Trong hai thập kỷ qua, ngành công nghiệp Kpop đã trở thành hiện tượng văn hóa, tiếp tục trở nên phổ biến khi các nhóm như BTS và BlackPink phá vỡ mọi rào cản, gặt hái được thành công vang dội trên toàn thế giới.
Nền móng của làn sóng Hallyu
Nguồn gốc của Kpop bắt nguồn từ 1987 - một năm có nhiều thay đổi chính trị mạnh mẽ dẫn đến quá trình dân chủ hóa của Hàn Quốc. Nước này có những cải cách, nới lỏng kiểm duyệt, tác động có thể thấy rõ đối với sóng truyền hình.
Để đối phó với sự gia tăng ảnh hưởng của văn hóa phương Tây vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, các hoạt động âm nhạc bắt đầu kết hợp các yếu tố của rap, rock và jazz với âm hưởng đương đại của âm nhạc Hàn Quốc. Trước khi tự do hóa phương tiện truyền thông Hàn Quốc vào cuối những năm 1980, âm nhạc do các nhà mạng phát sóng sản xuất chủ yếu là những bản ballad chậm rãi, hoặc nhạc trot - thể loại thuộc dòng nhạc truyền thống lâu đời nhất ở Hàn Quốc.
Trào lưu nhóm nhạc thần tượng nhen nhóm từ 1995 - 1998. |
Sau năm 1987, phát thanh tại nước này mở rộng nhanh chóng, người Hàn Quốc thường xuyên tiếp xúc với nhiều thể loại âm nhạc từ nước ngoài, bao gồm cả âm nhạc đương đại của Mỹ. Nhưng vô tuyến vẫn là hình thức truyền thống, chiếm ưu thế.
Tính đến năm 1992, các mạng truyền hình quốc gia đã thâm nhập hơn 99% số hộ gia đình ở Hàn Quốc, đạt lượng người xem cao nhất vào cuối tuần, nhất là khi các cuộc thi tài năng, chương trình âm nhạc diễn ra. Những buổi biểu diễn trên truyền hình quan trọng trong việc giới thiệu các nhóm nhạc với khán giả Hàn Quốc, họ vẫn có tác động văn hóa to lớn và vẫn là nhân tố lớn nhất trong thành công của ban nhạc Hàn Quốc.
Seo Taiji and Boys được coi là nhóm nhạc đặt nền móng cho nền công nghiệp Kpop hiện đại.
Kpop hiện đại nổi lên vào những năm 1990 khi Seo Taiji and Boys phát hành ca khúc đột phá I Know, đứng đầu các bảng xếp hạng âm nhạc Hàn Quốc trong 17 tuần. Thành tích này được lưu giữ hơn 15 năm với tư cách là người giữ vị trí quán quân lâu nhất tại show âm nhạc Hàn Quốc.
Thời điểm Seo Taiji and Boys chính thức tan rã năm 1996, họ thay đổi bối cảnh biểu diễn và âm nhạc của Hàn Quốc, mở đường cho các nghệ sĩ khác thử nghiệm nhiều thể loại, phá vỡ nhiều ranh giới hơn. Các studio âm nhạc nhanh chóng tiếp quản, tạo thành hệ thống phòng thu hoàn toàn mới từ những gì còn sót lại của hệ thống phát thanh cũ.
Từ năm 1995-1998, ba công ty giải trí hùng mạnh xuất hiện: SM Entertainment (thường được gọi là SM Town) vào năm 1995, JYP Entertainment năm 1997 và YG Entertainment vào năm 1998, được thành lập bởi một trong những thành viên của Seo Taiji and Boys, Yang Hyun Suk. Những “ông lớn” này bắt đầu quá trình tạo nên các nhóm nhạc thần tượng hàng đầu.
Các nhóm nhạc Kpop thế hệ 2 khiến Kpop vươn rộng khắp châu Á. |
Nhóm nhạc thần tượng đầu tiên ở Hàn Quốc xuất hiện vào năm 1996, khi người sáng lập SM Lee Soo Man thành lập nhóm H.O.T bằng cách tập hợp năm ca sĩ và vũ công, những người đại diện cho những gì Lee So Man tin thanh thiếu niên muốn thấy từ nhóm nhạc pop hiện đại.
