Nhớ!

Nhớ!
TPO - Còn ít giờ nữa là sang năm mới Tân Mão. Trên đất Nhật Bản xa xôi, bỗng nhiên nhớ ngày cuối năm ở quê nhà quá. Nhớ bữa cơm Tất niên với cả nhà. Nhớ không khí linh thiêng giờ khắc giao thừa. Ở đây cũng lạnh như thế, cũng món ăn ấy mà sao vẫn thấy nao nao...

> Đi chợ sắm Tết ở Sydney 

Ngày cuối năm

Thường thì 30 Tết năm nào, thành lệ, nhà mình sẽ có nem rán, canh măng, xôi, gà, thịt đông, giò chả... Chắc là cũng không khác nhiều nhà khác nhưng phần ăn Tất niên là đã bắt đầu trong chương trình Tết rồi. Ăn cơm tối xong, mấy mẹ con chuẩn bị mâm cơm cúng, bố bày lượt lại bàn thờ, đồ cúng; chuẩn bị quần áo để ra khỏi nhà, trở về xông nhà sau giao thừa.

Ngày cuối năm cũng là ngày dọn dẹp nhà cửa. Thường thì nhà mình được sơn, dọn dẹp từ giữa tháng 12 và đến Tết là "hòm hòm" hết rồi, nhưng kiểu gì cũng còn cái phải dọn. Lúc bé, dọn nhà, mình thấy mệt thế, nhưng lớn rồi thấy việc này rất vui. Mấy chị em có lúc vớ được một hộp to, mở ra tưởng có gì, hóa ra là một kho tàng THƯ TÌNH của bố và mẹ viết cho nhau, được cất giữ rất cẩn thận. Có cái dài cả 10 trang. Bố Mẹ viết cho nhau cả sau khi cưới, có các con rồi nhưng lại phải xa nhau. Tình cảm và tràn đầy yêu thương. Mấy chị em lén đọc, có thư, vừa đọc vừa khóc... (bây giờ, con mới bật mí, hy vọng bố mẹ không giận chúng con nhé). Nhớ mấy chị em quá!

Ngày cuối năm là ngày mua đào, quất. Đây là nhiệm vụ và thú vui của bố. Đi chợ hoa chọn và tranh thủ ngắm hoa luôn, thỉnh thoảng, bố rủ các con gái đi. Lúc bé, chúng con thích đi với bố, nhưng lớn rồi thì chỉ... chạy đi chơi với bạn.

Hồi mình về Việt Nam chơi, lại rủ Bố đi cùng ngắm lan, ngắm đào ở Nhật Tân, Quảng Bá (Hà Nội). Bây giờ thì hiếm chỗ đi ngắm rồi. Cứ thấy tiếc tiếc và cay cay sống mũi ...

Ngày cuối năm là ngày bận nhất nhì trong chuỗi ngày bận rộn của mẹ. Tổng kết lại xem đồ Tết còn thiếu gì, nấu nốt cái này cái kia, chuẩn bị sẵn để mấy ngày không phải làm nhiều mà đồ ăn vẫn không chán. Gà thì năm nào cũng nhiều vì ở quê gửi cho. Gạo nếp, đỗ xanh, nước mắm cũng thế...

Nhớ cái khéo léo của mẹ lúc mổ gà, bày cỗ, gói bánh chưng ... Bố bảo cái gì mẹ cũng hơn đứt các con - Rõ là nịnh mà cũng đúng nữa. Tiếc là mình không học mẹ khoản gói bánh chưng, bây giờ thì ở phương xa muốn gói mà không biết.

Giao thừa

Năm nào bố cũng tự xông nhà, sau khi đi một vòng quanh xóm(năm kia thì thành phuờng rồi). Năm nào cũng thế. Bố bảo "may mắn đầu năm thì trứớc tiên phải được quyết định bởi mình đã, rồi mới đến yếu tố khách quan". Từ đời ông cũng đã có lệ xông nhà thế rồi. Mình thấy cái triết lí đấy rất hay.

Rồi bố mừng tuổi con cái ngay sau khi xông nhà. Cả nhà bỏ cái gì đấy ra ngồi nhấm nháp rồi nói chuyện. Kể cả khi con cái còn bé lẫn khi đã lớn, có gia đình có các cháu thì vẫn vậy. Có cái là "dân số" tăng lên thôi.

Tự nhiên thèm cái không khí giao thừa phảng phất khói sương. Khói từ các nhà thắp nhang trên bàn thờ, thơm lan tỏa bay ra cả phố. Khói từ các lư hương ở đình đối diện nhà qua cái hồ con con bay lên quyện với sương bảng lảng rất đặc trưng cho buổi đêm mùa đông lành lạnh. Có cái gì trang nghiêm mà ấm áp. Thường thì đêm giao thừa rất hay có mưa xuân ẩm uớt nữa nên càng có cái gì thật đặc trưng, quánh đặc và bồi hồi.

Và mình từ hồi còn đi học, vẫn không bỏ thói quen viết vài ba dòng khai bút đầu xuân. Không làm được thơ xuân như ông nội nhưng nó thành thói quen khó bỏ.

Đêm giao thừa, thời khắc của hai năm chuyển giao, thời khắc cho người ta cảm nhận tình yêu và hạnh phúc, thời khắc quên đi những nỗi buồn, hướng đến mùa xuân mới đầy náo nức.

Chúc mừng năm mới!

Ngày 3 - 2 - 2011. Đêm Giao Thừa Xuân Tân Mão

Việt Hà
Từ Yokohama, Nhật Bản

Theo Viết
MỚI - NÓNG