Nhớ người khai mở đất PHÚ trời YÊN

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dịp ghé Phú Yên cữ xuân năm 2011, tôi may mắn được dự Lễ tế vị Thần thành hoàng tròn 400 năm trước có công khai mở đất Phú trời Yên. Vị thần thành hoàng ấy không phải thiên thần, nhân thần mà là một nhân vật lịch sử. Người đó là Lương Văn Chánh!

Dịp ấy may mắn được ngồi được hầu chuyện với nhiều nhà sử học, nhiều nhà chức việc địa phương. Vị thần thành hoàng Lương Văn Chánh từng chịu quá nhiều thua thiệt. Có cảm giác dằng dặc quá vãng, ông đã bị lịch sử bỏ quên!

Ngay cả những sử liệu được coi là tin cậy kỹ càng của nhà Nguyễn như Đại Nam nhất thống chí, Rồi Đại Nam liệt truyện cũng ghi chép sơ sài thậm chí thiếu sót về Lương Văn Chánh! Về quê quán, hình tích, công trạng…

Đại Nam tiền biên đã bỏ sót tên ông. Đại Nam liệt truyện chép phần tiểu sử của ông vỏn vẹn chỉ có 300 chữ, mặc dù biết Lương Văn Chánh là một bậc “công thần hồi quốc sơ, có công khai thác đất đai, chiêu tập dân xiêu tán, khai khẩn ruộng hoang, mở rộng biên giới công lao thật rõ rệt. Chết tặng quận công, phong phúc thần”. Đại Nam thống nhất chí ghi sai quê quán “Lương Văn Chính (Chánh) người huyện Tuy Hòa, đầu bản triều làm chỉ huy sứ, đánh được nước Chiêm Thành, thăng phụ quốc thượng tướng quân, sau làm tham tướng dinh Trấn Biên”. Có sách ghi chung chung quê Lương Văn Chánh ở… Bắc Hà!

Biết ơn các công trình của GS Trần Quốc Vượng, Nguyễn Đình Đầu, Lê Văn Lan vv… nên hậu thế biết được quê quán cũng như sự nghiệp lẫy lừng của danh nhân Lương Văn Chánh.

Trước nhất là việc xác định quê của Lương Văn Chánh.

Năm ngoái, ghé TP Hồ Chí Minh, gặp nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, nghe chuyện cụ xiết bao cảm phục công trình xiết kể mấy mươi, những lao tâm khổ tứ của cụ cùng cộng sự trong lộ trình vấn tổ tầm tông Lương Văn Chánh.

Cụ Nguyễn Đình Đầu và các cộng sự đã tìm đến dòng tộc họ Lương. Từ cuốn Gia phả Lương Văn Chánh (tập viết tay dày 89 trang, do ông Đào Chuyên, cháu ngoại đời thứ 11 của họ Lương cung cấp). Rồi tầm nã tra cứu, phân tích nhiều tài liệu như Địa bạ triều Nguyễn, tỉnh Phú Yên (NXB TPHCM, 1997) Các Tập bản đồ hành chính 64 tỉnh, thành phố Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa (NXB Bản đồ, 2005) Rồi tham khảo thêm các công văn, sắc chỉ của vua Lê, chúa Nguyễn, vua Nguyễn ban hành từ năm 1596 cho đến năm 1909, đề phong chức, sai phái, phong tặng cho Lương Văn Chánh vv…

Kể, biên ra thì dài. Cuối cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã tìm thấy cái tên xã Phượng Lịch xưa (gồm 3 thôn Phượng Ngô - Phú Lễ - Nghĩa Lập) nằm trong địa bàn của xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hóa ngày nay là chính quê gốc của Lương Văn Chánh.

Như vậy - nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu kết luận: Quận công Lương Văn Chánh có nguyên quán ở xã Phụng (cũng có âm là Phượng) Lịch - Hoằng Hóa - Thanh Hóa và trú quán ở xã Phụng Các - Tuy Hòa - Phú Yên. Phụng Lịch sau đổi ra Phụng Ngô và Phụng Các sau đổi ra Phụng Tường. Giữa nguyên quán và trú quán (coi như quê hương lúc sinh thời) của Quận công Lương Văn Chánh có nhiều mối quan hệ thân thiết, kể cả địa danh xã thôn yêu dấu”.

Không có nhiều những sử liệu về thời gian đầu người nghĩa dũng Lương Văn Chánh theo hầu chúa Nguyễn Hoàng với sứ mệnh mang gươm đi mở cõi. Nhưng phải là dũng lược thế nào Nguyễn Hoàng mới tin cậy trao quyền bính biệt phái vào trấn giữ mạn phía Nam của đất Thuận Quảng, với trọng trách: Lo việc phòng thủ đối phó với nước Chiêm Thành vào lúc ấy đã bị dồn lãnh thổ và quyền lực xuống bên kia, phía Nam đèo Cù Mông, sát với ranh giới cực Nam đất Thuận Quảng.

Ở miền đất phương Nam Cù Mông ấy, ngay từ thế kỷ thứ IV sau Công nguyên, các vương triều Chiêm Thành đã cho xây đắp một tòa thành kiên cố hoành tráng. Thành lũy ấy sát bờ Bắc sông Đà Rằng (nay thuộc thị trấn Phú Hòa của huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên). Đó là thành An Nghiệp, còn dân gian thì quen gọi là Thành Hồ.

