được quan tâm đầu tư tức thời. Giáo viên và học sinh vẫn phải dạy và học trong những dãy phòng học lợp ngói cũ kĩ, bàn ghế xiêu vẹo, không đạt chuẩn.
Mặt khác, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của giáo viên, học sinh trên xã đảo Minh Châu còn cho thấy, khó khăn lớn nhất mà các thầy cô giáo và học sinh không thể khắc phục được đó chính là giao thông đi lại cách trở. Hầu hết giáo viên đang dạy trong trường TH, THCS… nhà ở bên kia sông.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Hồng đang dạy tại Trường THCS Minh Châu chia sẻ: Hàng ngày, cô phải dậy từ 5 giờ sáng, vượt qua gần chục km đường bộ, rồi mới lên phà qua sông để tới trường.
Và cũng như biết bao đồng nghiệp khác, hàng chục năm nay, để kịp chuyến phà 6h sáng cô phải dậy từ rất sớm, bởi chỉ chậm vài phút sẽ lỡ phà, và như vậy học sinh phải nghỉ học ít nhất một tiết để đợi giáo viên.
Cũng theo cô Hồng, với những giáo viên trẻ đang trong độ tuổi nuôi con nhỏ, nhà xa thì việc qua sông tới trường càng trở nên vất vả. Dậy từ tờ mờ sáng cho kịp giờ vào lớp, buổi trưa dạy xong tranh thủ qua sông về cho con bú, ăn tạm bát cơm rồi quay lại trường.
Cứ thế ngày bốn lần qua sông để dạy học và phải trả một khoản phí 5000đ/lượt. Dẫu không nhiều nhưng cộng với tiền xăng xe và so với đồng lương ít ỏi của người giáo viên thì đây cũng trở thành khoản chi đáng kể.
“Giao thông không chủ động, và đầy bất trắc, giáo viên vất vả với con đường tới trường khiến tâm lý giáo viên khi được phân công về Minh Châu không ổn định. Nhiều năm nay, số lượng không nhỏ giáo viên về xã dạy học chỉ đứng lớp trong thời gian ngắn rồi lại tìm cách chuyển vùng.
Sự biến động liên tiếp của đội ngũ giáo viên dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên, lượng giáo viên hợp đồng vẫn chiếm phần lớn, việc xây dựng, đào tạo một đội ngũ giáo viên vững nghề, hiểu trò, yêu trường, bám lớp… không dễ dàng” – Thầy Kiều Đức Quang chia sẻ.
Còn với những học sinh cấp THPT, vì trường nằm ngoài thị trấn cách sông tới 4-5km nên hàng ngày ngót 100 học sinh ngày hai buổi đợi phà đi học. Mỗi khi mưa to gió lớn, học sinh buộc phải nghỉ học để đảm bảo an toàn. Có khi vào mùa đông, sương mù dày đặc, phà không thể rời bến đúng giờ cũng khiến các em bị muộn học...
Không yêu nghề không trụ vững
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Hồng nói với chúng tôi rằng: Không yêu nghề, không thể gắn bó với giáo dục xã đảo Minh Châu. Bản thân cô Hồng đã 3 lần làm đơn xin thôi việc để làm công việc có thu nhập tốt hơn, không phải hàng ngày sang sông, đi phà…
Thế nhưng cả 3 lần cô lại tự tay xé đơn. Cứ nghĩ đến việc rời xa mái trường đã gắn bó 14 năm, hàng ngày không được gặp học sinh, không mang kiến thức đến cho những thế hệ học trò nghèo tại đây, cô lại thấy mình như có lỗi với học trò, với bản thân mình.
Quả thật, cô Hồng và những đồng nghiệp có cùng hoàn cảnh như cô nếu không yêu nghề sẽ không thể trở thành giáo viên xã đảo. Bởi bản thân cô dù đã dạy học 14 năm song vẫn thuộc diện giáo viên ngoài biên chế.
Hàng tháng sau khi trừ các khoản phải nộp, tổng thu nhập của cô chỉ vỏn vẹn còn khoảng 1,4 triệu đồng. Chồng cô Hồng cũng là giáo viên tiểu học, tổng thu nhập vợ chồng nhà giáo không cao. Ngoài giờ dạy học, vợ chồng cô vẫn phải cấy thêm 2 sào ruộng để đảm bảo cho gia đình 4 người.
Giáo dục nơi xã đảo Minh Châu cũng đặt ra nhiều thử thách với người giáo viên bởi họ gần như đơn phương trên mặt trận trồng người. Minh Châu trong những năm gần đây được biết tới như một địa bàn phức tạp về tệ nạn xã hội.
Địa bàn thuần nông, lao động dư thừa, đàn ông thanh niên trong xã không cưỡng được sức hút của công việc đào vàng kiếm lợi. Họ bỏ làng, bỏ vườn tược để vào tận Sơn La, Nghệ An, Lai Châu… mưu sinh. Có nhà giàu lên từ vàng song không ít nhà lại lụi bại bởi không ít người trong quá trình đi làm dính vào nghiện hút, thậm chí nhiễm HIV.
Cũng vì mải đi làm ăn xa nên nhiều cha mẹ bỏ lại con cái dù còn nhỏ tuổi cho ông bà, người thân. Việc học hành gần như bị buông lỏng và trăm sự nhờ nhà trường, thầy cô giáo.
Tình trạng học sinh sau kỳ nghỉ hè theo cha mẹ đi lao động, khi trở về rơi rụng hết kiến thức không tránh khỏi. Nhiều gia đình sẵn sàng cho con em bỏ học để kiếm sống. Những lúc đó, trách nhiệm lại đặt lên đôi vài những người thầy cô, phải đến tận nhà để vận động thuyết phục các em trở lại trường lớp.
So với cách đây vài năm, mọi mặt ở Minh Châu đã có nhiều biến chuyển. Nhiều nhà cao tầng đã mọc lên, những bãi ngô, bãi rau xanh ngút ngát...
Thế nhưng, ai đến với xã đảo Minh Châu không khỏi cảm thấy xót xa, lo lắng cho một vùng quê nghèo Hà Nội. Quá nhiều thách thức, khó khăn vẫn đang đòi hỏi chính quyền, người dân và cả những người giáo viên phải nỗ lực vượt qua.
Theo Ngọc Hà
Giáo dục và thời đại