(Viết dịp Hội Nhà văn 55 tuổi)
> Đặt tượng Tagore tại Bảo tàng Văn học Việt Nam
> Nhà văn Nguyễn Đắc Xuân tặng sách cho Bảo tàng Văn học
Vỏ
Nói khởi sự là chỉ việc động thổ khởi công Bảo tàng Văn học Việt Nam do Hội Nhà văn chủ quản vào năm 2002 trên diện tích 3.600m2 thuộc khu Quảng Bá, Tây Hồ.
Công trình gồm hai hạng mục chính: Bảo tàng và Trung tâm Văn hoá. Cứ như thiết kế là hai khu. Một khu 3 tầng cao 16,8 m (bảo tàng) và khu 6 tầng cao 24,9 m (Trung tâm Văn hóa).
Thế rồi qua nhiều năm dựng xây, hai hạng mục đã hoàn tất, Trung tâm văn hóa Hội Nhà văn đã được đưa vào sử dụng. Nhưng Bảo tàng thì chưa.
Một dạo ầm lên cái tin, dự kiến khai trương Bảo tàng vào tháng 6-2008 rồi lại lùi sang quý I hoặc quý II-2009. Rồi cũng chưa. Nghe đâu phải lùi lại đầu năm 2010.
Và đến tận bây giờ?
Dịp kỷ niệm Hội 55 tuổi vào ngày 19-12 này, ông chủ Hội văn thành phố Hồ Chí Minh Lê Quang Trang và một ông miền Trung, nhà văn Thái Bá Lợi, ra Hà Nội sớm nghỉ ở Trung tâm Văn hóa Hội, cái đơn nguyên áp sát nhà Bảo tàng.
Nhà thơ Lê Quang Sinh mấy năm nay là GĐ Trung tâm Văn hóa Hội (mặc dầu chẳng chính thức nhưng có lẽ cũng tiện, ông Sinh được Hội cắt cử thêm nhiệm vụ làm bảo vệ coi sóc trông nom thêm việc chỉnh trang bày biện Bảo tàng. Chúng tôi lòng vòng sải bước trong khuôn khổ lẫn khuôn viên Bảo tàng.
Nhà văn Thái Bá Lợi giải thưởng Nhà nước đợt vừa rồi bồi hồi chia sẻ trên cái nền Bảo tàng này, những năm tít xa là Nhà sáng tác Quảng Bá. Kia là chỗ dậu bên lối đi để ông Đốc Hồng (nhà văn Nguyên Hồng được phân việc trông coi Nhà sáng tác) mỗi bận lên giảng bài cho lớp nhà văn lại tất tả dựng cái Cún - chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô, phương tiện chuyên chở ông đi khắp miền Bắc.
Và kia là vị trí Tổng Bí thư Lê Duẩn, một bận dạo Tây Hồ ghé Nhà sáng tác đã ngẫu hứng thân gần lẫn xa xả trách nhà văn Xuân Thiều nhân lúc nhà văn này buột mồm nhỡ lời điều chi đó!
Có thể nói, Nhà nước đã cắn răng dành cho Hội miếng đất miếng gan miếng tiết, một vị trí đắc địa nhất nhì Hà thành, mỗi mét vuông giọt giánh Nhà Bảo tàng giá trị cỡ chục cây vàng chứ chả ít, để Hội nhà văn xây Bảo tàng.
Càng bước, càng chuyện với mấy ông nhà văn, đâm bứt rứt cái nỗi chả biết duyên do thế nào mà diện tích làm Bảo tàng đã bị xẻo, bị lấn chiếm đi kha khá? Bây giờ diện tích Bảo tàng cả khuôn viên nữa, chỉ còn gần 4.000m2? Không biết những bít rịt các biệt thự xây áp vào bảo tàng giăng kín mặt hông lẫn mặt tiền bỗng dưng làm mất đi hẳn thế đắc địa thế phong quang sáng sủa của Bảo tàng có phải dạng lấn chiếm? Vậy là đã nhỡ đã chuế khu trưng bày ngoài trời hứa hẹn tạo ra khuôn viên đẹp với các hiện vật lớn như mô hình, cảnh tích lịch sử, tượng, phù điêu... Việc tái tạo một khoảng vườn nơi chốn thôn dã của cụ Nguyễn Du.