Năm 1578, từ tòa thành này, Chiêm Thành đã đưa quan quân vượt đèo Cù Mông ra đánh phá mạn nam đất Thuận Quảng. Tin dữ báo về dinh tổng trấn Thuận Quảng và Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã lệnh cho Lương Văn Chánh đối phó.

Nhớ người khai mở đất PHÚ trời YÊN ảnh 1
Nhớ người khai mở đất PHÚ trời YÊN ảnh 2

Đền thiêng Thần thành hoàng Lương Văn Chánh ở Phú Yên

Tướng quân ngoài ải, Lương Văn Chánh chủ động bàn định kế hoạch với quân sĩ, bí mật xuất binh. Một cuộc tập kích quyết liệt thần tốc vào tòa Thành Hồ. Thành bị chiếm. Quân Chiêm bị đánh tan. Quân Lương Văn Chánh chiếm được tòa thành lợi hại này.

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng mừng lắm. Lập tức phong cho Lương Văn Chánh làm Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, tước Phù Nghĩa hầu và chính thức thăng chức làm quan trấn An Biên, huyện Tuy Viễn (nay là vùng huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định).

Danh tiếng Thượng tướng quân Lương Văn Chánh từ đó nổi như cồn. Vì thế, từ năm 1593, khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đưa lực lượng Thuận Quảng của mình ra Bắc giúp nhà Lê Trung Hưng (khi ấy Trịnh Tùng vừa đánh đuổi được "Bắc triều" nhà Mạc chạy khỏi Thăng Long) trấn dẹp dư đảng nhà Mạc, thì cũng đưa Lương Văn Chánh đi theo. Và không hổ danh "Hổ tướng Xứ Đàng Trong" khi tung hoành trên đất Bắc.

Những năm 1593, 1594, Lương Văn Chánh đã đánh những trận thắng lớn ở vùng Sơn Nam và Hải Dương. Do đó, được vua Lê Thế Tông chính thức hóa các chức tước mà họ Lương đã nhận được từ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng trước đấy tấn phong làm "Đặc tiến Phụng quốc Thượng tướng quân, Phù Nghĩa hầu", đồng thời còn gia phong cho làm Đô chỉ huy sứ.

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng còn ở lại đất Bắc cho đến năm 1600. Nhưng trước đấy, chúa đã ngầm lệnh cho viên hổ tướng họ Lương của mình trở về để gánh vác sứ mệnh trọng đại: Mở thêm cõi đất xa hơn nữa về phương Nam.

Lương Văn Chánh vâng mệnh trở về, tiếp tục làm Quan trấn An Biên, huyện Tuy Viễn. Đến năm 1597 nhận được sắc chỉ của Nguyễn Hoàng (lúc này vẫn đang ở ngoài Bắc) truyền mệnh lệnh lịch sử: Đưa dân chúng vượt đèo Cù Mông vào khai thác các miền đất ở phía Nam!

Những miền đất mới mà Lương Văn Chánh đưa dân cư vào khai thác lần lượt là: Cù Mông (vùng thị xã Sông Cầu và huyện Đồng Xuân ngày nay), Bà Đài (tức Xuân Đài về sau, chính là huyện Tuy An bây giờ), Bà Diễn (là tên gọi khác của những miền đất có sông Đà Rằng chảy qua, tức các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa, Phú Hòa cùng TP Tuy Hòa hiện nay) và cuối cùng là: Bà Niễu (từ Tuy Hòa vào qua Thạch Bi Sơn (núi Đá Bia) tới Bắc Đèo Cả (Đại Lãnh) bây giờ.

Năm 1611 chính là thời điểm Chúa Tiên Nguyễn Hoàng ra sắc lệnh: Thành lập phủ Phú Yên gồm hai huyện là Đồng Xuân và Tuy Hòa chính là tỉnh Phú Yên ngày nay!

Với Nguyễn Hoàng, vùng đất Phú Yên thật quan trọng, bởi nó liên quan trực tiếp đến sự nghiệp Nam tiến của dòng họ Nguyễn. Bản đồ giang sơn họ Nguyễn lúc này được kể từ đèo Ngang, Hoành Sơn, qua đèo Hải Vân cho đến núi Đá Bia…

… Trong bóng mát của gốc bồ đề có tuổi thọ mấy trăm năm trùm lên ngôi Đền thiêng thờ Vị thành hoàng Phú Yên Lương Văn Chánh, rờ rỡ ngữ nghĩa của đôi câu đối Huân danh thiên cổ ngưỡng/ Chính khí vạn niên phong (Danh thơm ngàn đời ngưỡng mộ/ Chính khí muôn thuở tôn vinh). Ngôi đền thiêng cũng chính là nền ngôi nhà giản dị thuở nào. Nơi ông từ giã cõi đời năm 1611 cũng chính vùng đất ông đã có công khai phá, ngay ở ngôi làng do mình lập nên hồi thế kỉ XVI – làng Phụng Các (tổng Thượng Đồng Xuân, nay là thôn Phụng Tường xã Hòa Trị huyện Phú Hòa).

Tôi nghĩ thêm đến những ngôi Đền thiêng thờ Lương Văn Chánh không chỉ ở đất Phú Yên mà xuôi mãi vào Nam mà nhiều nhất ở vùng đất Nam bộ ghi ơn nghĩa của người mở cõi.

MỚI - NÓNG