Nhiều trẻ bị mắc sởi rất nặng nhập viện

TP - Hiện dịch sởi đang diễn biến phức tạp, nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân sởi. Ngày 21/2 , GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, bệnh viện hiện đang điều trị, theo dõi cho hơn 30 trường hợp trẻ em mắc sởi nặng. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận 3 - 5 trường hợp nặng, thường tập trung vào trẻ em.

TS. Kính cho biết thêm, năm 2018 tiếp nhận 86 ca mắc sởi thì chỉ riêng tháng 1 năm 2019 đã điều trị hơn 200 ca. Số ca mắc sởi phải nhập viện điều trị chiếm 50% số ca đến khám. Các bệnh nhân chủ yếu đến từ Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam. Theo các chuyên gia, phần lớn trẻ mắc sởi đều không được tiêm vắc- xin đầy đủ. Đó là chưa tính số trẻ dưới 9 tháng tuổi, ở độ tuổi chưa được tiêm vắc-xin sởi, cũng mắc bệnh. TS Kính cho hay các biến chứng nặng  thường gặp là viêm phổi, viêm phế quản gây ngừng thở, tắc thở, bị bội nhiễm, viêm não…

Các bác sĩ cảnh báo, hiện nay nhiều phụ huynh đang sai lầm trong cách chăm sóc cho trẻ nhỏ khiến bệnh của con biến chứng nặng thêm. Điển hình như việc giữ con ở nhà điều trị quá lâu mà không theo dõi sát tình trạng trẻ, nhiều người kiêng gió kiêng nước, không tắm cho trẻ làm trẻ bị bội nhiễm trên da, viêm kết mạc… Một số phụ huynh nhầm lẫn giữa sởi và sốt phát ban dẫn đến điều trị sai làm bệnh của trẻ càng trầm trọng thêm. GS Kính cho biết, trẻ có miễn dịch kém, nếu mẹ không được tiêm phòng trong thời gian mang thai, khi trẻ mắc bệnh sẽ có nguy cơ bị biến chứng rất lớn, đặc biệt trên các bệnh nhân có sẵn bệnh lý nền.

Theo các bác sĩ, với trường hợp bị sốt phát ban thông thường, triệu chứng hay gặp là người bệnh bị nổi đồng loạt khắp cơ thể những nốt nhỏ màu hồng hoặc đỏ mịn, ẩn dưới bề mặt da. Khi nốt ban “bay” hết, da bệnh nhân sẽ trở về bình thường, không để lại vết thâm hoặc sẹo. Còn với trường hợp bị bệnh sởi, nốt ban xuất hiện ở từng bộ phận, sau đó vài ngày mới lan xuống toàn thân. Đặc điểm ban sởi là ban gồ lên mặt da, khi “bay” sẽ để lại những vết thâm trên da. Khi trẻ bị sởi có thêm dấu hiệu đặc trưng đi kèm là chảy nước mũi, ho và mắt đỏ.

Trước khi mang thai nên tiêm phòng sởi

Bộ Y tế khuyến cáo cha mẹ nên cho trẻ tiêm vắc-xin đầy đủ, đúng lịch; riêng phụ nữ mang thai thường dễ mắc sởi cũng nên tiêm nhắc lại để tránh truyền bệnh từ mẹ sang con. Với người lớn có thể tiêm nhắc lại 5 năm/lần. Trên thực tế cũng rất nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi (nhóm tuổi chưa đến thời điểm tiêm sởi), GS.TS. Nguyễn Văn Kính cho biết, phụ nữ trước khi có ý định mang thai nên đi tiêm phòng sởi để tạo miễn dịch mẹ truyền cho con.

MỚI - NÓNG