Một “lối trúc quanh co khách vắng teo”, rồi tượng Tam nguyên Yên Đổ ngồi câu cá bên “ao thu lạnh lẽo”; tượng “Ức Trai tâm thượng” ngồi đánh cờ trên bàn đá Côn Sơn. Rồi Đồi văn học kháng chiến Việt Bắc, căn cứ Văn nghệ Giải phóng trong rừng miền Nam... chắc sẽ khó khăn lắm lắm?
Chẳng hay các đấng tiền nhiệm đã giữ khoảng thổ cư miếng gan miếng tiết này ra sao và năng động chuyển đổi những gì gì... Nhưng báo hại cho ông Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh sau này đã phải đôn đáo phải chai mặt mà thương lượng đàm phán cãi vã lẫn thống thiết này khác nên mới giữ, giành được cái diện tích mà bây giờ Trung tâm Văn hóa lẫn Nhà bảo tàng đứng chân.
Rồi tất nhiên sẽ có không ít các phàn nàn chê trách, đại loại những hình khối, những thiết kế của Nhà Bảo tàng, tính nguyên thủy thiết kế đã bị phá vỡ do nạn vây lấn nhưng trước mắt cũng cứ có cái quyền được thở phào cái đã! Dẫu muộn, Bảo tàng cũng đã xong phần vỏ! Sẽ biết mấy những rùng mình lẫn nhiêu khê khi dự án Bảo tàng Văn chương Việt đến thời điểm kinh tế suy thoái này mới bắt đầu sơ khởi?
Ruột
Đã có không ít những phàn nàn Bảo tàng Hà Nội xây hết 3.500 tỷ, khánh thành nhưng hiện vật lèo tèo. Nhưng có vẻ phần ruột của Bảo tàng văn chương lại hơi bị khác? Hiện tại đã có trên 130.000 hiện vật đang chờ được bày biện.
Chủ nhật, nhà thơ Lê Quang Sinh vẫn nhiệt tình chạy đi tìm bằng được người giữ chìa khóa và luôn miệng phàn nàn để một dịp khác vì đương bầy dang dở... Nơi trang trọng tầng I Bảo tàng chĩnh chiện rờ rỡ một thứ như bức hoành to tướng được áp được chế hẳn vào tường. Đó là câu thơ của Cụ Nguyễn Tiên Điền chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài bằng chữ Hán và Nôm.
Kể ra nhác trông cũng thuận mắt. Nhưng lẩn thẩn trộm nghĩ, đành một nhẽ câu ấy là tuyệt là hay nhưng hình như cụ nhắc cụ răn cái chuyện nhân tình thế thái chuyện lòng người thói đời? Chứ còn địa hạt văn chương, nói chi thì nói, bàn gì thì bàn, đích thị chẻ hoe ra là phải có tài cái đã! Ai đó đã nói, hơi bị nghiệt nhưng có lẽ cũng phải thôi, rằng đàn bà không có nhan sắc, nhà văn không có tài thì chuế lắm thay!
130.000 hiện vật, nghe thì xôm tụ. Nếu giăng và bày cho hết ngần ấy cũng đã chật đất đầy diện tích đương khiêm tốn của bảo tàng.
Nhưng số hiện vật ấy là những loại nào? Hình như tiến độ khai trương của Bảo tàng cứ bị lùi là do đương cấn cá chuyện hiện vật trưng bày phải đảm bảo đúng tiêu chí của một Bảo tàng văn chương? Nhớ hồi khởi công, nghe cứ chờn chợn nhưng khoái lỗ nhĩ rằng, Bảo tàng đây sẽ có chức năng biên niên, xuyên suốt 20 thế kỷ văn chương nước Nam! Rằng khách đến chiêm quan bảo tàng khi về có cảm giác thấy như thể vừa xuyên qua lịch sử văn học nước nhà vậy!
Những hiện vật được trưng bày trong bảo tàng. |
Có chi đó mong manh bởi trong 130.000 hiện vật hiện có, chiếm 80% là sách và ảnh - tác phẩm và chân dung nhà văn - và cũng chỉ tập trung ở mảng văn học hiện đại - tính từ đầu thế kỷ XX đến nay.
