'Nhổ đinh' trên thảm

TP - Chuyện doanh nghiệp khốn khổ vì một quy định, một điều kiện kinh doanh, một thủ tục gây phiền nhiễu… không còn là chuyện mới trong kinh doanh ở Việt Nam thời gian qua

Việc Bộ Công Thương tháng 10 vừa qua chính thức bãi bỏ Thông tư 37 về kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm trong sản phẩm dệt may khiến nhiều doanh nghiệp ngành dệt may “bật khóc” vì mừng “thoát khổ”. Không mừng sao được khi nhiều điều khoản của Thông tư 37 (Bộ Công Thương ban hành năm 2015 và bãi bỏ đúng một năm sau đó), được chứng minh không chỉ trái quy định, mà còn gây khó, gây thiệt hại hàng chục triệu đồng cho mỗi lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp. Người được lợi trong thực hiện quy định kiểm tra formaldehyde hàng dệt may không ai khác chính là các tổ chức kiểm định được Bộ Công Thương chỉ định.

Việc sau Thông tư 37, Bộ Công Thương đang cân nhắc gỡ bỏ Thông tư 07 quy định dán nhãn năng lượng cũng đang được các doanh nghiệp trong ngành này chờ mong. Doanh nghiệp kêu khổ vì sau mỗi 6 tháng lại phải lóc cóc ra Trung ương làm thủ tục thử nghiệm lại để được cấp giấy chứng nhận, dán nhãn cho các sản phẩm mà doanh nghiệp đã nhập khẩu và nay muốn nhập tiếp.

Bất hợp lý ở chỗ, việc kiểm tra không chỉ kéo dài hàng tháng trời, nhiều trường hợp còn phải phá hủy luôn mẫu. Việc Bộ Công Thương chỉ định duy nhất 1 đơn vị là Quatest 1 được quyền kiểm tra động cơ điện khiến doanh nghiệp ở khu vực miền Nam, miền Trung muốn kiểm định phải “ôm” động cơ điện lên máy bay mang ra. Đáng nói, Quatest 1, sau khi tiếp nhận, chỉ thu tiền rồi lại “bán cái” cho Nhà máy động cơ Việt – Hung (ở Đông Anh – Hà Nội) thực hiện kiểm định. Ở góc độ thị trường và người tiêu dùng, thủ tục kiểm tra của Thông tư 07 bị đánh giá còn ngặt nghèo hơn cả kiểm tra an toàn ô tô nhập khẩu trong khi nếu một cái máy bơm nước không đáp ứng hiệu suất năng lượng thì nguy cơ lớn nhất là... tốn điện.

Là những người liên quan và chịu ảnh hưởng, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) từng có văn bản gửi Bộ Công Thương, Chính phủ cho rằng, Thông tư 07 ban hành năm 2012 “bổ sung” dán tem chỉ là việc “tăng phí”, tăng “quyền kiểm soát” đồng nghĩa với việc có thể dẫn tới các tiêu cực phí, nếu doanh nghiệp không muốn bị mất nhiều thời gian “bị hành” vì thủ tục. Thực tế, hiện hầu hết các hãng sản xuất thiết bị nổi tiếng trên toàn thế giới như Apple, Dells, Canon, Sony, HP, Samsung... đều áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về hiệu quả năng lượng vậy việc thêm một lần kiểm tra của một đơn vị trong nước có thật sự cần thiết? Những câu chuyện vô lý về kiểm định năng lượng này bị đánh giá đang “biến” Việt Nam thành quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới yêu cầu kiểm tra đối với từng lô hàng điện tử.

“Trên trải thảm, dưới rải đinh” là cụm từ được nhắc đến nhiều trong việc thu hút đầu tư tại Việt Nam thời gian qua. Những câu chuyện bất cập của Nghị định 109 về xuất khẩu gạo hoặc các quy định về kiểm soát phân bón, gas, khoáng sản, hóa chất, ngành rượu bia... đang bị coi là những chính sách kiểu “cài đinh lên thảm đỏ” khi doanh nghiệp phải đối mặt những thủ tục hành chính hoàn toàn có thể bãi bỏ trong thực tế.

Việc nhổ bỏ những “cái đinh” trong chính sách, xóa bỏ những lợi ích nhóm là nhiệm vụ nặng nề và không dễ thực hiện. Việc “nhổ đinh” sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động bớt khó khăn hơn. Những khó khăn vướng mắc được gỡ sẽ giúp doanh nghiệp tạo tăng trưởng cao hơn, vững chắc hơn cho nền kinh tế.