Nhớ Tuân Nguyễn

Nhớ Tuân Nguyễn
TP - Buổi giới thiệu sách mới Nhớ Tuân Nguyễn tổ chức ở Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 12/6 là cuộc gặp mặt tâm tình đầy cảm động tưởng nhớ một nhà thơ, một nhân cách, một số phận...
Nhớ Tuân Nguyễn ảnh 1

Độc giả trẻ bây giờ có thể không biết nhiều về Tuân Nguyễn. Mới sáng tác vài bài thơ, chưa có tập sách nào được in thì năm 31 tuổi ông đã mắc vào vòng lao lý một cách oan khiên suốt mười năm trời.

Ra tù, không nơi ăn chốn ở, công việc không có, sức khỏe kiệt quệ, Tuân Nguyễn sống trong sự yêu thương, hết lòng của bạn bè. Anh bắt đầu lại cuộc đời từ những công việc như đổ thùng, đánh vécni.

Rồi tình yêu cũng đến với con người nhân hậu, tinh tế ấy: chị Phương Thúy, con gái cụ Nguyễn Đức Phiên – Hoài Chân (nhân vật trong bức tranh Em Thúy của Trần Văn Cẩn) quyết định gá nghĩa với anh. Một chút tiền tiết kiệm của Phương Thúy cộng thêm sự giúp đỡ của bạn bè, họ có được một căn phòng 6 mét vuông gần ga Hàng Cỏ.

Bạn bè giúp từ xoong nồi, ấm chén, nhường tem phiếu cho họ. Một thời gian sau, hai vợ chồng vào Sài Gòn sinh sống. Nhờ một người học trò cũ, Tuân Nguyễn được đi dạy học, Phương Thúy mở một quầy báo.

Ngoài giờ lên lớp, Tuân Nguyễn dịch thêm sách và đi lấy báo cho vợ. Cứ nghĩ cuộc đời sẽ trả lại cho Tuân Nguyễn những gì bị mất nhưng một chiếc xe tải định mệnh đã đâm vào anh.

Vào bệnh viện, Tuân Nguyễn nhắc đi nhắc lại: Tôi có lỗi, không phải do người lái kia. Tuân Nguyễn không qua khỏi, khi ấy ông mới 50 tuổi.

GS Cao Xuân Hạo từng nói: “Khi có ai đó kêu lên: “Trời, sao mà tôi khổ thế” thì nhìn vào Tuân Nguyễn sẽ thấy mình chưa phải là người khổ”.

Cuốn sách về Tuân Nguyễn giúp nhận ra một Tuân Nguyễn trong trẻo hồn nhiên với những bài thơ phơi phới lý tưởng và niềm tin. Là một trí thức giỏi Pháp văn và mê mẩn Đốtxtôiepxki, Tuân Nguyễn cũng nhìn ra được những mặt trái của cuộc sống thực khiến ông khó thỏa hiệp. Điều đó ông ghi lại trong nhật ký, và chính cuốn nhật ký này (do một người bạn của Tuân Nguyễn công bố) đã khiến ông gặp rắc rối.

Bà Phương Thúy đến dự buổi giới thiệu sách Nhớ Tuân Nguyễn chỉ nói đôi lời cảm ơn giản dị. Nhưng ánh mắt, khuôn mặt và sự lặng lẽ của bà nói nhiều hơn. Người phụ nữ can đảm và hy sinh này đã dành cho Tuân Nguyễn những ngày tháng đầy tình yêu, khiến Tuân Nguyễn có niềm tin vào cuộc đời và sống lạc quan.

Bà Trương Thị Nguyệt, vợ nhà thơ Phan Hồi, bạn rất thân cùng tiểu đội Tuân Nguyễn đọc một bài thơ tưởng nhớ Tuân Nguyễn, giọng nghẹn ngào. Bài thơ có những câu đầy day dứt: Kéo trời xuống, lật đất lên để hỏi/Lấy gì đây đền lại kiếp nhân sinh?

Bà Nguyễn Thị Điều, vợ nhà thơ Tạ Vũ kể lại, ngày Tuân Nguyễn ra tù về Hà Nội và tìm đến nhà ông bà. Tuân Nguyễn đã không dám tìm đến nhà người bạn thân nhất là Phùng Quán vì sợ liên lụy cho bạn, chần chừ mãi mới dám đến nhà Tạ Vũ. Khi ấy là mùa hè năm 73, bà trào nước mắt vì thấy Tuân Nguyễn trông thật kinh khủng, da nhợt nhạt, phù nề, mặt nặng, chân sưng to.

Một người bạn của Tuân Nguyễn chia sẻ: “Đây là cuốn sách khiến tôi chảy nước mắt. Tuân Nguyễn là người rất giản dị, tài sản để lại không nhiều, nhưng nhân cách của anh rất lớn, trung thực, dám nói thẳng. Những lúc khổ nhất lại luôn lạc quan, chịu đựng vui vẻ”.

Tuân Nguyễn, “người phải lòng nhân loại” nhưng lại có một cuộc kết hôn chẳng yên ổn với đời. Dù sao giờ đây mưa gió cũng đã ráo tạnh, thời gian đang bù đắp lại cho ông, dù rất muộn màng...

MỚI - NÓNG