Cụ thể ngày 23/9, khi nữ sinh Đ.T.T.O (học sinh lớp 11B, trường THPT Thiệu Hóa) đã bình luận với ý trêu đùa bức ảnh mà nữ sinh T.T.T.H (học sinh lớp 11A6, trường THPT Dương Đình Nghệ) đăng trên facebook. Hai bên nhắn tin qua lại, phát sinh mâu thuẫn, rồi hẹn gặp nhau trước cổng trường sau giờ tan học để giải quyết. Hai bên to tiếng, có sự cổ vũ của một số người nên xông vào đánh nhau, rồi Đ.T.T.O bị đánh hội đồng.
Trước đó, ngày 27/8, một nữ sinh lớp 10, trường THPT thị xã Sầm Sơn cũng bị một nhóm bạn nữ đánh, lột quần áo, quay video rồi đẩy lên mạng facebook. Gần đây nhất, vào cuối tháng 9/2016, một video nhóm nữ đánh hội đồng một bạn nữ xảy ra tại huyện Tĩnh Gia cũng được đẩy lên mạng facebook… Hiện các vụ việc đang được ngành chức năng xem xét để đưa ra hình thức xử lý đối với học sinh và các cá nhân liên quan.
Lo lắng trước tình trạng học sinh vào facebook có thể gặp nhiều rủi ro, chị Nguyễn Thị Thiện, xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa nói: “Con tôi mới học THCS những đã sử dụng thành thạo facebook, giao lưu ảo với những người không quen biết… Gia đình cũng có kiểm soát, nhắc nhở việc này, nhưng không thể lúc nào cũng theo dõi được. Nhiều lúc tôi có cảm giác con bị “nghiện” facebook ảnh hưởng đến việc học tập.
Giải thích sau sự việc học sinh của trường tham gia đánh nhau do mâu thuẫn trên facebook, ông Lê Anh Niên - Hiệu trưởng Trường THPT Thiệu Hóa cho biết sẽ có biện pháp giáo dục học sinh trong việc sử dụng mạng facebook cũng như các trang mạng xã hội khác để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực, đồng thời tăng cường giáo dục đạo đức học sinh, ngăn chặn bạo lực học đường.
“Ngành giáo dục đang xem xét hình thức giáo dục học sinh, sinh viên về ứng xử trên mạng xã hội, mạng facebook tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc như đánh nhau, tổ chức đánh nhau, rồi quay video đẩy lên facebook để câu like...” - ông Nguyễn Ngọc Dũng - Trưởng phòng pháp chế học sinh, sinh viên, Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết.
Trước tình trạng trên, Sở GD&ĐT đã có các công văn gửi các đơn vị, với các giải pháp cụ thể như: Phối hợp với chính quyền địa phương trong quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, tạo điều kiện để các tổ chức Đoàn, Đội phát huy tích cực vai trò của mình; Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; Nêu cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, bộ môn trong việc ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực, vi phạm chuẩn mực đạo đức, lối sống và các hành vi bạo lực học đường. Trưởng phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm trước lãnh đạo địa phương và lãnh đạo ngành giáo dục về kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng chống bạo lực học đường trong học sinh, sinh viên trên địa bàn…