Những hiện vật có ý nghĩa nhất làm nên giá trị bảo tàng bởi tính riêng biệt và tính lịch sử như các loại bản thảo viết tay, vật dụng sinh hoạt và sáng tác của nhà văn thì chỉ chiếm 20%.
Trong khi đó, toàn bộ hiện vật từ cuối XIX trở về trước quá hiếm hoi. Vậy nên hết thảy chúng tôi đều sững sờ như bị hút hồn trước cái bàn gỗ sứt sẹo nghe giới thiệu là bàn viết của thi hào Nguyễn Du! Một bản Kiều cổ nhất cũng chưa thể gây hiệu ứng lớn như vậy.
Ngắm chiếc bàn cổ mà Tiên sinh họ Nguyễn Tiên Điền từng thảo những hàng hàng châu ngọc Truyện Kiều một thuở một thời, chợt nghĩ không biết người của Bảo tàng có rinh từ Hà Tĩnh ra một báu vật nữa không? Đó là chiếc khay gỗ đựng ấm, chén trà mà đại thi hào Nguyễn Du sử dụng mới đây được tìm thấy tại một nhà dân ở xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), cách Khu di tích Nguyễn Du hơn một cây số.
Rồi cũng chợt nghĩ thêm đến hai báu vật ở ngôi chùa Bồ Đà của đất Bắc Giang. Chùa Bồ Đà còn lưu giữ bộ kinh Phật cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị. Bộ kinh gồm 240 tấm ván gỗ hợp thành, khoảng 2.000 tấm. Trải qua gần 300 năm, bộ kinh hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn.
Ở đây còn lưu giữ một di vật rất thú vị của nhà văn Nguyên Hồng tại chùa, đó là một bản chép tay những quy chế của nhà chùa hồi ông trốn đời đi tu. Bộ Kinh Phật thì chả nói nhưng bản chép tay của nhà văn Nguyên Hồng thì bảo tàng đây cũng nên cất công mà rước về.
Lại tần ngần cảm khái thêm ca từ một bài hát ca trù của danh nho Phan Huy Chú viết trên tấm vải thờ của dòng họ Phan. Có vẻ hiện vật cổ nhất sau thế kỷ XIX nhõn mỗi hai vật ấy?
Giữa những bộn bề thừa thiếu này khác, nói gì thì nói, Bảo tàng vẫn có một thứ báu vật nữa na ná như thứ phi vật thể vậy! Đó là những bản trường ca, sử thi của đồng bào dân tộc ít người được ghi vào băng ghi âm qua giọng đọc của chính người bản địa.
Còn lại những hiện vật lấp lánh làm nên hệ thống văn học Hán - Nôm rực rỡ dưới các triều đại phong kiến hưng thịnh Lý - Trần - Lê? Những của báu ấy đang ở đâu? Có thể là bên ngành Hán Nôm đang phải lưu trữ theo chức phận của họ? Vậy bây giờ mượn hoặc sao y bản chính liệu có được? Rồi có thể những thứ ấy đương phải lưu lạc ở nước ngoài thông qua những ngả đường đi sứ, buôn bán, cướp bóc... Có chuyện châu về Hợp Phố thì phải cả những sự chung tay hợp lòng rất lớn của các ngành ngoại giao, thương mại trong các chuyến đi sưu tầm nước ngoài thì may ra... Mà việc ấy, tầm ấy, xin nói thẳng nói thêm là tiền ấy Hội văn bút Việt nhà ta làm sao ôm xuể?
Vậy xoay xỏa ra sao với nạn thiếu hiện vật mang tính nhân chứng trong gần 1.000 năm tồn tại và phát triển văn học viết? Có cầu toàn quá chăng, việc đợi bằng được cái ngày đẹp trời nào đó dòng chảy các hiện vật đúng tiêu chí bảo tàng lũ lượt về châu tuần ở 275 đường Âu Cơ này? Hoặc chưa có cái ta cần thì đành bằng lòng với cái ta đang có là cứ trưng cứ bày ra? Mạnh dạn mà khai trương, mà trình làng một bảo tàng với tên gọi văn chương Việt? Nan giải, nhọc nhằn và cũng khá thương thay cho những người có trách nhiệm sinh hạ Bảo tàng văn học Việt.