Âm nhạc của H.O.T pha trộn giữa New Jack Swing với pop đương đại, làm lu mờ những bản ballad chậm hơn phổ biến trong nước vào thời điểm đó. Nhóm đã thu hút được lượng lớn người theo dõi và truyền cảm hứng cho loạt các ban nhạc có phong cách tương tự, tạo văn hóa thần tượng - thuật ngữ chung cho fandom theo dõi các nghệ sĩ âm nhạc nổi tiếng (còn được gọi là Thần tượng) ở Nhật Bản và Hàn Quốc.
Cuối thập niên 1990, Kpop bùng nổ. Sau thành công của Seo Taiji and Boys, các công ty giải trí bắt đầu tuyển dụng nhiều nghệ sĩ trẻ hơn để đào tạo thần tượng chuyên sâu, nhằm đáp ứng nhu cầu về tài năng mới.
Tiềm năng đó có thể được nhìn thấy trong việc các hãng phim háo hức quảng bá các nghệ sĩ đa ngôn ngữ như BoA, người đã ra mắt công chúng ở tuổi 13 năm 2000 và nhanh chóng trở thành một trong những “mặt hàng xuất khẩu” nổi tiếng nhất của âm nhạc Hàn Quốc. Trong những năm 2000, Kpop tiếp tục phát triển với các ban nhạc như DBSK, Big Bang, Super Junior, SS501… nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình.
Cách đế chế Kpop vươn xa và mang lại doanh thu tỷ USD
Nhờ giai điệu bắt tai, vũ đạo nịnh mắt, các nhóm nhạc Kpop đánh mạnh vào thị hiếu giới trẻ châu Á, hit Gee của Girls' Generation năm 2009 là ví dụ tiêu biểu. Những bản hit quốc tế mở rộng hơn với đa dạng nhóm nhạc, đủ thể loại phong cách, đáng chú ý là Sorry Sorry (Super Junior), Haru, Haru (Big Bang), Nobody (Wonder Girls), Abracadabra (Brown Aid Girls)…
Năm 2012, Kpop có bước tiến nhảy vọt trong ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu. Psy đã lập nhiều kỷ lục chưa từng có trên các bảng xếp hạng âm nhạc và trở thành ngôi sao quốc tế với siêu hit Gangnam Style. Sau này, từ Kpop được liệt kê trong danh sách từ vựng của Từ điển tiếng Anh Oxford mang nghĩa “nhạc pop Hàn Quốc”.
Siêu hit toàn cầu mang tên Gangnam Style. |
Ngoài âm nhạc, ngành công nghiệp Kpop cũng thể hiện sự thận trọng đặc biệt trong việc thích ứng và tận dụng những tiến bộ công nghệ, phát triển mô hình kinh doanh sinh lợi cao.
Nỗ lực đầu tiên của JYP Entertainment giai đoạn năm 2009 nhằm tạo ra bước đột phá trong thị trường âm nhạc Mỹ đã thất bại.Tuy nhiên, Kpop đã phần nào mở rộng phạm vi ra khỏi các nước châu Á sang châu Âu và thậm chí cả một phần của Mỹ thông qua Internet. Theo nhà phê bình nhạc pop Kim Do Heon, sự thân thiện với phương tiện truyền thông đã mở rộng lượng người hâm mộ trên thị trường toàn cầu.
Trong thập kỷ qua, Kpop đã phát triển và mở rộng ở nhiều khía cạnh khác, dẫn đầu là nhóm nhạc nam gây chấn động BTS. Họ đã vượt qua những bức tường tưởng như không thể phá vỡ của ngành công nghiệp âm nhạc Mỹ chính thức. Bảy chàng trai đến từ Big Hit Music đã làm nên lịch sử và mở đường cho các Kpop ở Mỹ.
BTS - nhóm nhạc số 1 Hàn Quốc thời điểm này. |
Năm 2017, BTS là nghệ sĩ đầu tiên của Kpop biểu diễn tại American Music Awards, thành tích đã giới thiệu họ với hàng triệu khán giả phương Tây. Tính đến thời điểm này, BTS dẫn đầu bảng xếp hạng Billboard Hot 100 7 lần – thành tích vô tiền khoáng hậu chưa nghệ sĩ Kpop nào đạt được. Thành công của BTS mang về cho Hàn Quốc khoảng 5 tỷ USD mỗi năm, và những con số đang tăng lên theo thời gian, theo The Seoul Times.
Năm 2019, ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc đã có một năm kỷ lục khi thu về hơn 6,8 nghìn tỷ won doanh thu và xuất khẩu hơn 766 triệu USD.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc đã tiến hành nghiên cứu chung cho thấy doanh thu từ bài hát hit của BTS có thể cung cấp khoảng 8.000 việc làm trong đại dịch COVID-19. Doanh thu này sau đó được sử dụng để đưa những công việc này thành hiện thực.
