Theo ILO, mỗi ngày, trên thế giới có khoảng 7.600 người chết vì tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp và khoảng 1 triệu người bị thương do tai nạn lao động. Theo ước tính, năm 2016, có khoảng 152 triệu lao động trẻ em, trong đó có tới hơn 73 triệu trẻ em đang tham gia vào các công việc nguy hiểm, độc hại, các công việc ẩn chứa nguy cơ gây hại đến sức khỏe, an toàn và đạo đức của trẻ.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động thương binh và Xã hội cho biết, Việt Nam là quốc gia đã ban hành nhiều chính sách, quy định hướng tới việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động nhưng đến nay tỷ lệ lao động trẻ em vẫn đang ở mức cao.
Theo kết quả Khảo sát quốc gia về lao động trẻ em cho thấy có khoảng 1,7 triệu trẻ em tham gia vào lao động trong đó có đến 34% các em làm việc kéo dài trên 42 giờ một tuần. Đặc biệt, lao động trẻ em tồn tại trong khu vực kinh tế phi chính thức. Tình trạng này đang gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển tâm lý của trẻ, hạn chế các cơ hội học tập của các em và ảnh hưởng đến cơ hội việc làm bền vững của các em, ông Nam cho biết.
Theo đại diện Bộ Công an, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam ở mức cao là do điều kiện kinh tế, tập trung ở khu vực nông thôn và ở khu vực dân tộc thiểu số. Ở khu vực biên giới, việc mua bán trẻ em còn diễn ra phức tạp với hình thức chủ yếu là buôn bán mại dâm, bóc lột sức lao động hay nhận làm con nuôi cho người nước ngoài. Mặt khác, do lao động trẻ em chủ yếu tồn tại ở khu vực kinh tế nông thôn và phi chính thức nên có thể khó phát hiện.
Nói về giải pháp, bà Lê Hồng Loan – Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em, UNICEF Việt Nam cho rằng, cần có sự tham gia đồng bộ của tất cả lực lượng bảo vệ trẻ em từ trung ương, địa phương tới tận địa bàn huyện xã. “Phải có lực lượng bảo vệ trẻ em chuyên môn hóa đến cấp xã phường. Những người này phải là những người có kiến thức chuyên môn, có hiểu biết pháp luật và kỹ năng . Như thế trẻ em mới được bảo vệ một cách tốt nhất”, bà Loan cho hay.
Còn theo Cục trưởng Cục trẻ em cần tăng cường truyền thông, giáo dục về luật pháp, chính sách liên quan tới lao động trẻ em, nạn buôn người và nô lệ hiện đại….Đồng thời, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lao động, việc làm trẻ em nhằm ngăn chặn và xử lý hiệu quả các hành vi sử dụng lao động ép buộc. Ngoài ra, vấn đề lao động trẻ em cũng cần được đặt trong mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững, mục tiêu phòng chống bạo lực và phát triên toàn diện.