Hallyu nói chung đã giúp thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc bằng cách phát triển xuất khẩu đạt 9,48 tỷ USD. Đặc biệt, vật phẩm, hàng hóa liên quan đến Kpop đã đóng góp đáng kể vào con số này bằng cách tăng doanh thu lên mức 114,5 triệu USD.
Bên cạnh BTS, BlackPink cũng là nhóm nhạc đạt được thành công lớn. Họ trở thành nhóm nhạc thần tượng đầu tiên biểu diễn tại Coachella năm 2019, là nhóm nhạc Kpop đầu tiên đạt hơn 1 tỷ lượt xem trên YouTube với video âm nhạc Ddu-Du Ddu-Du.
Chuyến lưu diễn Born Pink vòng quanh thế giới thu về 163,8 triệu USD với 40 đêm diễn, đưa bốn cô gái trở thành nhóm nữ có doanh thu lưu diễn cao nhất lịch sử. Cuối tháng 7, BlackPink vừa tổ chức hai đêm diễn tại sân Mỹ Đình, Hà Nội, hút hơn 60.000 khán giả, doanh rơi vào khoảng 335 tỷ đồng (khoảng 14,1 triệu USD), theo Touring Data.
BlackPink vừa hoàn thành hai đêm diễn ở Việt Nam. Ảnh: YG. |
Xuất khẩu Hallyu (làn sóng Hàn lưu) từ trò chơi, âm nhạc, phim ảnh… có tác động to lớn đến nền kinh tế Hàn Quốc. Năm 2004, Hallyu đóng góp 0,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) – xấp xỉ 1,87 tỷ USD. Năm 2018, con số lên tới 9,48 tỷ USD và 2019 ước tính đã thúc đẩy 12,3 tỷ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc.
Vượt rào cản ngôn ngữ, cơ hội tiếp cận văn hóa
Ngay cả ngôn ngữ, thứ từng được coi là rào cản đối với việc tiếp cận văn hóa Hàn Quốc, giờ đây được fan quốc tế coi là cơ hội học tập thú vị.
Nhiều người hâm mộ Kpop bắt đầu quan tâm đến việc học tiếng Hàn, khám phá phần còn lại của văn hóa đại chúng và xã hội Hàn Quốc. Sự phổ biến của thể loại có thể là mốt nhất thời, nhưng sự cộng hưởng về mặt văn hóa nhờ Kpop lớn hơn so với những gì chúng ta thấy.
Thông qua phạm vi tiếp cận, phong trào Kpop tăng vọt, kết nối mọi người thông qua tình yêu dành cho âm nhạc và sự đa dạng văn hóa. “Mặc dù vẫn còn những hạn chế, tôi tin rằng các thành viên BTS đã là tấm gương sáng cho thế hệ thần tượng trẻ. Họ không dừng lại ở việc viết lời và sáng tác, mà đã phát triển thành những nghệ sĩ có thể lan truyền thông điệp.
Kpop bây giờ phải mang những thông điệp như vậy. Phải có một triết lý, và thay vì tiêm nhiễm một số ý tưởng nhất định vào các thực tập sinh, các công ty phải phát triển hệ thống, trong đó các thực tập sinh có thể phát triển quan điểm của riêng họ với tư cách cá nhân” - nhà phê bình âm nhạc Kim Do Heon cho hay. Ông nhận định để Kpop trở thành thể loại âm nhạc toàn cầu thực sự, nó phải trở nên khoan dung và hiểu biết hơn về các nền văn hóa khác.
Để Kpop mở rộng hơn, Lee Gyu Tag, giáo sư nghiên cứu văn hóa tại Đại học George Mason Hàn Quốc nói với The Korea Herald: “Chìa khóa thành công của Kpop là khả năng pha trộn và hòa trộn để tạo thành bản hòa âm mới. Tuy nhiên, các vấn đề về chiếm đoạt và độc quyền văn hóa vẫn tồn tại cho đến tận bây giờ. Chúng ta đã chứng kiến ảnh hưởng của Kpop như dạng quyền lực mềm có thể tập hợp những người có xuất thân khác nhau lại với nhau.
Để Kpop trở thành thể loại âm nhạc toàn cầu thực sự, nó cần được chấp nhận và đề cập nhiều hơn về các nền văn hóa khác. Do đó, Kpop càng ít tiếng Hàn thì càng thành công trong việc hòa nhập vào bối cảnh toàn cầu”.